BP - Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí đã được Quốc hội khóa X, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 12-6-1999 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-9- 1999. Theo đánh giá của Chính phủ, sau hơn 16 năm được áp dụng vào thực tiễn cuộc sống, Luật Báo chí hiện hành đã bộc lộ những vấn đề đáng lo ngại, như: Cơ quan báo chí không thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích; thông tin sai sự thật có chiều hướng ngày càng tăng; xu hướng “thương mại hóa” chậm được khắc phục; thông tin vi phạm thuần phong mỹ tục vẫn diễn ra. Nhiều thông tin trên báo chí thiếu chọn lọc, nặng về phản ánh mặt trái, tiêu cực của xã hội; nhiều nội dung tin, bài giật gân, câu khách; tính trung thực của báo chí bị giảm sút.
Các nhà báo tác nghiệp tại lễ khởi công Khu liên hợp công nghiệp và đô thị Becamex - Bình Phước - Ảnh: C.TR
Và đây cũng là một trong những lý do Luật Báo chí cần phải được sửa đổi, bổ sung toàn diện, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển và quản lý hoạt động báo chí trong tình hình mới. Là cơ quan được Chính phủ giao chủ trì soạn thảo, Bộ Thông tin - Truyền thông vừa trình Chính phủ dự thảo Luật Báo chí sửa đổi. Và theo dự kiến, tại kỳ họp lần thứ X sắp tới, Quốc hội khóa XIII sẽ thảo luận và cho ý kiến về dự thảo luật này. Theo đó, dự thảo luật gồm 6 chương với 60 điều, trong đó có 31 điều xây dựng mới, 29 điều sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Báo chí hiện hành. Một trong những quan điểm xây dựng Luật Báo chí sửa đổi là đảm bảo quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của công dân; cơ chế thực thi bảo đảm không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Một trong những điểm mới của dự thảo luật so với luật hiện hành là bổ sung thêm một chương quy định về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí theo tinh thần Hiến pháp 2013.
Thế nhưng tại Điều 11 và 12 trong dự thảo luật là những quy định về quyền tự do báo chí và quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân, với nội dung như sau: Báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ. Tổ chức, cá nhân không được hạn chế, cản trở cơ quan báo chí, nhà báo hoạt động đúng pháp luật. Không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Nhà nước không kiểm duyệt báo chí trước khi đăng, phát sóng (Điều 11). Và Điều 12 có nội dung như sau: Được thông tin qua báo chí về mọi mặt của tình hình đất nước và thế giới. Tiếp xúc, cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí và nhà báo; gửi tin, bài, ảnh và tác phẩm khác cho báo chí mà không chịu sự kiểm duyệt của tổ chức, cá nhân nào và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin. Phát biểu ý kiến trên báo chí về tình hình đất nước và thế giới; tham gia ý kiến vào việc xây dựng và thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; góp ý, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo theo quy định của pháp luật.
Trong khi đó, tại Điều 25 của Hiến pháp 2013 có quy định rõ: Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định. Như vậy, nội dung của Điều 12 trong dự thảo cần được xem lại tính hợp hiến. Bởi vì theo nội dung nêu trên thì quyền tự do báo chí chỉ có nhà báo và cơ quan báo chí mà không có công dân là không đúng với tinh thần của Hiến pháp. Quyền tự do báo chí của công dân là quyền đã được hiến định, dự thảo luật phải làm sao để mọi công dân được thực hiện quyền này một cách đơn giản và hiệu quả cao nhất. Trong khi đó, dự thảo luật mới chỉ đi sâu vào nghề làm báo và quản lý báo chí, còn làm sao để công dân thể hiện quyền tự do báo chí của mình thì chưa rõ. Đồng thời, dự thảo luật lại phân biệt quyền tự do báo chí dành cho cơ quan báo chí và nhà báo, còn quyền tự do ngôn luận trên báo chí thì dành cho công dân. Còn trong Hiến pháp thì quy định rõ quyền “tự do ngôn luận”, “tự do báo chí” là hai quyền khác nhau và mọi công dân đều có đủ cả hai quyền này. Chính vì thế mà quy định như trong dự thảo là bất cập cần được chỉnh sửa.
N.V
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065