Sinh ra và lớn lên ở một vùng nông thôn nghèo, trong một gia đình có truyền thống yêu nước, thương dân, nên hơn ai hết Chủ tịch Hồ Chí Minh thấm thía nỗi khổ, nỗi vất vả của người nông dân. Chính vì vậy, Người đã dành tình cảm đặc biệt của mình đối với nông dân và suốt đời Người luôn chăm lo cho cuộc sống và hạnh phúc của nông dân.
Bác hồ tát nước với nông dân - Ảnh tư liệu |
Từ tình cảm đặc biệt dành cho nông dân, Người đã nhìn thấy sức mạnh to lớn và vị trí cực kỳ quan trọng của người nông dân trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Vì vậy, trong bản “Báo cáo tại Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ ba, khóa II, một lần nữa Người đã khẳng định: “Giai cấp nông dân: Nông dân là tối đại đa số trong nhân dân nước ta là bộ phận chủ chốt trong đội ngũ cách mạng, là giai cấp đóng góp nhiều nhất trong kháng chiến”, (Hồ Chí Minh toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội năm 2002, tập 6, trang 458). Và, “Giai cấp nông dân chủ chốt là bần nông và trung nông là quân đội chủ lực của kháng chiến và của cách mạng dân chủ mới… Cách mạng ta hiện nay là chống đế quốc, chống phong kiến. Nông dân là lớp người đông nhất trong nhân dân, cho nên họ là quân chủ lực của cách mạng”, (Sđd, t 7, tr 213).
Không chỉ nhìn thấy và khẳng định về vị trí, vai trò của nông dân đối với cách mạng của nước ta, Người còn khẳng định vị trí và vai trò của nông dân trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Vì vậy, trong thư gửi hội nghị nông dân cứu quốc toàn quốc lần thứ hai, Người đã khẳng định: “Đa số dân ta là nông dân. Mỗi việc đều phải dựa vào nông dân. Nông dân giác ngộ, hăng hái thì kháng chiến mới mau thắng lợi, kiến quốc mới chóng thành công, nông dân mới được giải phóng…”, (Sđd, t 6, tr 191). Và trong “Báo cáo trước Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, khóa 1, ngày 1-12-1953, Bác đã viết: “Tối đại đa số nhân dân ta là nông dân. Mấy năm nay nhờ lực lượng nông dân kháng chiến được thắng lợi. Sau này cũng nhờ lực lượng nông dân mà kháng chiến hoàn toàn thắng lợi, kiến quốc đi đến thành công”, (Sđd, t 7, tr 179). Đồng thời, trong tác phẩm “Thường thức chính trị”, một lần nữa Người đã khẳng định: “Trong cuộc kháng chiến của ta, nông dân đóng góp nhiều nhất, phải hy sinh nhiều nhất. Trong quân đội ta, tối đa số là nông dân. Trong công cuộc xây dựng dân chủ mới, muốn phát triển công nghệ và thương nghiệp, ắt phải do nông dân được giải phóng, thi đua sản xuất, cung cấp nguyên liệu và lương thực, đồng thời tiêu thụ dồi dào những thứ công nghệ sản xuất ra”, (Sđd t 7, tr 213).
Không chỉ nhìn thấy và khẳng định vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của nông dân đối với cách mạng và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Người còn chỉ rõ vị trí, vai trò của nông dân trong công cuộc xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng ở nông thôn. Ngày 25-1-1953, trong báo cáo trước Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ tư, khóa II, Người đã viết: “Nông dân lao động đã thành trụ cột của chính quyền ở nông thôn, do đó mà nhân dân dân chủ chuyên chính và công nông liên minh trở nên vững chắc”, (Sđd, t 7, tr 9).
Từ quan điểm về vị trí, vai trò của nông dân đối với cuộc cách mạng, Người đã chỉ rõ Đảng, Nhà nước phải làm gì để tập hợp được sức mạnh của nông dân nói riêng và toàn dân tộc nói chung. Đồng thời, Người đưa ra vấn đề là muốn dựa vào sức mạnh của Nông dân, thì Đảng và Nhà nước phải làm gì? Và trong thư gửi “Hội nghị nông vận và dân vận toàn quốc” ngày 5-2-1953, Người đã viết: “Nông dân lao động là một lực lượng rất to lớn của dân tộc, một đồng minh rất chắc chắn của giai cấp công nhân. Muốn kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công ắt phải dựa vào quần chúng nông dân. Muốn dựa vào nông dân ắt phải bồi dưỡng lực lượng của họ. Muốn nông dân có lực lượng dồi dào thì phải làm cho họ có ruộng cày, có cơm ăn, áo mặc, nhà ở”, (Sđd, t 7, tr 23).
Khi nói về vị trí, vai trò của nông dân trong công cuộc kiến quốc, Bác đã viết: “Người thì có hai chân. Kinh tế một nước thì có hai bộ phận chính: Nông nghiệp và công nghiệp. Người không thể thiếu một chân, thì nước không thể thiếu một bộ phận kinh tế. Nước ta là nước nông nghiệp, cho nên hiện nay nông nghiệp là quan trọng nhất”. (Sđd t 8, tr 77). Và trong “Bài nói chuyện tại hội nghị cán bộ đoàn thanh niên Lao động Việt Nam toàn miền Bắc”, ngày 22-9-1962, một lần nữa Người khẳng định: “Công nghiệp và nông nghiệp như hai chân con người, hai chân có mạnh thì đi mới vững chắc. Nông nghiệp không thể phát triển thì công nghiệp cũng không phát triển được. Ngược lại, không có công nghiệp thì nông nghiệp cũng khó khăn. Công nghiệp và nông nghiệp quan hệ với nhau rất khăng khít”. (Sđd, t 10, tr 619).
Trong di chúc, người đã dành những dòng trìu mến, ân cần đối với giai cấp nông dân: “Trong bao năm kháng chiến chống thực dân Pháp, tiếp đến chống đế quốc Mỹ, đồng bào ta, nhất là đồng bào nông dân đã luôn luôn hết sức trung thành với Đảng và Chính phủ ta, ra sức góp của, góp người, vui lòng chịu đựng mọi khó khăn gian khổ. Nay ta đã hoàn toàn thắng lợi, tôi có ý đề nghị miễn thuế nông nghiệp một năm cho các hợp tác xã nông nghiệp để cho đồng bào hỷ hả, mát dạ, mát lòng thêm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất”.
Có thể nói trong sự trọn vẹn của con người Hồ Chí Minh có sự trọn vẹn về tình cảm, quý trọng, tin tưởng và nhất mực thương yêu người nông dân - những người suốt đời chân lấm tay bùn làm ra của cải nuôi sống xã hội, có nhiều đóng góp cho cách mạng.
Nhật Minh
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065