Hai mươi năm trước, từ miền Trung xa xôi, tôi đặt bước chân đầu tiên lên đất Bình Phước để khởi đầu một cuộc sống mới giữa lúc cao điểm mùa khô. Nắng càng bỏng rát hơn bởi ảnh hưởng El nino - một El nino dữ dội trong lịch sử. Khắp nơi chỉ thấy những vườn cây xơ xác vì thiếu nước, những con đường lầm bụi đỏ khiến cây lá chỉ có một màu - màu bụi đường. Và tôi đã lầm tưởng lá điều màu đỏ.
TỪ CÂY CỦA NGƯỜI NGHÈO
Nghiệp làm báo với những chuyến đi thực tế triền miên và trong sổ tay phóng viên của mình, điều tôi ghi nhận sớm nhất là trên đất Bình Phước này, từ vùng nông thôn đến thị trấn, thị tứ; từ người dân tộc thiểu số (DTTS) đến người Kinh, ở đâu, nhà nào cũng trồng điều. Nhiều thì hàng chục héc ta, ít thì vài sào. Những gia đình bám mặt đường để làm dịch vụ chỉ có vài mét đất cũng trồng vài cây trước nhà để chắn bụi. Giáp tết, những trái điều đầu mùa chín rụng xuống, mấy đứa trẻ sống cùng dãy trọ với tôi lượm hạt để nướng. Lần đầu tiên nhấm nháp nhân hạt điều nướng cùng lũ trẻ, tôi nhớ mãi cái vị béo, ngọt cùng mùi thơm không thể lẫn vào đâu được và tự hỏi, có phải vì bươn ra ngoài quả, tiếp xúc trực tiếp với nắng, với gió mà nhân điều có được mùi vị đặc biệt ấy? Mai này, những đứa trẻ kia lớn lên, dù lập thân, lập nghiệp ở một vùng quê xa lắc xa lơ nào đó, cái để chúng nhớ về quê hương Bình Phước hẳn sẽ là mùi vị đặc trưng của những hạt điều nướng mà chúng thường chụm đầu cùng ăn với nhau trong những ngày giáp tết!
Nông dân dọn vườn chuẩn bị cho mùa điều mới - Ảnh: Duy Thơm
Những năm đầu tái lập tỉnh là quãng thời gian hạt điều mất giá thê thảm. Những vườn điều vốn xơ xác vì El nino càng xơ xác hơn vì bị người dân bỏ hoang. Trong các thôn, sóc của đồng bào DTTS chỉ còn lại những gương mặt nhàu nhĩ vì thiếu đói của người già, phụ nữ, trẻ em. Đàn ông, trai tráng phải bỏ thôn, sóc đi làm thuê. Trong các khu vườn, tiếng cưa máy rú rít suốt ngày để đốn hạ điều. Trên những gốc cây sần sùi vừa được hạ, nhựa điều màu nâu sẫm chảy thành dòng như máu ứa! Dọc các tuyến QL13, QL14, ĐT741, củi điều chất thành núi. Những gia đình có điều kiện thì thay thế vườn điều bằng cây tiêu hoặc cà phê, cây ăn trái. Những hộ không có điều kiện thì bỏ mặc vườn cho cỏ mọc và sâu bệnh.
Có lần, tôi gặp già làng Điểu Lên ở sóc Bom Bo (Bù Đăng) khi ông đang thơ thẩn trong vườn điều xơ xác. Tôi đã hỏi vì sao điều già cỗi mà không chặt đi thay lứa mới? Hàng chân mày rậm và trắng phếch trên gương mặt ưu tư của già làng Điểu Lên nhíu lại rồi ông nói như mắng tôi: Vườn điều đó nuôi sống gia đình tao mấy chục năm rồi, sao nỡ chặt bỏ! Chẳng riêng gì gia đình già Điểu Lên, tất cả vườn điều của đồng bào S’tiêng ở sóc Bom Bo hồi ấy đều cằn cỗi vì không được tỉa cành, phun thuốc. Trong tiềm thức của đồng bào, cây điều được sinh ra là để giúp người nghèo chống đói. Không cần chăm sóc, cứ mùa mưa, chọc lỗ thả hạt điều xuống, tự nó sẽ tìm lấy thức ăn trong lòng đất, cây lớn dần rồi cho trái, cho hạt. Được mùa, được giá thì đời sống của đồng bào lên hương. Thất mùa, rớt giá thì đành chịu đói. Với đồng bào, cây điều là bạn nên dù có già cỗi cũng không thể từ bỏ nó!
ĐẾN MŨI NHỌN KINH TẾ CỦA TỈNH
Mùa mưa tới, những cơn mưa miền Đông không giống mưa ở bất cứ nơi nào, đột ngột và xối xả. Chỉ sau vài cơn mưa đầu mùa, những lớp bụi đất dày cợi bám trên từng cành cây, phiến lá được gột sạch và khoác lên những vườn điều nguồn sinh lực mới. Những rẫy điều um tùm, tán vươn nhanh, phủ kín các triền đồi không chỉ hứa hẹn mùa vụ bội thu mà còn cho người ta cảm giác yên bình bởi màu xanh ngút ngát trải dài, giống như những cánh tay ôm choàng, nối liền những miền quê và trở thành nét đặc thù riêng biệt của vùng đất Bình Phước.
Sau một thời kỳ khá dài với “nhiệm vụ” xóa đói giảm nghèo, cây điều, ngành điều đã được xác định là một mũi nhọn kinh tế của tỉnh. Từ những năm cuối thế kỷ XX, tỉnh đã quy hoạch lại vùng chuyên canh cây điều, tập trung chủ yếu ở 2 huyện Bù Đăng và Phước Long. Hàng loạt chính sách ưu tiên được chính quyền tỉnh áp dụng như: hỗ trợ cải tạo vườn điều; cung cấp giống điều cao sản miễn phí cho hộ nghèo và đồng bào DTTS; cho vay ưu đãi đối với các hộ có dự án trồng, cải tạo vườn điều hoặc mở xưởng chế biến hạt điều... Sự tác động từ các chính sách hỗ trợ, ưu tiên của tỉnh đối với cây điều và các sản phẩm được làm từ hạt điều đã làm thay đổi hàng loạt vấn đề, từ nhận thức của các cấp chính quyền và người dân đối với cây điều đến cơ cấu cây trồng, cơ cấu kinh tế của tỉnh và làm thay đổi cả diện mạo nông thôn Bình Phước. Đi khắp hang cùng ngõ hẻm trên địa bàn tỉnh, ở đâu cũng hiện diện những dịch vụ “ăn theo” cây điều. Nào cơ sở nhân giống điều, dịch vụ cung cấp phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, cơ sở sản xuất dụng cụ phục vụ chế biến hạt điều đến các cửa hàng chuyên bán sản phẩm được làm từ nhân điều phục vụ khách du lịch. Nhiều chủ trang trại không còn quan tâm mở rộng diện tích trồng điều mà đã đầu tư thâm canh để tăng năng suất và nâng cao chất lượng hạt điều. Từ chỗ năng suất bình quân chỉ đạt 3,5-4 tạ/ha vào năm 2000, đến nay năng suất điều đã đạt khoảng 1,4 tấn/ha; cá biệt có những trang trại đạt 3 tấn/ha. Năm 2016, sản lượng điều của Bình Phước đạt 198.852 tấn, chiếm 57,7% sản lượng cả nước.
Cùng với sự “chuyển mình” của người trồng điều, các nhà khoa học cũng đã “để mắt” nhiều hơn đến loại cây đặc biệt này. Nhiều đề tài khoa học liên quan đến cây điều như trồng xen ca cao trong vườn điều; nghiên cứu các loài sâu, bệnh hại điều; sản xuất ván sàn từ gỗ điều... đã mở ra tương lai tươi sáng cho ngành điều. Từ chỗ lưa thưa vài doanh nghiệp sản xuất chưa đầy 4.500 tấn hạt điều nhân trong năm 2000 và chỉ tiêu thụ trong nước, đến nay toàn tỉnh đã có 226 doanh nghiệp và 328 cơ sở chế biến điều với công suất khoảng 500.000 tấn/năm. Từ các cơ sở chế biến này đã giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động mỗi năm và đóng góp đáng kể vào ngân sách tỉnh.
VÀ HÀNH TRÌNH TRỞ THÀNH “SỐ MỘT THẾ GIỚI”
Sau festival điều năm 2010, hạt điều Bình Phước đã trở thành thương hiệu nổi tiếng, chinh phục các thị trường lớn trên thế giới. Sự hiện diện của hạt điều Bình Phước đã góp phần đưa sản phẩm điều Việt Nam đến hàng trăm quốc gia và vùng lãnh thổ. Và thật tự hào khi trong nhiều năm liên tiếp, Việt Nam đã vượt qua Ấn Độ để trở thành quốc gia xuất khẩu hạt điều số 1 thế giới. Người tiêu dùng sành điệu khi mua điều Việt Nam là phải chọn đúng điều Bình Phước!
Cây điều và công nghiệp chế biến, xuất khẩu điều đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đồng thời góp phần ổn định trật tự xã hội khi có tới 30% số dân trong tỉnh sống nhờ vào cây điều. Chính vì thế, Bình Phước được Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy hoạch vùng nguyên liệu chính với 200.000 ha điều vào năm 2020 và hạt điều Bình Phước được chọn xây dựng thành thương hiệu quốc gia.
Trở lại Bom Bo vào những ngày cuối năm Bính Thân, tôi rất vui khi được biết 10 ha điều cằn cỗi năm nào của gia đình già làng Điểu Lên đã được thay thế bằng rẫy điều xanh um, đầy sức sống, trong đó hơn nửa diện tích đã được trồng xen cà phê. Nhắc lại chuyện không nỡ chặt bỏ rẫy điều già cỗi năm nào, hàng chân mày rậm của già Điểu Lên giãn ra cùng tiếng cười sảng khoái: Chuyện xưa rồi mà. Từ vài năm nay, bà con trong sóc đã biết xem chương trình khuyến nông trên truyền hình và nhờ cán bộ khuyến nông của xã, của huyện hướng dẫn để làm theo khoa học. Cây điều nó thương mình thì mình cũng phải biết thương nó chứ!
Chia tay già làng Điểu Lên, tôi mang theo niềm vui “sống khỏe nhờ điều” của những người dân sóc Bom Bo. Hẳn nhiên rồi. Trong số gần 9.000 ha cây lâu năm của xã Bình Minh (Bù Đăng) thì đã có khoảng 7.000 ha điều. Một thời gian, người dân trong xã đua nhau trồng điều cao sản. Dù năng suất khá cao, sớm cho thu hoạch tuy nhiên nhược điểm của giống mới là dễ đổ và mau cỗi, hạt to nhưng vỏ dày. Cũng như người dân sóc Bom Bo, hầu hết người trồng điều trong tỉnh đã “ngộ” ra rằng: chỉ có cây điều truyền thống của Việt Nam, trồng trên đất đỏ bazan mới có thể mang lại mùi vị đặc biệt không lẫn vào đâu được và mang lại ưu thế riêng của hạt điều Bình Phước. Vì thế, nhiều hộ đang trở lại với giống điều truyền thống, trồng bằng hạt nhưng chọn lọc hơn.
Dưới màu xanh vời vợi của những tán điều, tôi miên man với những câu hỏi, không biết ai là người đầu tiên đem cây điều trồng trên đất này? Rồi từ chỗ trồng điều chỉ để lấy củi và lấy hạt nướng ăn chơi, ai là người đã nghĩ ra cách chế biến hạt điều thành thực phẩm đặc biệt, đem đi chào bán khắp nơi, để bây giờ hạt điều Bình Phước trở thành thương hiệu “số một thế giới”?
Linh Tâm
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065