Do trước đây là cán bộ Hội Nông dân xã Tân Lợi nên bà Lan có điều kiện tiếp cận với nhiều mô hình kinh tế tiêu biểu trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, bà vẫn không yên tâm với cách canh tác của người nông dân hiện nay, vì phải sử dụng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học. Bà cho rằng, việc sử dụng lâu dài phân hóa học sẽ làm đất bạc màu, chai cứng. Trong khi đó, phân hữu cơ có rất nhiều ưu điểm như: giúp đất tơi xốp, chứa nhiều vi sinh vật hữu ích, giữ ẩm tốt, tăng khả năng chống chịu sâu bệnh. Sử dụng phân hữu cơ sẽ giảm chi phí đầu tư mà năng suất cây trồng vẫn đảm bảo.
Bà Lan tự ủ phân bón bằng phụ phẩm nông nghiệp để phục vụ sản xuất
Nhà bà Lan có 3 ha quýt đường và bưởi da xanh, trung bình mỗi năm gia đình thu 40 tấn quýt đường/ha, với giá bán dao động từ 15-25 ngàn đồng/kg, trừ chi phí thu lãi khoảng 600 triệu đồng. Bà Lan cho biết: Quýt đường thuộc cây có múi, nhiều sâu bệnh hại như: nhện đỏ, bọ trĩ, bọ xít, sâu ăn lá, đục thân, vẽ bùa và các loại bệnh nấm trên lá, thân, cành... Nếu muốn tránh rủi ro, nhà nông cần thường xuyên thăm vườn để quan sát, phát hiện sâu bệnh hại, kịp thời có biện pháp phòng trị phù hợp. Tuy nhiên, nếu lạm dụng quá nhiều thuốc hóa học để phòng trừ sâu bệnh thì sẽ ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây. Khi bón phân cần kết hợp sử dụng phân bón chứa vi sinh vật có lợi nhằm cung cấp đủ lượng chất dinh dưỡng cần thiết để cây sinh trưởng phát triển tốt.
Từ suy nghĩ đó, bà đã tự tìm hiểu và bắt đầu ủ phân vi sinh bón qua lá từ năm 2014. Bà mua chế phẩm men sinh học E.M ngoài thị trường, sau đó, đổ nước vào khoảng ½ túi ni-lon lớn hoặc thùng nhựa có nắp đậy và lót ở dưới, bỏ các loại như tỏi, ớt, riềng, sả, các loại trái cây như cam, quýt (chủ yếu là tận dụng cam, quýt hư hỏng)... Tiếp tục đổ chế phẩm lên men sinh học E.M, trộn đều, đậy nắp kín, ủ khoảng 1 tháng là có thể sử dụng được. Trước đây, mỗi lần cây ra lá bà phải xịt 4 lần phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật thì đến nay khi sử dụng phân vi sinh bón lá đã giảm được 50% lượng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật. Theo bà, tỏi vốn có chất đề kháng tự nhiên cao, có thể sử dụng để phòng ngừa sâu bệnh và tăng cường dinh dưỡng cho đất. Khi quýt bắt đầu ra lá, bà sử dụng hỗn hợp chế phẩm sinh học E.M đã được ủ lên men với các loại củ, quả hòa với nước và phun cho cây. Nếu cây nào bị sâu bệnh, bà sẽ tăng số lượng các loại như hành, ớt, tỏi, sả, riềng... để diệt trừ sâu bệnh. Trung bình một tuần hoặc 10 ngày bà lại phun cho quýt 1 lần. “Sử dụng phương pháp này không những diệt trừ được sâu bệnh mà còn đảm bảo sức khỏe cho nông dân và người tiêu dùng, không gây ô nhiễm môi trường. Vườn quýt của gia đình tôi vừa đạt năng suất cao vừa giảm chi phí sản xuất” - bà Lan chia sẻ.
Bên cạnh ủ phân vi sinh bón qua lá, bà còn tự ủ phân hữu cơ bón cây. Bên cạnh giúp tăng độ phì cho đất, tăng khả năng giữ nước, giúp thúc đẩy hệ vi sinh vật có lợi trong đất phát triển thì phân hữu cơ còn giúp tăng tuổi thọ và sức bền cho cây. Sau nhiều năm sử dụng phân hữu cơ, bà nhận thấy kích cỡ trái rất đồng đều, màu sắc khi thu hoạch cũng sáng và đẹp hơn. Với thành phần phân bò và lượng nhỏ phân lân, đạm và con ruốc biển (tôm, tép), các loại đậu phế phẩm phơi, xay nhỏ đem ủ với nấm trichoderma để ức chế sự phát triển của nấm bệnh trong đất, đồng thời giúp quá trình phân hủy nhanh hơn, kết hợp với thành phẩm của phân vi sinh bón qua lá. Hỗ hợp này ủ 3 tháng là sử dụng được. Việc sử dụng phân hữu cơ tự ủ đã giúp gia đình bà giảm được 1/3 chi phí sản xuất và giảm đến 40% lượng phân hóa học vào trong đất.
Ông Lương Văn Chúng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Lợi cho biết: Vườn quýt đường của hộ bà Lan sử dụng phương thức canh tác mới, giúp đảm bảo trái cây an toàn, người tiêu dùng yên tâm khi sử dụng. Do đó, chúng tôi cũng đang khuyến khích bà con nông dân tham quan và học hỏi kinh nghiệm để hướng đến sản xuất nông nghiệp sạch, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học vào đất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Minh Hiền
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065