Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi có 1 điểm chính và 3 điểm lẻ (Rừng Trai, Dốc 5 Tầng và thôn 12). Trường có 27 lớp với 613 học sinh, trong đó 518 em người dân tộc thiểu số (DTTS), chủ yếu là Xêtiêng. Học sinh bỏ học thường rơi vào những hộ kinh tế khó khăn, bản thân các em chưa có ý thức học tập, ngại đường xa không đến lớp, cha mẹ ủng hộ con nghỉ học...
ĐI “BẮT” HỌC SINH
17 giờ, các thầy cô bắt đầu công việc đi vận động học sinh trở lại trường, vì đây là khoảng thời gian phụ huynh đi làm về. Chúng tôi cùng một số thầy cô đến thôn 12 là thôn đồng bào DTTS đông nhất xã, địa bàn rộng, phụ huynh thường xuyên đi làm rẫy và dẫn con em theo. Chiếc xe máy của thầy Mai Thế Đức ì ạch trên đường đất dốc, ngoằn ngoèo. Thầy Đức nói, phải đi đến từng nhà mới được việc, nhưng có khi học sinh nghe tiếng xe máy của thầy giáo là trốn.
Giáo viên trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi tặng quà và vận động Điểu Giăng đến trường
Đoàn đến nhà em Điểu Giăng và Điểu Đinh. Điểu Giăng đang chăn trâu sau nhà, nghe cha mẹ đánh tiếng có thầy cô đến liền trốn. Nhưng thầy Đức nhanh chân “bắt” được... Sau khi được giáo viên thuyết phục, cha mẹ 2 em đồng ý ngày mai đưa con đến trường. Nhưng theo kinh nghiệm của các thầy cô thì không phải phụ huynh nào cũng giữ lời hứa mà phải đi lại nhiều lần nữa. “Khi học sinh đã đến lớp, chúng tôi cùng trưởng thôn vận động phụ huynh làm cam kết không cho con bỏ học, duy trì việc học có nền nếp” - thầy Đức nói.
Thầy Vũ Phú Quang, Phó hiệu trưởng trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi cho biết, từ đầu năm học đến nay đã có 14 trường hợp bỏ học. Nhưng trường đã vận động 6 em trở lại lớp và đang tiếp tục nỗ lực thuyết phục các em còn lại.
NHỮNG NGƯỜI THẦY DÂN VẬN KHÉO
Chập tối, chúng tôi tìm đến nhà em Điểu Điệp ở thôn 12. Thầy Nguyễn Danh Thắng nói chuyện với chị Thị Lan (mẹ em Điệp) bằng tiếng Xêtiêng. Không hiểu thầy nói những gì nhưng chị Lan chăm chú lắng nghe, lâu lâu gật đầu như đồng ý. Trên đường về hỏi lại, thầy Thắng nói đã thuyết phục được chị Lan cho Điệp đến trường. Nhưng với điều kiện nhà trường sẽ hỗ trợ em bộ sách giáo khoa, vở và cặp sách. Thầy Thắng cũng đã nhờ được anh Điểu Phúc, hàng xóm chị Lan chở Điệp đi học. Sau 10 năm công tác tại trường, thầy Thắng đã kịp trang bị cho mình vốn tiếng Xêtiêng để giao tiếp với phụ huynh người dân tộc bản địa.
Những ngày đầu mới về trường, cô Bế Thị Luyến gặp nhiều khó khăn khi địa bàn đông đồng bào DTTS mà đồng bào quan niệm “Cái chữ không no được bụng, phải lên rẫy mới no”. Bởi vậy, muốn cho học sinh đến lớp trước hết phải đả thông tư tưởng cho phụ huynh. Cô cùng một số thầy cô kiên trì đến từng nhà, theo lên rẫy để thuyết phục, nói lợi ích của việc biết đọc, viết, biết tính toán và tương lai tốt đẹp hơn nếu học giỏi và thi đậu đại học. Từ đó, phần nào đã khơi dậy giấc mơ của những đứa trẻ, phụ huynh cho con em mình đến lớp. Giảng dạy cho học sinh tiểu học là người DTTS mà không biết tiếng thì rất khó trong việc giải thích từ ngữ, nhất là ở lớp đầu cấp. Vì vậy, cô Luyến luôn tranh thủ học thêm tiếng Xêtiêng để có thể lồng ghép trong giảng dạy giúp các em hiểu rõ hơn nội dung cần truyền đạt.
Vì tình trạng học sinh bỏ học, hiện ngoài công tác chuyên môn, giáo viên chủ nhiệm ở trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi còn kiêm nhiệm thêm việc vận động học sinh đến trường. Vận động được học sinh ra lớp là một chuyện, nhưng để duy trì sĩ số, học sinh đi học thường xuyên lại là việc khó. Thầy Vũ Phú Quang mong muốn các cấp thẩm quyền xem xét, hỗ trợ kịp thời để động viên, khuyến khích giáo viên.
Thanh Thủy
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065