Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn, trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới mười triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: Gây hậu quả nghiêm trọng; Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm; Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục A Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm... Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: Có tổ chức; Lạm dụng chức vụ, quyền hạn; Phạm tội nhiều lần; Biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước; Đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt; Của hối lộ có giá trị từ mười triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng; Gây hậu quả nghiêm trọng khác. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười lăm năm đến hai mươi năm: Của hối lộ có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng; Gây hậu quả rất nghiêm trọng khác. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình: Của hối lộ có giá trị từ ba trăm triệu đồng trở lên; Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác...
Ảnh minh họa
Và tại Điểm 5.1 trong Nghị quyết số 01/2001/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán tối cao hướng dẫn thi hành quy định tại Điều 279 của Bộ luật Hình sự 1999 có quy định như sau: Trong trường hợp không có tình tiết tăng nặng và không có tình tiết giảm nhẹ hoặc vừa có tình tiết tăng nặng, vừa có tình tiết giảm nhẹ, nhưng đánh giá tính chất tăng nặng và tính chất giảm nhẹ tương đương nhau, thì xử phạt người phạm tội mức án tương ứng với của hối lộ như sau: Xử phạt hai mươi năm tù nếu của hối lộ có giá trị từ ba trăm triệu đồng đến dưới tám trăm triệu đồng; Xử phạt tù chung thân nếu của hối lộ có giá trị từ tám trăm triệu đồng đến dưới hai tỷ đồng. Xử phạt tử hình nếu của hối lộ có giá trị từ hai tỷ đồng trở lên.
Như vậy, theo các quy định trên đây thì của hối lộ bằng tiền là các loại tiền được lưu thông hợp pháp trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, gồm: Việt Nam đồng và các loại ngoại tệ khác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép giao dịch trên thị trường tiền tệ ở Việt Nam. Đồng thời, các lợi ích vật chất khác mà các lợi ích vật chất này phải quy đổi ra được bằng tiền. Còn chủ thể thực hiện việc nhận hối lộ ở đây là người có thẩm quyền giải quyết yêu cầu từ người đưa hối lộ. Và vấn đề được đặt ra ở đây là kể cả trong Bộ luật Hình sự và trong Nghị quyết số 01/2001/NQ-HĐTP hướng dẫn quy định tại Điều 279 của Bộ luật Hình sự 1999 của Hội đồng thẩm phán Trung ương, thì chỉ đưa ra các trường hợp áp dụng đối với việc nhận hối lộ là các loại lợi ích vật chất, tức là chỉ có vật chất là đối tượng tác động của tội này, mà hoàn toàn không đề cập đến yếu tố tinh thần. Trong khi đó, thực tế cuộc sống từ nhiều năm nay cho thấy đã có không ít trường hợp bên nhận hối lộ và bên đưa hối lộ là loại lợi ích phi vật chất. Loại lợi ích này có thể kể ra đây là: Khen thưởng, thành tích, danh hiệu, “mua quan bán chức” và hơn nữa còn có thể là hối lộ về tình dục... Và đối với hành vi đưa, nhận những loại lợi ích này được xã hội và các chuyên gia pháp luật thống nhất gọi là hối lộ các lợi ích phi vật chất.
Tuy nhiên, điều bất cập trên đây sẽ được khắc phục từ ngày 1-7-2016, ngày Bộ luật Hình sự năm 2015 chính thức có hiệu lực thi hành. Cụ thể tại Khoản 1, Điều 354 của Bộ luật Hình sự năm 2015 có quy định như sau: Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm: Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; Lợi ích phi vật chất.
Theo đó, Bộ luật Hình sự 2015 đã bổ sung chủ thể thực hiện hành vi đưa và nhận hối lộ là lợi ích phi vật chất. Nói cách khác là hành vi đưa và nhận hối lộ tình dục đã được luật hóa v quy định như vậy là phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, thực trạng của loại tội phạm này trong xã hội hiện nay. Vì thế, quy định này sẽ góp phần hoàn thiện hơn hệ thống pháp luật của nước ta, đồng thời hành vi hối lộ về những lợi ích phi vật chất không còn là lỗ hổng trong hệ thống pháp luật hình sự. Và quan trọng hơn, nó góp phần tích cực vào việc bảo vệ đạo đức truyền thống của dân tộc.
N.V
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065