BP - “Dân chơi lan thích hàng đột biến và giá cũng đột biến luôn, nên có người trồng lan giàu lên trông thấy. Không ai có thể đoán định mỗi cây giả hạc đột biến có giá bao nhiêu, nhưng giá trị thực của nó mang lại là có thực. Hên xui trong nghề chơi phong lan luôn hiện hữu ở mỗi vườn lan, chậu lan. 10 người chơi lan, trồng lan may ra chỉ 1 người bán được, kinh doanh được. Do vậy, việc mở rộng mô hình kinh doanh phong lan như một chương trình khuyến nông đô thị cần phải hội tụ nhiều yếu tố mới có thể thành công” - anh Đỗ Thế Chiên, dân chơi phong lan có cỡ ở thành phố Đồng Xoài, chia sẻ.
LÀM CHƠI ĂN THIỆT
Năm 2014, anh Đỗ Thế Chiên ở phường Tân Đồng, thành phố Đồng Xoài bán chiếc xe gắn máy của mình được 6 triệu đồng để đầu tư vào nghề kinh doanh hoa lan. Trong tháng đầu, anh đi Sài Gòn mua những cây phong lan giống ngọc điểm về bán cho dân chơi lan ở Đồng Xoài. Ngoài giống lan ngọc điểm, anh còn mua giống mokara để kinh doanh. Chỉ sau 3 tháng kinh doanh hoa lan, anh đã mua lại được chiếc xe máy trả góp trong 2 tháng với giá 42 triệu đồng. Tích lũy được ít vốn từ việc kinh doanh giống lan công nghiệp, anh chuyển sang đầu tư kinh doanh các loại lan rừng như: ngọc điểm, giả hạc, hoàng thảo... Đối với giống lan giả hạc đột biến, hiện anh có trọn bộ Phú Thọ, Di Linh, Chơn Thành với giá thật khó tin từ 100-200 triệu đồng/thân. Sau 4 năm kể từ ngày bước vào nghề kinh doanh hoa lan, anh đã sắm được chiếc ôtô con đời mới trị giá cả tỷ đồng. Nguồn thu từ việc kinh doanh hoa lan của anh hiện nay mỗi tháng dao động từ 30-50 triệu đồng, phần lớn là bán online.
Ông Vương Ngọc Chánh Tâm ở xã Long Tân, huyện Phú Riềng với dò lan giả hạc Pháp 5 cánh trắng được nuôi trồng hơn 45 năm
Từ bỏ nghề quản lý dầu, nhờn của một doanh nghiệp với mức lương 15 triệu đồng/tháng, anh Nguyễn Duy Khánh ở xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú bước vào nghề vừa trồng vừa chơi hoa lan, mỗi tháng cũng kiếm được vài chục triệu đồng. Anh Khánh đam mê hoa lan từ những năm 2003, 2004 nhưng không có vốn nên phần lớn nguồn hoa lan của anh tích lũy dần qua đồng lương của mình. Tuy nhiên, việc đam mê duy chỉ mỗi giống lan sau nhiều năm đã giúp anh có được bộ giống lan kiếm khá đa dạng về chủng loại và màu sắc. Tất cả loại lan kiếm đỏ, kiếm vàng, kiếm xanh, kiếm trắng... anh có đủ. Giới chơi lan giả hạc trong 2 năm gần đây bắt đầu chuyển sang chơi lan kiếm. Nhờ vậy, vườn lan kiếm sau nhiều năm sưu tầm đã giúp anh có thu nhập không nhỏ. Trong số hàng trăm dò lan kiếm của anh, giá mỗi thân kiếm thấp nhất là 3 triệu, cao nhất lên đến 30 triệu đồng. Đặc biệt giống lan kiếm Hoàng Long thuần chủng từ giống lan rừng Việt Nam hiện nay đội giá lên đến 50 triệu đồng/thân nhưng không có để bán - anh Khánh chia sẻ.
CẦN MỘT MÔ HÌNH KHUYẾN NÔNG ĐÔ THỊ
Các anh Đỗ Thế Chiên và Nguyễn Duy Khánh là 2 trong tổng 9.260 thành viên của Hội Người yêu lan, tiền thân là Câu lạc bộ (CLB) hoa lan Đồng Xoài được thành lập vào năm 2015. Những ngày đầu mới thành lập, số thành viên của CLB chỉ khoảng 30 người. Thế nhưng sau 4 năm, thành viên tham gia Hội Người yêu lan lên đến 9.260 người. Phó ban quản trị Hội Người yêu lan Nguyễn Tấn Phước cho biết, số thành viên tham gia sinh hoạt sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới. Không ít thành viên Hội Người yêu lan sống được và giàu lên từ việc chơi, kinh doanh lan rừng. Đặc biệt, các bạn trẻ hiện nay tỏ ra khá thích thú và đam mê các loại lan rừng quý hiếm, nhiều bạn trẻ không ngần ngại đầu tư cả tỷ đồng để xây dựng nhà kính nuôi trồng phong lan mà chủ yếu là lan rừng. Có những giống lan rừng Việt Nam như: giả hạc, trầm, kiếm, hoàng thảo... đột biến cực kỳ quý hiếm không những trong nước mà cả thế giới. Không giống các mặt hàng nông sản trên thị trường càng nhiều thì giá càng thấp, còn lan rừng đột biến trên thị trường càng nhiều thì giá lại càng cao. Giải thích điều này, anh Đỗ Thế Chiên cho biết, hàng đột biến rất hiếm trên thị trường, dân kinh doanh lan đồng loạt đưa lên mạng thì có rất nhiều người muốn mua. Khi cây lan đột biến ấy được bán đi, đồng nghĩa anh sẽ vĩnh viễn không còn sở hữu được giống lan đột biến ấy. Do vậy, có những cây lan giả hạc rừng đột biến giá lên đến 6,8 tỷ đồng. Tùy theo sở thích người chơi, ai sở hữu được giống lan đột biến có quyền đặt tên cho cây lan của mình. Nắm được yếu tố tâm lý người chơi, giới kinh doanh lan rừng cũng có cách làm giá và đẩy giá lên khá cao để thu về siêu lợi nhuận.
Phong trào chơi lan và kinh doanh lan rừng ở thành phố Đồng Xoài nói riêng và cả tỉnh nói chung đang rất thịnh hành, tuy nhiên, những giống lan rừng quý hiếm hiện nay cả tỉnh chưa có ai hoặc đơn vị nào quy tập đầy đủ và nhân giống bài bản để cung cấp cho thị trường. Đối với đô thị, diện tích đất nông nghiệp khá khiêm tốn nên việc nuôi trồng, kinh doanh hoa lan nói riêng và cây cảnh nói chung là rất thích hợp. Các thành phố Đà Lạt, Hồ Chí Minh... đã có nhiều chính sách ưu đãi nguồn vốn để xây dựng các mô hình hoa lan, hoa hồng hay cây cảnh mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Thực tế từ các mô hình này cho thấy, mức thu nhập bình quân của mỗi sào hoa lan, cây cảnh ít nhất cũng được 500 triệu đồng/năm.
Ông Trần Minh Đức, Giám đốc Ban quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh cho biết, hiện Ban quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đang xây dựng cơ sở hạ tầng, phòng nuôi cấy mô nhằm kêu gọi các nhà doanh nghiệp đầu tư, hỗ trợ các loài lan quý hiếm để nhân giống bảo tồn và cung cấp ra thị trường. Mặc dù biết rõ thị trường đang có nhu cầu trồng và thưởng ngoạn hoa lan rất lớn nhưng do kinh phí hạn hẹp nên không thể sưu tập được các giống lan rừng quý hiếm. Nên chăng, ngành nông nghiệp cần mở những lớp tập huấn về phương pháp trồng, chăm sóc và nhân giống hoa lan cho những người đam mê loài hoa này. Đặc biệt là phương pháp nhân giống bằng hạt hay nuôi cấy mô để người dân tự nhân giống hoa vừa đáp ứng nhu cầu kinh doanh vừa bảo tồn được các loài lan rừng quý hiếm mà không phải tốn tiền từ ngân sách nhà nước.
Đông Kiểm
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065