BP - Theo kế hoạch, tại kỳ họp lần thứ 9, Quốc hội khóa XIII sẽ thảo luận đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật Trưng cầu ý dân, do Hội Luật gia Việt Nam chủ trì soạn thảo. Luật này quy định việc công dân trực tiếp thực hiện quyền bỏ phiếu trong các cuộc trưng cầu ý dân do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức theo nghị quyết của Quốc hội; các nguyên tắc trưng cầu ý dân; những vấn đề đề nghị trưng cầu ý dân; cử tri trong trưng cầu ý dân; quyền đề nghị trưng cầu ý dân; thẩm quyền quyết định và tổ chức trưng cầu ý dân; kết quả và hiệu lực của kết quả trưng cầu ý dân; trình tự, thủ tục tổ chức trưng cầu ý dân.
Dự thảo Luật Trưng cầu ý dân gồm 8 chương với 56 điều. Dự luật này có những nội dung chính như sau: Thứ nhất là luật đề cao quyền lực của nhân dân, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường đồng thuận xã hội, bảo đảm để nhân dân trực tiếp thể hiện ý chí của mình vào việc quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Thứ hai là quy định về thực hiện nguyên tắc bình đẳng, phổ thông, trực tiếp và bỏ phiếu kín khi trưng cầu ý dân. Thứ ba là việc trưng cầu ý dân phải được tiến hành theo trình tự, thủ tục luật định, khách quan, khoa học, chặt chẽ, công khai, minh bạch.
Về chủ thể có thẩm quyền đề nghị trưng cầu dây ý, dự thảo luật đưa ra 2 phương án. Phương án 1: Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ hoặc ít nhất 1/3 đại biểu Quốc hội có quyền đề nghị trưng cầu ý dân. Phương án 2: Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc ít nhất 1/3 đại biểu Quốc hội có quyền đề nghị trưng cầu ý dân.
Đại biểu Bùi Mạnh Hùng, Phó đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước phát biểu tại một phiên họp của Quốc hội - Ảnh tư liệu
Bên cạnh đó, dự luật cũng quy định cụ thể về những vấn đề đề nghị Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân, như sau: Những vấn đề đề nghị Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân là những vấn đề về Hiến pháp và những vấn đề quan trọng khác thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội. Đồng thời, dự thảo luật cũng quy định rõ việc không tổ chức trưng cầu ý dân trong những trường hợp sau: 1. Đề nghị trưng cầu ý dân về cùng một vấn đề mà kết quả trưng cầu ý dân về vấn đề đó được công bố chưa đủ 24 tháng; 2. Trong thời gian có chiến tranh hoặc có ban bố tình trạng khẩn cấp; trong thời gian 6 tháng kể từ ngày chiến tranh chấm dứt hoặc việc ban bố tình trạng khẩn cấp đã được bãi bỏ.
Xét cho cùng, trưng cầu dân ý là việc thực hiện quyền dân chủ của nhân dân và vấn đề trưng cầu ý dân không phải bây giờ mới được đặt ra, mà ngay từ bản Hiến pháp đầu tiên - Hiến pháp năm 1946 đã quy định về vấn đề này. Cụ thể, tại Điều 32 của Hiến pháp năm 1946 có quy định như sau: Những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia sẽ đưa ra nhân dân phúc quyết, nếu hai phần ba tổng số nghị viên đồng ý. Cách thức phúc quyết sẽ do luật định. Cũng trong Hiến pháp 1946, tại Khoản C của Điều 70 đã nêu rõ: c) Những điều thay đổi khi đã được Nghị viện ưng chuẩn thì phải đưa ra toàn dân phúc quyết.
Và cách đây hơn 700 năm về trước, triều đình nhà Trần đã chứng minh rằng, trưng cầu dân ý không chỉ là việc làm dân chủ mà còn là một nghệ thuật chính trị sâu sắc. Vào năm 1284, Thượng hoàng Trần Thánh Tông đã triệu tập Hội nghị Diên Hồng để trưng cầu dân ý và cụ thể là để hỏi ý kiến các bô lão về việc nên hòa hay đánh khi quân Nguyên - Mông vào xâm lược Đại Việt lần thứ 2. Mặc dù hội nghị này chỉ mang tính chất tham vấn và các bô lão không phải là người đưa ra tiếng nói quyết định, nhưng bản chất của nó không những mang tính dân chủ mà còn thể hiện một nghệ thuật chính trị của giai cấp cầm quyền. Và đó là bài học còn nguyên tính thời sự đối với các thế hệ cán bộ lãnh đạo ngày nay cũng như mai sau.
Nghệ thuật chính trị của Hội nghị Diên Hồng được thể hiện ở chỗ nó vừa là thước đo mức độ căm phẫn của nhân dân ta thời đó đối với quân xâm lược Nguyên - Mông, cũng vừa là phép thử về mức độ nhân dân ủng hộ chính quyền, để từ đó triều đình nhà Trần đánh giá được sức mạnh từ nội lực trước khi đưa ra quyết định và vạch ra chiến lược chiến tranh. Đồng thời, Hội nghị Diên Hồng là một việc làm thể hiện rõ sự tôn trọng của triều đình đối với các bô lão. Và chính sự tôn trọng này đã tạo thành chất keo đặc biệt gắn kết toàn dân Đại Việt, củng cố mối quan hệ thần dân với triều đình. Bên cạnh đó, chính hội nghị này đã làm cho hoạt động của chính quyền nhà Trần thời đó trở nên minh bạch hơn, tạo niềm tin cao hơn trong dân chúng từ miền xuôi đến miền ngược. Và cuối cùng là triều đình nhà Trần thời ấy đã biết sử dụng tầng lớp có ảnh hưởng lớn nhất trong xã hội làm người phổ biến quan điểm, đường lối và chính sách của mình - các vị bô lão, từ đó tạo ra sự đồng thuận cao và bền vững trong xã hội.
Từ những suy nghĩ trên cho thấy, việc ban hành Luật Trưng cầu ý dân vào thời điểm hiện nay là rất cần thiết đối với Đảng và Nhà nước ta. Vì trưng cầu ý dân là công cụ để nắm rõ lòng dân, ý nguyện của nhân dân và từ đó Đảng và Nhà nước đề ra những đường lối, chủ trương, chính sách và pháp luật phù hợp với mục tiêu của dân, do dân và vì dân.
D.V
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065