Tư tưởng nhân văn - đạo đức Hồ Chí Minh là "sự kết tinh truyền thống tốt đẹp nhất của dân tộc Việt Nam cộng với đạo đức cộng sản chủ nghĩa của giai cấp công nhân, giai cấp triệt để cách mạng của thời đại, có sứ mệnh lịch sử cải tạo thế giới, thiết lập xã hội cộng sản chủ nghĩa trên hành tinh chúng ta."(1)
Suốt cuộc đời đấu tranh cách mạng vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến luân lý cách mạng, đạo đức làm người. Người nêu những tiêu chuẩn về đạo đức cách mạng, và chính Người là một kiểu mẫu về đạo đức cách mạng. Trong tác phẩm "Đường Kách mệnh" (1927), ở chương đầu, Người nêu "Tư cách một người cách mệnh". Người cũng dành một chương trong cuốn "Con đường giải phóng" để nói về "Tư cách người cán bộ".
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: "Cũng như sông phải có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn; cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù có tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân" (2), "sức có mạnh mới gánh được nặng và đi xa, người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang" (3)
Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, đạo đức không phải là một lý thuyết trừu tượng. Nói để mà làm, chứ không phải chỉ để mà nghe, nói ít làm nhiều và lời nói phải đi đôi với việc làm, lấy hiệu quả công việc làm thước đo đạo đức. Người luôn luôn quan niệm đạo đức cách mạng là suốt đời hy sinh phấn đấu cho chủ nghĩa cộng sản. Người dạy: "Trung với nước, hiếu với dân", sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng con người. Đối với bạn bè quốc tế, Người nói: "Quan sơn muôn dặm một nhà; bốn phương vô sản đều là anh em". Trong ý thức cũng như trong hành động, Người luôn gắn liền quyền lợi dân tộc với quyền lợi giai cấp lao động, quyền lợi dân tộc với lợi ích quốc tế. Người đã nêu một kiểu mẫu tuyệt vời về mối quan hệ giữa chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế trong sáng.
Tư tưởng nhân văn - đạo đức Hồ Chí Minh còn thể hiện lòng nhân ái cao cả. Lòng nhân ái của Người là sự kết tinh truyền thống nhân ái tiến bộ của dân tộc Việt Nam với chủ nghĩa nhân văn cộng sản. Lòng nhân ái của Người không phải là lòng thương người siêu giai cấp, trừu tượng, mà là tình thương yêu giai cấp đối với giai cấp vô sản và nhân dân lao động, những lớp người bị áp bức bóc lột. Lòng nhân ái của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện bằng hành động cách mạng, đấu tranh xóa bỏ ách thống trị của đế quốc, thực dân, giải phóng dân tộc, giải phóng con người. Lý tưởng, mục tiêu phấn đấu của Người là hòa bình, độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc cho mọi người dân Việt Nam và nhân dân lao động thế giới. Tư tưởng nhân văn - đạo đức Hồ Chí Minh hướng tới giải phóng nhân loại cần lao và bị áp bức. Cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh thắm đượm tư tưởng vì nhân dân, vì nhân loại.
Tư tưởng vì con người, vì nhân dân và vì nhân loại của Người là chủ nghĩa nhân văn của thời đại mới. Đặc trưng nổi bật trong tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là đấu tranh giành tự do cho từng cá nhân, để từ đó, mỗi cá nhân tự khẳng định mình bằng hành động thực tế và tự quyết định vận mệnh của mình trong độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: "Không có chế độ nào tôn trọng con người, chú ý xem xét những lợi ích cá nhân đúng đắn và bảo đảm cho nó được thõa mãn bằng chế độ xã hội chủ nghĩa" (4), và "xây dựng chủ nghĩa xã hội là làm cho dân giàu, nước mạnh. Dân có giàu thì nước mới mạnh" (5) Người "chỉ có một ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành".
Tư tưởng nhân văn - đạo đức Hồ Chí Minh hướng tới giải phóng nhân loại cần lao và bị áp bức. Tư tưởng vì con người, vì nhân dân và vì nhân loại của Người là chủ nghĩa nhân văn của thời đại mới. |
Tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh còn bao hàm một lòng khoan dung rộng lớn và cao cả. Người chắt lọc tinh hoa, tiếp thu hạt nhân hợp lý từ chủ nghĩa nhân văn phương Đông, phương Tây, hình thành tư tưởng khoan dung đối với tất cả mọi người, trừ bọn cướp nước, kẻ cố ý hại dân, cam tâm phản quốc. Tấm lòng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân hậu, bao dung cả với những vị quan lại cũ, những trí thức đã từng tham gia chính quyền bù nhìn. Họ được Người cảm hóa bằng sự khoan dung. Và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tập hợp quanh mình và phát huy tác dụng của những vị vốn là đại thần của Nam triều cũ như cụ Thượng thư Bùi Bằng Đoàn, cụ Khâm sai đại thần Phan Kế Toại, cụ Tổng đốc Vi Văn Định... Chủ tịch Hồ Chí Minh còn dung nạp cả cựu hoàng Bảo Đại mà bản thân và triều đình hư vị của ông ta đã theo mệnh lệnh của thực dân Pháp ký án tử hình vắng mặt Nguyễn Ái Quốc (sau giảm xuống thành án tù chung thân vắng mặt). Cụ Huỳnh Thúc Kháng nói: "Chí thành năng động, tấm lòng thành của Cụ Hồ làm đá cũng phải chuyển, huống là tôi". Luật sư Phan Anh tâm sự: "Bác không lấy việc tôi đã tham gia chính phủ Trần Trọng Kim thân Nhật làm điều, mà vẫn cho tôi là một trí thức yêu nước và trọng dụng".
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi cá nhân cũng như mỗi cộng đồng người đều có ưu điểm, khuyết điểm, mặt tốt, mặt xấu, mặt được, mặt chưa được... hết sức phong phú, như năm ngón tay dài ngắn khác nhau, như mấy mươi triệu con người Việt Nam "có thế này, thế khác". Và tuy dài ngắn khác nhau, nhưng cả năm ngón tay đều tập hợp nhau lại thành bàn tay; tuy người thế này, người thế khác, nhưng đều là nòi giống Lạc Hồng, ai cũng có ít hay nhiều lòng yêu nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là hiện thân rực sáng của tấm lòng nhân ái, khoan dung, mà còn thường xuyên giáo dục, nhắc nhở những ai có chức, có quyền, đặc biệt chức to, quyền lớn càng phải thương yêu, độ lượng với người dưới, với chiến sĩ.
Di sản nhân văn - đạo đức Hồ Chí Minh để lại là hết sức phong phú, sâu sắc, có giá trị lý luận và thực tiễn lớn lao. Những nội dung cơ bản của tư tưởng nhân văn - đạo đức Hồ Chí Minh đang được Đảng ta vận dụng và phát triển trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước với mục tiêu cao cả: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vì hạnh phúc con người.
------------------------------------------------------------
(1) Trường Chinh: Chủ tịch Hồ Chí Minh và thời đại-Tạp chí Cộng sản, tháng 6-1980.
(2) Hồ Chí Minh: Về đạo đức cách mạng-NXB ST-H-1976- tr 30-35.
(3) Hồ Chí Minh Toàn tập-NXB ST - H - 1980- T 11 - tr 94.
(4)(5) Hồ Chí Minh: Về cách mạng XHCN và xây dựng CNXH- NXB ST- H - 1976 - tr 38-39-44.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065