Huy động hiệu quả nguồn lực cộng đồng
Thầy Nguyễn Phi Long, Hiệu trưởng cho biết: Trường có điểm chính tại thôn Bình Lợi và điểm lẻ ở thôn Bình Hòa (cách nhau khoảng 8km). Năm học 2011-2012, trường có 112 học sinh, hầu hết là con em đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, ở xa, điều kiện đi lại khó khăn nên dự án SEQAP (Chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục) tài trợ 1 tuần 3 bữa ăn trưa, mỗi suất trị giá 7.000 đồng. Do số tiền hỗ trợ quá ít, ban giám hiệu đã vận động tập thể, cá nhân ủng hộ thêm nhu yếu phẩm, như gạo, mì tôm, dầu ăn, bột ngọt, nước tương… để nâng cao chất lượng bữa ăn cho học sinh. Sau 5 năm (2011-2016), trường đã vận động các đoàn từ thiện hỗ trợ vật chất trị giá trên 1 tỷ đồng, chủ yếu là từ các chùa, nhóm thiện nguyện trong và ngoài tỉnh. Bếp ăn duy trì đã góp phần cải thiện sức khỏe học sinh và giảm khó khăn cho phụ huynh trong việc đưa đón.
Cô Tiêu Thị Vui nấu mì phục vụ học sinh dân tộc thiểu số khó khăn
Những năm qua, ngoài công trình nước sạch do huyện đầu tư trị giá 500 triệu đồng, ban giám hiệu còn vận động các công ty, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hỗ trợ cơ sở vật chất, giúp học sinh có điều kiện học tập tốt hơn. Riêng năm học 2015-2016, trường vận động được 100 bộ bàn ghế học sinh, 1 phòng học trị giá 45 triệu đồng, 1 phòng y tế trị giá 17 triệu đồng với nhiều thiết bị phục vụ khám sức khỏe ban đầu cho học sinh cùng sân khấu biểu diễn văn nghệ, 300m hàng rào và 50 ghế đá. Đồng thời trao tặng 12 xe đạp cho học sinh nghèo nhà xa trường và học bổng tặng học sinh vượt khó học giỏi trị giá 20 triệu đồng. Từ nguồn vận động, 3 năm học qua, hầu hết học sinh của trường không phải mua tập viết, nón và ghế ngồi chào cờ.
Ông Nguyễn Văn Cạnh, Trưởng ban đại diện Hội cha mẹ học sinh cho biết: Phụ huynh phần lớn điều kiện kinh tế khó khăn nên việc huy động xây dựng cơ sở vật chất rất hạn chế, nhưng hội vẫn luôn đồng hành với nhà trường. Năm học trước, phụ huynh thống nhất đóng góp sơn sửa trường lớp (kế hoạch thu khoảng 100 triệu đồng, nhưng chưa thu đủ) nên vận động được kinh phí hay vật tư, hội đều đóng góp công sức cùng làm. Năm học này, phụ huynh có con em học 1 buổi chỉ phải đóng 160 ngàn đồng phí phục vụ học tập, còn học 2 buổi đóng 450 ngàn đồng, bao gồm cả thù lao cho giáo viên.
Đáp lại sự quan tâm, chăm sóc của thầy cô, cha mẹ, học sinh Trường tiểu học Trịnh Hoài Đức đã nỗ lực vươn lên. 4 năm học qua, tỷ lệ hoàn thành chương trình tiểu học đạt 100%; học sinh lên lớp thẳng từ 96%-97%; 3 năm học liền (2013-2014, 2014-2015, 2015-2016), trường đạt tiên tiến và 5 năm trở lại đây không có học sinh bỏ học.
Cần sự tiếp sức của xã hội
Thầy Nguyễn Phi Long chia sẻ: Trường đang đối mặt với nhiều khó khăn. Đó là dự án SEQAP đã kết thúc năm 2016; việc tài trợ của các chùa, đoàn thiện nguyện cũng hạn chế dần (do đã chia sẻ với trường nhiều năm qua - PV), vì thế việc tổ chức bữa ăn trưa cho học sinh nghèo, nhà xa trường đang gián đoạn.
Cô Tiêu Thị Vui, nhân viên y tế của trường cho biết: Cũng vì điều kiện kinh tế của người dân ở đây khó khăn nên việc đóng bảo hiểm cho học sinh hằng năm không đạt chỉ tiêu. Năm học 2016-2017, trường chỉ có 44 em tham gia, còn năm học này có 150 em tham gia và 25 em được cấp theo diện hộ nghèo. Mới đây, hiệu trưởng vận động Công ty bảo vệ Đông Á ở thành phố Hồ Chí Minh tài trợ thêm 50 thẻ bảo hiểm y tế, nhưng cũng chỉ đạt gần 54%, trong khi theo chỉ tiêu trường phải có ít nhất 81,6% học sinh tham gia bảo hiểm. Đã vậy, đường từ thôn Bình Tiến đến điểm trường chính xuống cấp nghiêm trọng nên rất lầy lội và trơn trượt, gây khó khăn cho các em khi đến trường.
Tham quan vòng quanh trường, chúng tôi nhận thấy những bồn hoa được ốp bằng nhiều loại gạch khác nhau, có viên lành, viên sứt là do trường xin từ các cửa hàng bán vật liệu xây dựng; sân trường vẫn còn 600m2 chưa đổ bê tông; hàng rào của điểm chính còn thiếu khoảng 300m... “Khó khăn về cơ sở vật chất thì từng bước khắc phục, nhưng điều chúng tôi băn khoăn, lo lắng nhất là trường có rất nhiều học sinh dân tộc thiểu số nghèo, trong khi những năm qua cây điều liên tục mất mùa nên tỷ lệ hộ tái nghèo rất cao. Nếu không có bếp ăn tình thương thì việc duy trì chuyên cần sẽ gặp khó khăn, nguy cơ học sinh bỏ học. Rất mong các cấp, ngành quan tâm chia sẻ và cộng đồng chung tay giúp đỡ để các em yên tâm học tập” - Hiệu trưởng Nguyễn Phi Long nói.
Quang Minh
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065