Các phóng viên, cộng tác viên tác nghiệp - Ảnh: H.Thu
Hai ngày sau khi bài báo được đăng tải, tôi nhận điện thoại của một cô giáo. Cô xưng tên là Bông, giáo viên Trường THCS Nguyễn Trường Tộ, xã Đức Liễu (Bù Đăng). Chợt nhớ đến bài báo của một cộng tác viên, hiện công tác tại Đài Truyền thanh huyện Bù Đăng viết về Trường THCS Nguyễn Trường Tộ, trong đó có nhắc đến cô giáo Phạm Thị Bông là giáo viên giỏi cấp tỉnh nên tôi nói: Em không biết chị nhưng chị biết em. Tưởng sau câu nói của tôi sẽ nhận được sự cởi mở, vui vẻ của người đối thoại nhưng bất ngờ tôi nghe tiếng thút thít khóc từ đầu dây bên kia. Cô giáo Bông nghẹn ngào nói: Em buồn và tủi thân lắm chị ạ. Em không có ý kiến gì về nội dung trong bài viết của chị, vì thấy chị viết đúng. Nhưng sao chị lại lấy hình của em - người chẳng liên quan gì đến những sai phạm mà chị đề cập trong bài viết để minh họa? Mấy ngày nay, bạn bè liên tục nhắn tin, gọi điện cho em. Họ bảo em thành người “nổi tiếng” rồi, vì được “lên” báo tỉnh. Em không biết phải thanh minh thế nào nữa!
Tôi ngớ người và vội vàng xin lỗi cô giáo Bông. Tôi nhận đó là do sự tắc trách của mình cũng như sự thiếu cẩn trọng của Tòa soạn khi trình bày bài báo. Nếu như có phần chú thích “ảnh chỉ mang tính minh họa” thì cô giáo Bông đã không phải chịu sự oan ức và tôi cũng không rơi vào tình huống khó xử như vậy. Nhưng sự đã rồi. Tôi đành an ủi cô giáo Bông, hướng dẫn cô cách trả lời bạn bè và hứa sẽ cẩn trọng hơn trong tác nghiệp.
Gần tới Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21-6), tôi kể lại câu chuyện này như một sự nhắc nhủ bản thân và cung cấp thêm một kinh nghiệm tới đồng nghiệp, rằng hãy cẩn trọng hơn nữa trong từng câu, từng chữ. Qua gần ba mươi năm cầm bút, tôi nhận thấy rằng mỗi câu, mỗi chữ trong bài viết của mình có thể làm ảnh hưởng đến sinh mệnh chính trị của một con người, một gia đình, một cơ quan, đơn vị. Đạo đức nghề báo thực ra chẳng phải là chuyện gì to tát và năm nào đến dịp kỷ niệm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam thì cả người trong ngành lẫn ngoài ngành đều nhắc lại. Nhưng tôi không muốn nói đến cái đạo đức to tát, kiểu như “trách nhiệm xã hội” mà các nhà báo đang còng lưng gánh, hay như cách nói của một bậc lão làng trong nghề, là phải “bút sắc, lòng trong, mắt sáng”. Tôi chỉ muốn nói đến “khía cạnh đạo đức” ở góc nhìn của người làm báo khi tiếp cận những vấn đề mang tính xã hội mà đôi khi chỉ xem lướt, đọc lướt thì rất dễ bỏ qua, giống như trường hợp đăng tấm hình cô giáo Bông trong bài viết mà tôi đã đề cập.
Hằng ngày đọc báo, xem truyền hình, tôi cứ thấy lời khen, điều tốt, cái đẹp đang ít dần đi. Sau cơn mưa lớn ngày 25-5 vừa qua, Hà Nội chìm ngập trong biển nước khiến người đi đường vô cùng khó khăn, nhiều người bị té xe, rớt đồ xuống nước bẩn. Trong hoàn cảnh ấy, rất nhiều cảnh sát giao thông đã đầm mình trong dòng nước dơ để hỗ trợ người dân đẩy xe hoặc giúp phụ nữ, người già, trẻ nhỏ di chuyển. Thế nhưng trên các trang báo rất ít những hình ảnh này. Nhiều nhà báo vẫn mải miết đi tìm những mảng tối trong cuộc sống để viết bài và giật tít nhằm thỏa mãn sự tò mò của bạn đọc. Họ nghĩ, khi viết về cái xấu, cái tiêu cực sẽ có nhiều người tìm đọc hơn, bản thân họ sẽ “nổi tiếng” hơn! Đương nhiên những cái xấu, việc làm tiêu cực cần bị lên án. Nhưng giữa làn ranh của thiện và ác, người cầm bút cần biết thế nào là vừa đủ để làm tròn chức năng giáo dục, định hướng mà không đi quá đà. Bởi thêm một câu bình luận thiếu thiện chí, sinh mệnh chính trị của đối tượng phản ánh có thể rơi xuống vực.
Hóa ra đạo đức nghề báo chẳng phải là điều gì to tát như “dấn thân, trung thực đấu tranh vì lẽ phải” hay không a dua a tòng sao chép những chuyện giật gân câu khách từ báo nọ sang báo kia. Đạo đức nghề báo đôi khi chỉ là những việc rất bình thường như sự cẩn trọng khi viết một chú thích ảnh hay đưa tin một vụ việc tiêu cực thế nào là vừa đủ để không hại chết một con người, một doanh nghiệp; hay khen một hành động tốt thế nào để không quá lố, để người được khen không cảm thấy ngượng vì bị cho “đi tàu bay giấy”. Trước mỗi sự việc, hiện tượng, thái độ ứng xử của nhà báo thông qua cách đưa tin và trình bày bản tin ấy là đã bao hàm đạo đức nghề báo trong đó rồi.
Thủy Nguyên
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065