BPO - Trong thư gửi Hội nghị chính trị viên (CTV) toàn quốc lần thứ hai (tháng 3-1948), Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Đối với bộ đội, chính trị viên phải thân thiết như một người chị, công bình như một người anh, hiểu biết như một người bạn”. Thư gửi hội nghị thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Bác đối với CTV và đội ngũ cán bộ chính trị, với công tác chính trị trong quân đội. Lời căn dặn của Bác thực sự là “cẩm nang” nghề nghiệp đối với đội ngũ chính ủy, CTV, nhất là trong chiến đấu, thực hiện nhiệm vụ khó khăn, gian khổ..., mà thực tế tôi đã trải qua, với những kỷ niệm và bài học vô cùng sâu sắc.
Mùa khô năm 1971, tôi là CTV Đại đội 2, Tiểu đoàn 41 đặc công, thuộc Mặt trận 31, hoạt động tại nhiều chiến trường bên nước bạn Lào. Đại đội tôi luôn là đơn vị chủ công của tiểu đoàn, đánh thắng nhiều trận, thường tạo được khí thế phấn khởi, được cấp trên rất tin tưởng. Vậy mà, trong một lần chuẩn bị vào mùa chiến dịch, có đồng chí cán bộ mũi phó (trung đội phó), đảng viên, nỗi buồn hiện rõ trên gương mặt.
Bộ đội từ miền Bắc hành quân vào chiến trường miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ảnh tư liệu |
Là cán bộ chính trị cấp cơ sở, bí thư chi bộ, từng gắn bó với đơn vị trong chiến đấu và xây dựng, tôi hiểu khá rõ tâm tính của từng người. Hôm ấy, sau khi tập trung đại đội để sinh hoạt và quán triệt nhiệm vụ, tôi gọi đồng chí Trần Văn Vinh (tên người cán bộ có tâm trạng buồn) ở lại gặp riêng.
Tôi chủ động mở đầu: “Lâu nay đồng chí Vinh có nhận được thư gia đình? Các cụ ở quê có được bình an? Đồng chí có anh trai cũng đang chiến đấu ở chiến trường miền Nam…?”
Thấy đồng chí Vinh còn ngập ngừng, chưa nói ra tâm tư, tôi lại thân mật hỏi, như để gợi ý: “Vinh ạ (tôi đổi cách xưng hô thân mật hơn), mấy hôm nay anh thấy em hơi buồn. Có gì cứ nói ra để ta cùng giải tỏa, bởi đơn vị sắp bước vào mùa chiến dịch, nhiệm vụ rất nặng nề”.
Thay vì trả lời câu hỏi của tôi, nước mắt Vinh chảy ròng ròng. Vinh đưa tay lên túi ngực rút ra một bức thư, nói trong tiếng nấc: "Anh trai em đã... hy... sinh, gia đình vừa nhận được giấy báo tử, thủ trưởng à!". Tôi định mở thư ra đọc, nhưng nghe Vinh nói thế đành tạm cất thư đi. Chờ Vinh qua cơn xúc động, tôi tìm lời an ủi:
- Em ạ, trong cuộc chiến đấu sinh tử với kẻ thù, mất mát, hy sinh là khó tránh khỏi. Nhìn đơn vị ta thì biết, bao nhiêu đồng đội đã nằm lại trên trận địa, trên chiến trường bên nước bạn... xót thương, đau đớn lắm! Nhưng chúng ta chiến đấu vì nghĩa vụ quốc tế cao cả, "giúp bạn là tự giúp mình". Biết đâu, một ngày nào đó có thể sẽ đến lượt anh em mình. Chuyện hệ trọng thế, sao hôm nay Vinh mới nói?
- Em cứ đắn đo mãi không dám nói, sợ ảnh hưởng đến tư tưởng trong đơn vị - Vinh trả lời.
- Trước hết, anh xin thay mặt cán bộ, chiến sĩ đơn vị gửi lời chia buồn cùng gia quyến. Riêng em, nên tranh thủ biên thư về động viên gia đình để các cụ yên tâm khi nhận được thư con trai từ mặt trận. Vậy nhé, trưa rồi ta cùng đi ăn cơm, kẻo anh em chờ - tôi động viên.
Tuy vẫn còn bàng hoàng vì nỗi đau mất mát, nhưng phần nào đồng chí Vinh đã giải tỏa được tâm lý nặng trĩu đã mấy ngày.
Trưa hôm đó, tôi nằm trên chiếc võng dưới tán cây rừng đọc đi, đọc lại lá thư nhà của đồng chí Vinh. Nét chữ mộc mạc trên trang giấy học trò. Tôi dán mắt vào những chỗ có giọt nước nhỏ xuống làm nhòe đi nhiều con chữ, phải luận mãi mới rõ ý. Đây chắc chắn không phải là nước mưa trong quá trình hành quân, mà là nước mắt của cả người viết thư và người đọc thư; nét nhòe cũ lẫn nét nhòe mới. Nét nhòe mới hẳn là nước mắt của đồng chí Vinh rồi! Chính tôi, khi đọc những dòng chữ ấy, nước mắt cũng nhỏ xuống trang thư. Đây thực sự là nỗi lòng chiến sĩ, mình phải hết sức quan tâm!
Đầu giờ chiều, tôi hội ý cấp ủy, ban chỉ huy đại đội, nhận định tình hình, thông báo nội dung bức thư và đề xuất: "Chúng ta đi chiến đấu vì lý tưởng cao cả của dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân, trong đó có gia đình, quê hương mình. Do yêu cầu nhiệm vụ, gian khổ, hy sinh khó có thể kể hết, nhưng trường hợp của đồng chí Vinh, nhà chỉ có hai anh em trai đều ở chiến trường, nay anh trai đã hy sinh, nơi quê hương cha mẹ già yếu. Ta nên điều chỉnh lại vị trí chiến đấu ít nguy hiểm hơn để giữ "hạt giống" cho gia đình, lỡ ra...”.
Nói đến đây, sống mũi tôi cay cay, còn các đồng chí trong cấp ủy, ban chỉ huy cũng lặng im, suy nghĩ và đồng tình cao.
Tối hôm ấy, tôi cho liên lạc gọi mũi trưởng Bùi Thế Kha và mũi phó Trần Văn Vinh lên gặp. Sau khi nhắc lại mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt của mục tiêu địch mà cấp trên tin tưởng giao đơn vị đảm nhiệm, tôi nhấn mạnh: “Riêng đối với đồng chí Vinh, lãnh đạo, chỉ huy đại đội rất thông cảm và chia sẻ với tâm trạng của đồng chí lúc này. Có điều, để anh ở lại cứ vào thời điểm này ít nhiều sẽ tác động đến tư tưởng bộ đội, bởi vậy, đồng chí tiếp tục hành quân cùng đội hình chiến đấu, nhưng khi “vào trận” sẽ ở một vị trí thích hợp hơn (tôi nhấn mạnh hai chữ "thích hợp"), đồng chí thấy sao?
- Báo cáo thủ trưởng, anh trai tôi đã hy sinh vì sự nghiệp đánh giặc, cứu nước là tổn thất to lớn đối với gia đình. Từ khi nhận thư, nước mắt tôi đã bao lần nhỏ xuống làm ố mờ nét chữ. Bởi thế, tôi phải được trực tiếp chiến đấu để trả thù cho anh trai và bao đồng chí, nhất định là như thế! Lúc này, không thể ủy mị, yếu đuối được, thủ trưởng cứ tin ở tôi!- đồng chí Vinh nói một cách thiết tha và hùng hồn.
- Rất hoan nghênh tinh thần của đồng chí Vinh. Đây là động lực cho toàn đơn vị ta nung nấu trả thù, nhưng cuộc chiến đấu còn dài, đồng chí hãy giữ vững tinh thần người lính đặc công, còn việc điều chỉnh đội hình chiến đấu chút ít mà không ảnh hưởng đến nhiệm vụ, chúng tôi đã cân nhắc kỹ, cứ thế thực hiện.
Trận xuất kích lần ấy vào mùa khô chiến dịch, Đại đội 2 chúng tôi lập thêm nhiều chiến công, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Tư lệnh mặt trận-Đại tá Vũ Lập gửi điện khen vì tiêu diệt mục tiêu nhanh, gọn, đơn vị thương vong thấp, mở màn khí thế cho toàn chiến dịch. Ở một vị trí phục vụ chiến đấu, đồng chí Vinh cũng thể hiện là tấm gương tận tụy, sáng tạo, được anh em hết sức quý mến tin yêu và đề nghị khen thưởng.
Đã hơn 40 năm trôi qua, biết bao người lính, trong đó có đồng chí Vinh của đại đội tôi sau khi hoàn thành nghĩa vụ thiêng liêng, cao cả đã trở về cuộc sống đời thường ở mọi miền quê, trên nhiều lĩnh vực công tác. Song những giọt nước mắt trên trang thư ngày ấy, vẫn thấm mãi trong tôi đến bây giờ!
Nguồn QĐND
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065