BP - Trong hai ngày đầu tuần, người tiêu dùng cả nước thêm một lần giật mình muốn “rụng tim” khi cơ quan chức năng ở TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Đắk Lắk - là những tỉnh, thành xung quanh Bình Phước chúng ta - liên tiếp phát hiện các cơ sở, doanh nghiệp “tắm thuốc độc” cho sầu riêng để biến từ xanh thành chín và trộn hóa chất độc hại vào thức ăn chăn nuôi để tạo nạc cho heo cao gấp hàng trăm, thậm chí hàng ngàn lần cho phép... Hành động này chẳng khác gì “tự chọc tay vào mắt mình” đối với thị trường tiêu dùng và uy tín của quốc gia.
Chuyện trái cây, các mặt hàng tiêu dùng của Trung Quốc có chất bảo quản, chất phụ gia độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe không còn xa lạ với người dân Việt Nam cũng như đối với toàn thế giới. Nhưng đó đều là những mặt hàng Trung Quốc xuất khẩu ra nước ngoài, được kiểm soát chặt chẽ bởi các cơ quan chức năng của nước nhập hàng hóa tại cửa khẩu. Nhưng bằng cách nào đó, người Trung Quốc vẫn “lách” vào được thị trường nước khác. Vì thế, người tiêu dùng chỉ có thể tẩy chay hàng hóa và lên án cơ quan chức năng của nước mình đã để cho doanh nghiệp Trung Quốc mua chuộc hoặc “qua mặt”.
Việc “tắm thuốc độc” cho sầu riêng cũng như trái cây nói chung, hay cho vật nuôi ăn các chất cấm gây độc hại ở nước ta, lại là chuyện khác cơ bản cả về mặt pháp lý và đạo lý. Ở góc độ đạo lý, rõ ràng đây là hành động bội tín với cả người tiêu dùng và những người chăn nuôi chân chính. Hệ quả là mất niềm tin của người tiêu dùng đối với những sản phẩm do chính người Việt Nam chúng ta làm ra. Ở góc độ pháp lý, đây chắc chắn là hành vi vi phạm pháp luật. Cả hai góc độ này, dường như ai cũng nhận thức được. Và hậu quả của nó cũng vậy, chính người trong cuộc hiểu rõ hơn ai hết, cả ở phạm vi hẹp - không ai dám ăn trái sầu riêng mình vừa tẩm thuốc và phạm vi rộng - chắc chắn người tiêu dùng trước sau cũng sẽ biết và quay lưng với loại trái cây ấy. Vì sao tình trạng này tồn tại nhiều năm qua nhưng chưa dừng lại, chưa chấm dứt, chưa được giải quyết?
Vài ba trăm triệu đồng xử phạt hành chính đối với một cơ sở chế biến thức ăn gia súc hoặc chăn nuôi công nghiệp chỉ là “muối bỏ bể” so với lợi nhuận mà họ thu được mỗi năm. Vì thế, nếu vẫn chỉ xử lý như hiện nay thì người tiêu dùng tiếp tục phải “nhịn ăn” hoặc chấp nhận sống chung với chất độc.
Bộ luật Hình sự nước ta hiện nay xác định những hành vi như vậy không “gây hậu quả nghiêm trọng” nên không xử lý hình sự. Thế nhưng, tôi cho rằng hậu quả từ việc tẩm thuốc độc cho trái cây hay trộn chất tạo nạc cao gấp ngàn lần cho phép để thu lợi bất chính, dẫn tới ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe con người, là gây hậu quả nghiêm trọng hơn nhiều lần so với mấy người rảnh rỗi ngồi đánh bài ăn tiền hay một kẻ móc túi bị bắt ở ngoài chợ. Vì thế, song song với tuyên truyền, cần xử lý thật nghiêm khắc hành vi vi phạm mới có thể giải quyết được tận gốc vấn đề này.
Bình Phước là một trong những địa phương phát triển chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi heo và trồng cây ăn trái có tiếng trong cả nước. Trước khi có vụ việc nào được phát hiện, hy vọng rằng các cơ quan chức năng của ngành nông nghiệp, công thương... và một số ngành chức năng liên quan, siết chặt quản lý để bảo vệ người tiêu dùng cũng như bảo vệ uy tín thị trường trong tỉnh.
Trần Phương
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065