BP - Chuyến thị sát bất ngờ chợ đầu mối và nơi trồng rau ở Hà Nội vào lúc tờ mờ sáng 27-9-2016 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân. Điều này cũng dễ hiểu, bởi an toàn thực phẩm là vấn đề nóng bỏng, liên quan tới tất cả mọi người, mọi gia đình.Tuy nhiên, làm thế nào để giải quyết tận gốc nhằm bảo đảm an toàn cho mọi người dân lại là bài toán không dễ.
Trên địa bàn tỉnh, theo báo cáo của Sở Y tế, qua kiểm tra việc buôn bán thực phẩm trên địa bàn tỉnh, đã phát hiện nhiều cơ sở vi phạm. Tại các huyện, do không có thanh tra chuyên ngành thực phẩm, lực lượng mỏng nên việc tổ chức kiểm tra, giám sát gặp nhiều khó khăn. Ngày 30-9, Đội quản lý thị trường số 7B của tỉnh phối hợp với Trạm Thú y huyện Chơn Thành kiểm tra cơ sở kinh doanh dịch vụ nấu ăn Kim Ngân của bà Trần Hồng Hạnh ngụ ấp 3, thị trấn Chơn Thành, huyện Chơn Thành. Qua kiểm tra kho lưu trữ của cơ sở này, đoàn đã phát hiện 115kg thịt heo đã biến đổi màu, bốc mùi hôi thối, mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Điều đáng nói là ngày 31-8, cơ sở kinh doanh dịch vụ nấu ăn Kim Ngân cũng đã bị cơ quan chức năng lập biên bản vi phạm đối với 105kg thịt heo đã chuyển màu, có dấu hiệu mất vệ sinh an toàn thực phẩm, vậy mà chỉ sau 1 tháng họ vẫn tiếp tục vi phạm. Cũng trong ngày 30-9, Đội quản lý thị trường thị xã Bình Long phối hợp với Công an thị xã bắt giữ hàng ngàn củ, quả các loại không rõ nguồn gốc lưu thông qua địa bàn... Những vụ việc vừa nêu khiến người tiêu dùng trong tỉnh cảm thấy thực phẩm bẩn vẫn còn bủa vây, trong khi nhu cầu về ăn, uống hằng ngày thì không ai dừng lại được. Nhiều người cho rằng, nguyên nhân do chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe, cùng với việc thiếu lương tâm của những kẻ hám lợi.
Chính phủ, Thủ tướng đã hành động quyết liệt, nói đi đôi với làm vì những bữa ăn của người dân, nhưng công tác này chỉ thực sự đạt kết quả khi cả hệ thống chính trị chuyển động, đặc biệt là khi những người đứng đầu bộ, ngành, địa phương các cấp vào cuộc một cách quyết liệt, với trách nhiệm cao. Những ngày vừa qua, nhiều người rất cảm động và thấy ấm lòng với chuyến thị sát, đồng thời mong muốn Thủ tướng “vi hành” nhiều hơn nữa. Người dân cho rằng, nếu các quan chức trong bộ máy công quyền cũng chịu khó đến với dân để nắm thông tin và nghe người dân nói thì tình hình an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ chuyển biến tích cực. Thành phố Hồ Chí Minh vừa có đề án thành lập Ban quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm và đã nhận được sự ủng hộ của nhiều người. Theo đề án, Ban quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm thành phố có nhiệm vụ quản lý an toàn thực phẩm trong suốt quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển, lưu thông, phân phối, kinh doanh đối với thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến, dụng cụ, vật liệu bao gói... Thành phố Đà Nẵng, từ tháng 5-2016 đã thành lập Tổ an toàn thực phẩm do Chủ tịch UBND thành phố trực tiếp làm tổ trưởng. Tổ này thường xuyên đi kiểm tra với số lượng mỗi tuần khoảng 8 cơ sở.
Đó là những cách làm hay, thiết thực với quyết tâm cao thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 9-5-2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, đồng thời lập lại kỷ cương phép nước trên lĩnh vực này, bảo đảm an toàn cho từng bữa ăn của mỗi gia đình.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065