BP - Bộ luật Hình sự năm 2015 đã được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 27-11-2015 và có hiệu lực từ ngày 1-7-2016. So với Bộ luật Hình sự hiện hành, Bộ luật Hình sự 2015 có nhiều điểm mới được sửa đổi, bổ sung. Đặc biệt là từ ngày 1-7-2016, có 10 tội thay hình phạt tù bằng hình phạt tiền. Dưới đây xin giới thiệu cùng bạn đọc về những điểm mới thay đổi ở 10 tội danh này:
Tòa án nhân dân thị xã Đồng Xoài xét xử lưu động các bị cáo phạm tội cố ý gây thương tích, trộm cắp và vận chuyển trái phép chất ma túy - Ảnh: S.H
Khoản 1, Điều 135 là tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh, với nội dung như sau: Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31-60% trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân thích của người đó... Và khung hình phạt mới của tội này là: Bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Trong khi đó, cũng tội này nhưng tại Khoản 1, Điều 104 của Bộ luật Hình sự 1999 có quy định như sau: Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm: Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người; Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân; Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người; Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ; Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình; Có tổ chức; Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục; Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê; Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm; Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
Khoản 1, Điều 136 là tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội, với nội dung như sau: Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội,... Khung hình phạt của tội này là bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 20 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Cũng về tội này, tại Khoản 1, Điều 106 của Bộ luật Hình sự hiện hành có quy định như sau: Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên hoặc dẫn đến chết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.
Khoản 1, Điều 138 là tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, với quy định như sau: Người nào có hành vi vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%. Và khung hình phạt của tội này là bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 5-20 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Và cũng ở tội này, tại Khoản 1, Điều 108 của Bộ luật Hình sự hiện hành có quy định như sau: Người nào vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
Khoản 1, Điều 155 là tội làm nhục người khác, với quy định cụ thể như sau: Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác,... Và khung hình phạt của tội này là bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Trong khi đó, tại Khoản 1, Điều 121 của Bộ luật Hình sự năm 1999 có quy định như sau: Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
Khoản 1, Điều 165 là tội xâm phạm quyền bình đẳng giới, với quy định cụ thể là: Người nào vì lý do giới mà thực hiện hành vi dưới bất kỳ hình thức nào cản trở người khác tham gia hoạt động trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao, y tế, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm... Và khung hình phạt của tội này là bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 5-50 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm. Còn tại Điều 130 về tội xâm phạm quyền bình đẳng của phụ nữ trong Bộ luật Hình sự năm 1999 có quy định như sau: Người nào dùng vũ lực hoặc có hành vi nghiêm trọng khác cản trở phụ nữ tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, khoa học, văn hóa, xã hội, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.
(Còn nữa)
N.V
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065