Vui, song vẫn không khỏi chạnh lòng, bởi nhẽ ra cái logo cho thương hiệu gạo Việt ấy phải có từ rất lâu rồi mới phải. Dù là “anh cả” trong danh sách các nước xuất khẩu gạo ra thế giới từ nhiều năm qua, nhưng cho đến tận bây giờ gạo Việt mới có biểu trưng (giống như tên gọi). Trung bình mỗi năm, Việt Nam xuất khẩu hơn 5 triệu tấn gạo, mang về kim ngạch hơn 2 tỷ USD, nhưng nông dân vẫn chưa thể giàu lên từ cây lúa. Xét về sản lượng, nước ta luôn đứng top đầu thế giới, nhưng về giá thì thua xa các nước trong khu vực, kể cả những nước đi sau như Pakistan, Campuchia. Giá trị thấp là một trong những nguyên nhân dẫn đến đời sống nông dân trồng lúa khó khăn.
Có rất nhiều nguyên nhân như cơ chế hỗ trợ của Nhà nước đối với nông dân; mối liên kết giữa người trồng lúa với các nhà khoa học, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu lúa gạo, ngân hàng và không thể không nói tới yếu tố giống. Không thể phủ nhận những quốc gia láng giềng như Thái Lan, Campuchia, dù diện tích trồng lúa ít hơn ta, nhưng họ đã đầu tư và tìm ra những giống lúa chất lượng cao, cho gạo thơm ngon hơn hẳn gạo Việt. Thế nhưng sẽ càng ngạc nhiên hơn khi cách đây 2 năm, có thông tin các giống lúa do nhà khoa học Việt Nam tạo ra đã được Campuchia trồng và xuất khẩu gạo với giá trị rất cao. Vì sao vậy? Là bởi tâm lý “Bụt chùa nhà không thiêng”, chính nông dân Việt chối bỏ các giống lúa này. Thay vì tin theo các nhà khoa học thì người người, nhà nhà trồng cây gì, nuôi con gì đều chạy theo “định hướng” của thương lái với các giống chất lượng thấp nhưng sản lượng cao, giá rẻ, dễ bán. Có lẽ tư duy “ăn xổi” đã thấm quá sâu vào lề lối sản xuất của nhiều nông hộ Việt, cho dù tinh thần hội nhập kinh tế quốc tế đã tràn qua mọi lĩnh vực của ngành nông nghiệp.
Từ chuyện logo thương hiệu gạo Việt Nam, lại ngẫm về việc xây dựng thương hiệu hạt điều Bình Phước. Là “thủ phủ” điều của Việt Nam, sản phẩm điều Bình Phước đã có mặt tại 25 quốc gia và vùng lãnh thổ, thế nhưng suốt nhiều năm qua, Bình Phước vẫn chật vật với việc xây dựng thương hiệu hạt điều nổi tiếng thơm ngon. Thực tế là không ít doanh nghiệp, cơ sở chế biến vì lợi nhuận trước mắt đã trộn lẫn hạt điều Bình Phước với hạt điều nhập khẩu, để lại hệ lụy rất lớn cho cả người trồng và chế biến, xuất khẩu điều. Mãi đến tháng 3-2018, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) mới ban hành Quyết định số 673/QĐ-SHTT về việc cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm hạt điều Bình Phước. Và ngày 22-5 vừa qua, UBND tỉnh mới tổ chức lễ đón nhận văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước”. Đây thực sự là tin vui đối với ngành điều của tỉnh, bởi chỉ dẫn địa lý là công cụ quan trọng đảm bảo chất lượng, mang lại nhiều lợi ích, từ phát triển kinh tế, quảng bá sản phẩm đến bảo vệ người tiêu dùng. Tuy nhiên, việc xây dựng thương hiệu đã khó, bảo vệ thương hiệu còn khó hơn. Bởi việc bảo vệ chỉ dẫn địa lý hạt điều Bình Phước đồng nghĩa với bảo vệ chính mình.
Nguyên Thủy
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065