>> Bài 1: Xây dựng hệ thống trường DTNT đạt chuẩn
>> Bài 2: Môi trường giáo dục toàn diện
BP - Tại các trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT), sau khi tan học các em đều sinh hoạt và ở nội trú tại trường. Một tháng học sinh được về thăm gia đình một lần. Vì vậy, ngoài nhiệm vụ giáo dục chuyên môn, đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên tại các trường DTNT còn thay mặt phụ huynh chăm sóc, nuôi dưỡng các em trong suốt thời gian học tập. Vì thế, học sinh đều xem trường là nhà, thầy cô là cha mẹ thứ 2 của mình.
TRƯỜNG HỌC LÀ NHÀ, THẦY CÔ LÀ CHA MẸ
TRƯỜNG LÀ NHÀ
Tại các trường PTDTNT, học sinh được rèn luyện kỷ cương, nền nếp, khuôn khổ nhất định. Đúng 5 giờ sáng, sau tiếng kẻng báo hiệu, các em ra sân tập thể dục 30 phút rồi thực hiện vệ sinh cá nhân và chuẩn bị ăn sáng. Đúng 7 giờ các em lên lớp học văn hóa, 11 giờ trở về phòng và chuẩn bị ăn trưa.
Tại nhà ăn của Trường PTDTNT tỉnh, học sinh đều được bố trí tên sẵn ở từng bàn ăn, mỗi bàn 10 em ngồi ăn chung. Kết thúc bữa ăn, các em tự giác rửa chén của mình và quay về phòng ngủ trưa để chuẩn bị cho tiết học buổi chiều. 16 giờ tan học, các em chơi thể thao, giải trí để nâng cao sức khỏe, kỹ năng sống; sau đó, vệ sinh cá nhân và chuẩn bị cơm chiều. Mỗi bữa ăn trường luôn đảm bảo 3 món chính gồm mặn, xào, canh và thường xuyên đổi món để tạo cảm giác ngon miệng, cung cấp đủ dinh dưỡng cho học sinh. Để đảm bảo an toàn thực phẩm, trường đã ký hợp đồng với một số đơn vị chuyên cung cấp thực phẩm tươi sống. Mỗi ngày, nhân viên nhà ăn có nhiệm vụ lên thực đơn và báo trước cho đơn vị cung cấp để chuyển hàng đến. Thực phẩm tươi sống đều được nhân viên y tế của trường kiểm tra chất lượng, nếu không đạt sẽ yêu cầu đơn vị cung cấp đổi lại.
Các trường DTNT luôn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và chất lượng bữa ăn cho học sinh
Mỗi tháng, các trường đều cho học sinh về thăm nhà một lần. Thế nhưng, do hầu hết hoàn cảnh gia đình khó khăn, trường học cách xa nhà nên các em không có điều kiện về. Vì vậy, với nhiều học sinh trường như là ngôi nhà thứ hai, là nơi để các em nỗ lực thực hiện ước mơ của mình. Em Điểu Thị Trang, học sinh lớp 7A, Trường PTDTNT THCS Điểu Ong, nhà ở xã Nghĩa Trung (Bù Đăng) (cách trường khoảng 40km), mồ côi cha từ năm 2 tuổi, được vào học ở trường là niềm mơ ước lớn của em. Thời gian đầu nhập học, ngày nào em cũng khóc vì nhớ gia đình. Những lúc đó, em được thầy cô và các anh chị khóa trước động viên giúp đỡ. Giờ em đã quen trường và coi đây như là ngôi nhà thứ 2 của mình.
VÀ THẦY CÔ GIÁO LÀ CHA MẸ
Cô Điểu Thị Nguyệt làm cán bộ quản lý của Trường PTDTNT tỉnh hơn 10 năm nay, cô đã gắn bó với nhiều thế hệ học sinh. Đến bây giờ, những lớp học trò cũ có cơ hội gặp lại vẫn gọi cô là “má Nguyệt”. Nhà cô Nguyệt ở thị xã Bình Long. Mỗi tháng cô chỉ về thăm nhà 1-2 lần, thời gian còn lại túc trực tại trường, ăn ở cùng học sinh. Có lẽ vì thế mà giữa cô và các em tạo được sợi dây gắn kết tình cảm như tình mẫu tử.
Cô Nguyệt kể: “Học trò mới vào trường còn nhiều bỡ ngỡ. Có em đòi bỏ học về nhà với ba mẹ. Những lúc đó, tôi phải ở cạnh các em, yêu thương, dỗ dành. Khi các em làm sai, tôi nhẹ nhàng chỉ dạy như người cha, người mẹ. Các em dần dần xem tôi như người thân, bao nhiêu chuyện vui, buồn, các em đều tâm sự với tôi như mẹ con. Mỗi lần nghe học sinh gọi “Má ơi”, tôi rất cảm động, giống như nghe chính những đứa con ruột của mình gọi mẹ. Khi các em đau ốm, cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường lại thay nhau chăm sóc”. Cô Nguyệt nhớ lại: “Cách đây vài năm, trong lúc đi kiểm tra thì phát hiện có học sinh khóc do đau bụng. Khi đưa xuống phòng y tế của trường, cô Dương Thị Hương, nhân viên y tế, phát hiện em bị đau ruột thừa nên phải chuyển em sang Bệnh viện đa khoa tỉnh để cấp cứu. Lúc đó, người nhà của em ở xa không đến được, chúng tôi thay mặt phụ huynh làm thủ tục nhập viện cho em”.
Ngoài thay cha mẹ chăm lo, động viên khi học sinh ốm đau, bệnh tật, đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên các trường PTDTNT còn chỉ dạy các em từng li từng tí, từ việc giặt quần áo, gấp mùng mền cho đến tắm rửa, vệ sinh cá nhân... Thầy Trần Bá Giang, Tổ trưởng Tổ quản lý học sinh Trường DTNT THCS và THPT Bù Gia Mập cho biết: “Khổ nhất là học sinh khối lớp 6, đây là lần đầu tiên các em xa gia đình ở nội trú. Khi vào sống trong môi trường mới, các em vẫn giữ thói quen như ở nhà. Nhờ sự nhiệt tình, yêu thương, chỉ bảo tận tình của thầy cô, các em dần hoạt động có nền nếp hơn. Ăn ngủ, học tập đúng giờ, đặc biệt biết sống độc lập. Chính sự yêu thương vô bờ bến của các thầy cô giáo mà đến nay nhiều thế hệ học sinh đã hòa nhập với môi trường, tự tin và nỗ lực học tập tốt hơn”.
Thùy Hương
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065