Có lần, thấy bao đồ cũ cồng kềnh được đóng gói cẩn thận chuẩn bị mang đi gửi, mẹ chồng tôi bảo, cái Lý (tên cô em họ) chỉ có một thân một mình, con gửi nhiều đồ thế làm gì cho mệt. Mà nó ở nhà tập thể thì lấy chỗ nào mà chứa? Thấy mẹ nói cũng phải, nhưng chưa bao giờ tôi thấy cô em họ từ chối bất cứ món đồ cũ nào gửi tới. Bao giờ nhận được đồ, Lý cũng chạy ra tận bưu điện văn hóa xã, cách điểm trường nơi nó dạy gần năm cây số để gọi điện về cảm ơn rối rít. Tình cảm chị em vì thế, dù xa cách vẫn mặn mà, thắm thiết. Chồng tôi thì cười bảo, may cho tôi có một nơi để xả đồ cũ, nếu không, chắc phải xây thêm một gian nhà kho để chứa đồ!
Trong số các chị em họ, tôi quý Lý nhất, không chỉ bởi hồi còn nhỏ, Lý thường rủ tôi sang nhà nó trèo hái ổi và ăn thoải mái mà khi lớn lên, Lý là đứa khiêm tốn chứ không ngang bướng như mấy đứa khác. Trong bất cứ tình huống nào, bao giờ nó cũng nhận lấy sự thiệt thòi về mình. Thế nên tôi càng quý mến. Có lần nghe tôi khen Lý nhiều quá, chồng tôi cười bảo, ông trời công bằng lắm, cho người ta cái này thì lại lấy đi cái kia. Học hành bình thường, nhan sắc có phần kém cỏi như Lý, gia cảnh lại chẳng khá giả gì mà còn đỏng đảnh, chỏng lỏn thì ai thương cho được! Rồi anh không quên quay sang nịnh tôi, như em đó, trời cho chút nhan sắc nhưng tính tình lại ngang bướng. May gặp anh chịu nhịn chứ gặp người khác thì “rã đám” từ lâu rồi. Nghe cũng có lý. Điều quan trọng là anh đã thừa nhận nhan sắc của tôi!
Hè này, nhân chuyến công tác xã hội tình nguyện do Hội Bảo trợ Người khuyết tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh tổ chức ở huyện biên giới nơi Lý công tác, tôi liền đi theo với mong muốn vừa để thâm nhập thực tế, chia sẻ với người dân vùng khó, vừa để xem Lý sống thế nào. Nhận được tin, Lý mừng lắm, nói sẽ không về hè mà ở lại đón tôi, tiện thể cùng tham gia với đoàn công tác. Nếu không hẹn nhau từ trước và nếu tình cờ gặp ở ngoài đường thì thật khó nhận ra Lý. Bộ đồ cũ kỹ, gương mặt khắc khổ này không thể nào là của một cô gái chưa chồng mới ngoài ba mươi tuổi. Nhưng cái dáng đi chúi về phía trước của em thì không lẫn vào đâu được.
Căn phòng tập thể ở điểm lẻ nơi Lý dạy, dù rất nhỏ nhưng vẫn trống hoác. Một chiếc bàn gỗ được ghép từ ba mảnh ván, đóng sơ sài là nơi em ngồi soạn giáo án mỗi đêm. Trên chiếc giường cá nhân, ngoài chăn màn còn để một chiếc rương gỗ cũ kỹ, khi nào ngủ thì để xuống đất. Dưới gầm giường là xoong chảo, chén bát. Những tờ lịch dán trên tường để che đi những mảng vữa đã rơi ra từ lúc nào. Những cô gái mặc “đồ nhà nghèo” trong những tờ lịch tươi cười hết cỡ, trông giống như những nàng tiên sa xuống chốn này rồi không cất cánh lên được nữa. Tôi nhìn khắp căn phòng và tự hỏi không biết những thứ tôi gửi lên, Lý đã mang đi đâu?
Bữa ăn tối đạm bạc với những thức ăn mua từ một xe bán hàng lưu động khiến tôi phải gắng lắm mới nuốt nổi nửa chén cơm. Đêm xuống càng làm khung cảnh điểm trường thêm ảm đạm. Tôi ái ngại nhìn Lý và hỏi định sống một mình thế này đến bao giờ? Lý cười, trước có một cô ở chung với em. Vừa rồi cô ấy cưới chồng rồi bỏ dạy. Nghe nói chồng cô ấy đang xin cho làm tạp vụ ở ủy ban xã. Điểm trường này, giờ chỉ còn mình em. Nếu em cũng bỏ thì bọn trẻ ở đây biết làm sao!
Vừa nhắc đến bọn trẻ, giọng Lý chợt vui lên. Chúng nó thật thà và dễ thương lắm chị ạ. Ai đời có đứa được lên lớp nhưng không muốn ra điểm trường chính học vì xa và vì nhớ em. Chỉ có điều gia đình chúng đều nghèo khó quá, phải vất vả lắm mới đưa được chúng nó đến lớp học. Giọng Lý chợt chùng xuống.
Tôi chợt hiểu vì sao mỗi lần nhận được đồ gửi tới, Lý đều vượt năm cây số để gọi điện cảm ơn và vì sao căn phòng của em vẫn trống huơ trống hoác thế. Mà tôi cần gì phải thâm nhập thực tế ở đâu nữa. Thành công nhất trong chuyến đi này là tôi gặp được em. Hóa ra từ bao năm nay, Lý vẫn âm thầm đi quyên góp những đồ cũ để chia cho người nghèo vùng biên giới và bớt một phần tiền lương giáo viên ít ỏi của mình để mua bánh kẹo dỗ những đứa bé nghèo khó vùng sâu tới lớp. Mai này, những đứa trẻ vùng biên trưởng thành từ điểm lẻ đơn sơ này có sự đóng góp không nhỏ của em. Trong mắt tôi, Lý vụt cao lớn như một tượng đài.
Thảo Nguyên
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065