“Oằn lưng” vì xã hội hóa
Chị H (phường Phú Đức, thị xã Bình Long) có con học lớp 1, trường Tiểu học An Lộc B cho biết: “Ngày 8-11-2014, trường Tiểu học An Lộc B tổ chức họp riêng phụ huynh học sinh khối 1. Nhà trường đưa ra bài toán, nếu mỗi phụ huynh đóng 2 triệu đồng x 105 học sinh, cộng thêm khoảng 100 triệu đồng vận động từ doanh nghiệp thì sẽ đủ tiền xây 3 phòng học mới.
Nhiều phụ huynh trường Tiểu học An Lộc B bức xúc khi lần thứ 2 trong năm học 2014-2015 bị “vận động” xã hội hóa
Nếu không xây thêm phòng học, trường sẽ trả số học sinh trái tuyến về địa phương, dù trường Tiểu học Võ Thị Sáu (phường Phú Đức) chưa xây xong. Việc này chẳng khác nào bắt ép đóng tiền thì con chúng tôi mới được học”.
Chị T (phường Phú Thịnh) có con học lớp 1 trường Tiểu học An Lộc B lo lắng: “Chồng tôi làm mướn ở xa chỉ đủ nuôi thân. Tôi phụ bán hàng với mức lương 3 triệu đồng/tháng chi tiêu tiết kiệm mới đủ trang trải cuộc sống gia đình. Đầu năm học, tôi phải mượn 1,3 triệu đồng đóng tiền nhập học cho con (trong đó có 200 ngàn đồng tiền xã hội hóa giáo dục) đến nay vẫn chưa trả được. Lần này không nộp tiền sợ con bị gây khó dễ, tôi phải đi vay để đóng tiền xã hội hóa, còn mọi chuyện tính sau”.
Vì muốn con em yên ổn học hành nên nhiều phụ huynh trường Tiểu học An Lộc B vay mượn tiền để đóng xã hội hóa giáo dục
Nhiều phụ huynh đều muốn con em được yên ổn học tập nên không muốn phản ứng với nhà trường. Tuy nhiên, xã hội hóa giáo dục là khoản tự nguyện, trường đã thu 200 ngàn đồng/học sinh đầu năm học, nay lại đóng thêm 2 triệu đồng là trái quy định của Bộ Giáo dục - Đào tạo. Dù sao cũng không thể lấy chủ trương xã hội hóa giáo dục để đẩy gánh nặng tài chính về phía phụ huynh. Không hiểu trường Tiểu học An Lộc B đã vận động đóng góp xã hội hóa như thế nào mà nhiều phụ huynh lại lầm tưởng bị ép đóng 2 triệu đồng/ học sinh? Về việc này, Báo Bình Phước sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc trong số báo sau.
Chạy theo thành tích?
Thông tư Bộ giáo dục - đào tạo Thông tư số 29/2012/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục - Đào tạo ngày 10-9-2012 về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân quy định: Các cơ sở giáo dục không coi huy động tài trợ là điều kiện cho việc cung cấp dịch vụ giáo dục và không quy định mức tài trợ cụ thể đối với nhà tài trợ. |
Khi chúng tôi đến trường Tiểu học An Lộc B, ban giám hiệu trường đang bận tiếp đoàn thanh tra của Sở và Phòng Giáo dục - đào tạo về các khoản thu, chi đầu năm học. Tại văn phòng nhà trường, rất nhiều phụ huynh đến đóng tiền xã hội hóa và hầu hết đều đóng 2 triệu đồng.
Một giáo viên thu tiền thay cho nhân viên kế toán bận tiếp đoàn thanh tra. Sau khi đóng tiền, phụ huynh không được nhận biên lai thu tiền của trường. Người thu tiền hướng dẫn phụ huynh tự ghi vào “sổ vàng” các thông tin: Số tiền đóng góp, họ tên phụ huynh, tên học sinh theo đúng trang dành riêng cho từng lớp và ký tên người nộp. Bàn thu tiền ngổn ngang thư ngỏ kêu gọi sự hỗ trợ, có chữ ký của thầy hiệu trưởng. Khi vắng phụ huynh, cô giáo làm thay kế toán cùng vài người gấp thư ngỏ cho vào bao thư chuẩn bị gửi phụ huynh học sinh các khối 2, 3, 4, 5.
Bà Trần Thị Mỹ Thành, Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo thị xã Bình Long cho biết: 3 phường mới tách của thị xã Bình Long chưa có trường mầm non và trường THCS. Trong điều kiện ngân sách khó khăn, chủ trương của thị xã Bình Long là tập trung đầu tư xây mới cho những phường, xã chưa có trường. Những đơn vị thiếu phòng học hoặc cần sửa chữa sẽ giải quyết sau. 5 năm nay, Ban giám hiệu trường Tiểu học An Lộc B kiến nghị xây thêm dãy nhà gồm 1 trệt, 1 lầu với 8 phòng để làm khu hiệu bộ và phòng học nhưng chưa có kinh phí. Phòng Giáo dục - Đào tạo thị xã đã làm việc với UBND phường Phú Thịnh về việc xã hội hóa xây 3 phòng học với số tiền khoảng 350 triệu đồng để gỡ khó cho trường. Nếu thành công, chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này ra các trường khác.
Ngày họp phụ huynh, tôi cũng đã có ý kiến việc xã hội hóa là hoàn toàn tự nguyện. Tôi lấy ví dụ về hoàn cảnh chị A, phụ huynh đi họp. Chị bị bệnh tim không đi làm được, chồng chạy xe ôm nuôi cả nhà. Gia đình chị A là hộ nghèo, vừa được cấp nhà tình thương thì lấy đâu ra tiền mà đóng góp. Ngay trong tuần đầu tiên phát động, trường đã thu được 170 triệu đồng, hiện đang gửi tại ngân hàng. 3 phòng học này sẽ được xây theo hình thức “chìa khóa trao tay” do mạnh thường quân tự góp tiền, tự xây dựng. Phòng Giáo dục - Đào tạo thị xã Bình Long, UBND phường Phú Thịnh sẽ cử cán bộ kỹ thuật giám sát. Ông Nguyễn Văn Nghĩa, Chủ tịch UBND phường Phú Thịnh |
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết riêng khối 1 của trường có 184 học sinh nhưng chỉ 113 học sinh có hộ khẩu thường trú tại phường Phú Thịnh, 20 em tạm trú, còn lại 51 học sinh trái tuyến (chiếm gần 30% học sinh trong khối). Hiện công trình trường Tiểu học Võ Thị Sáu với vốn đầu tư 4 tỷ đồng đã xây xong 8 phòng học. Còn một số hạng mục như: cổng, hàng rào, sân trường... Thời gian ngắn nữa, trường Tiểu học Võ Thị Sáu đi vào hoạt động, lượng học sinh trái tuyến sẽ trở về phường Phú Đức theo quy định. Khi đó, áp lực quá tải của trường Tiểu học An Lộc B sẽ giảm. Vậy việc “vận động” học sinh khối 1 nộp 2 triệu đồng để xây 3 phòng học lúc này có thật sự cần thiết?
Tuyết Ly - Hoàng Nga
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065