Báo Tuoitre Online ngày 23-8-2016, có đăng bài “Thuê người chặt chân, tay, giả bị tàu tông để đòi bảo hiểm”. Bài báo chó biết, ngày 23-8, Cơ quan điều tra công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) đã làm rõ vụ trục lợi bảo hiểm nhân thọ. Trước đó, vào đêm 5-5, cảnh sát nhận được tin báo từ một thanh niên về vụ tai nạn tại đường sắt qua khu Hà Đông - Phú Diễn, địa phận quận Bắc Từ Liêm. Nạn nhân là thiếu phụ 30 tuổi, bị đứt rời 1/3 bàn tay trái và 1/3 bàn chân trái. Nạn nhân được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện 19/8 và đã được bác sĩ nối liền các phần bị đứt. Bốn ngày sau, nạn nhân xin chuyển đến Bệnh viện Việt Đức và bác sĩ tại đây buộc phải tháo bỏ phần thi thể đứt rời do vết thương bị hoại tử...
Làm việc với công an, cô gái khai tên N., buồn chuyện gia đình nên đi lang thang và bị tàu hút vào. Lúc bị tàu nghiến tay, chân, có thanh niên đi qua, chị N. đã kêu cứu và may mắn thoát chết. Tuy nhiên, quá trình điều tra, cảnh sát xác định chị N. và thanh niên báo tin quen biết nhau từ trước. Sau hơn 3 tháng, cảnh sát làm rõ, vụ tai nạn trên là không có thật. Theo trình bày của người này, chị ta mua ba gói bảo hiểm nhân thọ. Do khó khăn về kinh tế, N. nghĩ ra chiêu tự hại thân thể mình để được thanh toán bảo hiểm. N. đã bàn với thanh niên quen biết trên và thuê chặt tay, chân của mình, để được bảo hiểm nhân thọ thanh toán số tiền trên 3 tỷ đồng và đây là vụ trục lợi bảo hiểm nghiêm trọng đầu tiên tại Việt Nam. Theo cơ quan điều tra, vì N. chưa nhận được tiền bảo hiểm nên không bị xem xét trách nhiệm hình sự.
Tại Điểm d, Khoản 2, Điều 4 về tiêu chuẩn tuyển quân của Thông tư số 167/2010/TT-BQP của Bộ Quốc phòng quy định tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ hàng năm, có quy định như sau: Những công dân xăm da (bằng kim) có hình mang tính kinh dị, kỳ quái, kích động, bạo lực gây phản cảm ở những vị trí lộ diện như mặt, cổ, tay (từ 1/3 dưới cánh tay trở xuống); chân (1/3 từ dưới đùi trở xuống), không gọi nhập ngũ vào Quân đội. Dựa vào quy định này, không ít thanh niên vì ý thức về trách nhiệm công dân quá kém đã có hành vi xăm những hình kỳ quái trên cơ thể và ở những vị trí mà ai cũng có thể thấy rõ. Tuy nhiên, Thông tư số 167/2010/TT-BQP đã hết hiệu lực và được thay thế bằng Thông tư số 140/2015/TT-BQP. Trong thông tư mới đã bỏ quy định tại Điểm d, Khoản 2, Điều 4 của Thông tư số 167/2010/TT-BQP, có nghĩa là thanh niên có hình xăm cũng phải đi nghĩa vụ quân sự.
Và vấn đề đặt ra trong bài viết này là những người có hành vi như trên thường chỉ nghĩ rằng, thân thể họ là do cha mẹ sinh ra và nếu có mình tự hủy hoại thân thể thì cũng chỉ mang tội bất hiếu theo chuẩn mực đạo đức thông thường mà thôi. Nhưng suy nghĩ như vậy là sai lầm, bởi hành vi này không những bị người đời khinh thường, xã hội rẻ rúng, mà còn có thể bị xử lý hình sự và phải vào tù. Cụ thể, tại Khoản 1, Điều 213 về tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm có quy định như sau: Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tiền bảo hiểm từ 20 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc gây thiệt hại từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng, thì bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm: Thông đồng với người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm để giải quyết bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm trái pháp luật; Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin để từ chối bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm đã xảy ra; Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin trong hồ sơ yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm; Tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng quyền lợi bảo hiểm trừ trường hợp luật quy định khác.
Và hành vi tự hủy hoại thân thể để trốn tranh nghĩa vụ quân sự có thể bị phạt tù đến 5 năm. Cụ thể, tại Điều 332 về tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự trong Bộ luật Hình sự 2015 có quy định như sau: Người nào không chấp hành đúng quy định của pháp luật về đăng ký nghĩa vụ quân sự, không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, lệnh gọi tập trung huấn luyện, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm: Tự gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của mình; Phạm tội trong thời chiến; Lôi kéo người khác phạm tội.
Từ phân tích trên cho thấy hành vi tự hủy hoại thân thể vì bất kẻ mục đích gì cũng đều là trái với đạo đức và pháp luật. Trái với đạo đức thì sẽ bị người đời xem thường, thậm chí là rẻ rúng; còn trái với pháp luật thì chắc chắn sẽ bị xử lý hình sự và cuối cùng là phải vào tù. Mong rằng trong xã hội sẽ không còn ai dại dột đến mức tự mình hại mình như vậy.
K.Thoa
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065