Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình được Bộ Tư pháp soạn thảo và đang được đưa ra lấy ý kiến đóng góp của nhân dân. Theo kế hoạch, dự thảo luật này sẽ được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp lần thứ 6 vào cuối năm nay. Tại Điều 9 của dự thảo luật này là những quy định về điều kiện kết hôn, với nội dung như sau: Nam nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây: Phương án 1: Nam, nữ từ đủ mười tám tuổi trở lên; Phương án 2: Nam từ đủ hai mươi tuổi, nữ từ đủ mười tám tuổi trở lên.
Như vậy, với phương án 2, dự luật đã giữ nguyên điều kiện như luật hiện hành. Còn với phương án 1, điều kiện kết hôn của nam đã được hạ xuống 2 tuổi. Nếu Quốc hội đồng ý với phương án 1 và cũng có nghĩa là sẽ trẻ hóa tuổi kết hôn. Theo suy nghĩ của cá nhân tôi thì phương án 1 không phù hợp và sẽ nảy sinh nhiều bất cập. Bởi thực tế hiện nay cho thấy tuổi kết hôn của nam và nữ đều tăng cao so với trước đây. Số người kết hôn trước tuổi 25 kể cả nam và nữ đang ngày một giảm nhiều. Điều đó cho thấy, nam nữ thanh niên ngày nay đã có nhận thức về cuộc sống gia đình khác với ngày trước. Họ không muốn có gia đình riêng sớm vì sợ ảnh hưởng đến việc học tập, nghề nghiệp và tương lai. Vì vậy, không có lý do gì chúng ta lại “khuyến khích” họ kết hôn sớm.
Hơn nữa, trẻ hóa độ tuổi kết hôn với độ tuổi 18 thì cả nam và nữ vẫn chưa phát triển hoàn chỉnh về mặt tâm sinh lý (nhất là về sinh học). Nếu cho kết hôn ở độ tuổi này sẽ có nhiều bà mẹ và ông bố là những “cậu ấm”, “cô chiêu” thì thật khó có thể sinh ra những đứa trẻ khỏe mạnh và cũng không dễ nuôi dạy chúng một cách tốt nhất để trở thành những công dân tốt nhất cả về mặt thể chất cũng như tư duy trong tương lai. Như vậy, trẻ hóa độ tuổi kết hôn sẽ mang đến nguy cơ làm hạn chế khả năng phát triển về thể trạng nòi giống của dân tộc, trong khi thực tế hiện nay, sự phát triển đó đã rất chậm (nhất là về mặt chiều cao). Bên cạnh đó, ở độ tuổi 18 phần đông nam nữ thanh niên còn đang đi học, vì Nhà nước đang thực hiện chính sách phổ cập bậc trung học. Do đó, nếu cho phép nam nữ kết hôn ở độ tuổi 18 cũng có nghĩa là “khuyến khích” một số người bỏ học để lập gia đình. Đó là chưa kể đến việc ở độ tuổi này chắc chắn hầu hết họ chưa có nghề nghiệp ổn định và như thế sẽ vô tình tạo thêm gánh nặng cho xã hội.
Chưa hết, nếu chúng ta chấp nhận việc trẻ hóa độ tuổi kết hôn, thì cần phải sửa lại nhiều văn bản pháp luật khác và điều này khó có thể thực hiện ngay trong thời gian ngắn, nhưng nếu thi hành đồng thời các luật có liên quan thì giữa các luật sẽ có sự vênh nhau. Cụ thể, nếu giảm độ tuổi kết hôn của nam thì sẽ phải điều chỉnh Bộ luật Lao động (giảm tuổi lao động), Luật Thanh niên,.. Và điều quan trọng hơn nữa là nếu thực hiện việc trẻ hóa độ tuổi kết hôn thì không những nỗ lực chống tảo hôn từ trước đến nay sẽ trở nên mất tác dụng mà còn có nguy cơ sẽ tạo ra sự trẻ hóa tình trạng tảo hôn. Trong khi đó, chống tảo hôn không chỉ giúp tạo ra những đứa trẻ khỏe mạnh mà còn giúp xây dựng gia đình bền vững.
Từ phân tích trên cho thấy, với điều kiện hiện nay chúng ta không nên hạ độ tuổi kết hôn với bất kỳ lý do gì. Vì vấn đề quan trọng nhất của đất nước hiện nay là chất lượng cuộc sống của người dân và giống nòi trong tương lai.
K.N
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065