>> Bài 1: Xây dựng hệ thống trường DTNT đạt chuẩn
BP - Song song với việc đầu tư cơ sở vật chất, Đề án “Củng cố và phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú (DTNT) giai đoạn 2011-2015” cũng xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm là nâng cao chất lượng giáo dục đặc thù và hiệu quả đào tạo. Trong đó nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng các trường DTNT trở thành trường hàng đầu về chất lượng giáo dục ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).
MÔI TRƯỜNG GIÁO DỤC TOÀN DIỆN
XÂY DỰNG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, GIÁO VIÊN ĐẠT CHUẨN
Để nâng cao chất lượng đào tạo, nhiệm vụ hàng đầu là phải có đội ngũ giáo viên giỏi, tâm huyết với nghề. Vì vậy, hằng năm Sở GD-ĐT đều tăng cường chỉ đạo phòng, ban chuyên môn và các trường tập trung thực hiện tốt việc bố trí, sắp xếp hợp lý đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý tại các trường. Đồng thời bổ sung giáo viên có trình độ chuyên môn giỏi, tâm huyết với giáo dục dân tộc cho các trường DTNT. Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nhằm trang bị kiến thức, bồi dưỡng nâng cao năng lực, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và cán bộ chuyên trách trong các trường DTNT.
Thầy Trương Tấn Ngà, Hiệu trưởng Trường phổ thông DTNT THCS Điểu Ong (Bù Đăng) cho biết: “Ngoài cử giáo viên tham gia các lớp tập huấn, trường còn khuyến khích, động viên thầy cô tự học nâng cao trình độ chuyên môn. Hiện trường có 100% giáo viên đạt chuẩn, 75% trên chuẩn, trong đó có 10 giáo viên giỏi cấp huyện, 1 giáo viên giỏi cấp tỉnh và 5 giáo viên đang theo học lớp đại học. Trường thường xuyên yêu cầu giáo viên bộ môn tích cực đổi mới phương pháp dạy học phù hợp, sát với khả năng, trình độ nhận thức của từng học sinh. Mỗi giáo viên, cán bộ quản lý trường phải thực hiện một sáng kiến đổi mới trong phương pháp dạy học và quản lý. Cùng với đó, tổ chức hội nghị, hội thảo, hội thi về nghiên cứu, trao đổi sáng kiến kinh nghiệm đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá từng năm học.
NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC
Bên cạnh nâng cao chất lượng chuyên môn cho giáo viên, một số trường DTNT còn xây dựng “nguồn học liệu mở” để tạo nguồn tài liệu cho học sinh và giáo viên. Đây là nơi lưu trữ tất cả câu hỏi, bài tập, giáo án, tài liệu tham khảo, tư liệu dạy học, sáng kiến kinh nghiệm... của thầy cô. Hệ thống tài liệu này được cập nhật trên website của trường để giáo viên, học sinh tham khảo và trao đổi kinh nghiệm trong quá trình giảng dạy, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục.
Trường phổ thông DTNT THCS Điểu Ong dạy nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào dân tộc S’tiêng cho học sinh
Các trường còn chú trọng dạy bồi dưỡng học sinh giỏi và phụ đạo học sinh yếu kém. Nhờ đó, tỷ lệ học sinh khá, giỏi các trường năm sau luôn cao hơn năm trước. Học kỳ 1 năm học 2015-2016, Trường phổ thông DTNT THCS Lộc Ninh có 97 học sinh khá, giỏi (59,5%), tăng 7,6% so cùng kỳ năm học trước; Trường phổ thông DTNT tỉnh đạt 60,5%, tăng 0,5%; Trường phổ thông DTNT Phước Long, nay là Trường phổ thông DTNT THCS và THPT Bù Gia Mập đạt 46,7%, tăng 8,9%... Hằng năm, học sinh tốt nghiệp và đậu đại học, cao đẳng chiếm tỷ lệ cao. Năm học 2014-2015, tỉnh có 100% học sinh tốt nghiệp và 67% học sinh thi đậu các trường đại học, cao đẳng.
Thuận lợi lớn nhất với các trường là 100% học sinh đều ở lại ký túc xá nên ngoài thời gian học trên lớp, mỗi tối các trường DTNT đều tổ chức cho các em học tập trung ngay tại lớp chính khóa từ 19 đến 21 giờ. Thời gian này, những giáo viên trong tổ quản lý học sinh (5 người) chịu trách nhiệm giám sát và hỗ trợ các em học bài. Em Điểu Thị Ánh Nguyệt, học sinh lớp 7B, Trường phổ thông DTNT THCS Điểu Ong nói: “Trong từng lớp, bạn thì giỏi khối tự nhiên, bạn lại chuyên khối xã hội, vì vậy qua việc học tập trung vào buổi tối, chúng em có thể hỗ trợ nhau học bài. Thời gian đó, chúng em thường làm các bài tập nâng cao. Nếu không hiểu có thể hỏi các bạn trong lớp hoặc khác lớp hay thầy cô”.
GIỮ GÌN BẢN SẮC VĂN HÓA
Toàn tỉnh hiện có 1.519 học sinh theo học nội trú tại các trường DTNT với nhiều thành phần dân tộc. Vì vậy việc gìn giữ các giá trị văn hóa dân tộc cho học sinh được các trường đặc biệt quan tâm. Hằng năm, Trường phổ thông DTNT THCS Điểu Ong duy trì nghề dệt thổ cẩm cho học sinh bằng cách mời nghệ nhân về dạy. Hằng tháng, trường tổ chức cho các em dệt để làm quen. Hiện trường có 20 em biết dệt, trong đó 5 em dệt thành thạo.
Các trường DTNT cũng duy trì môn “Bản sắc văn hóa dân tộc”. Môn học này giúp các em hiểu sâu về bản sắc văn hóa dân tộc mình và các dân tộc anh em, từ đó hiểu nhau, sống đoàn kết hơn. Một số trường còn xây dựng phòng truyền thống để lưu giữ những dụng cụ đặc trưng của đồng bào DTTS làm tư liệu cho học sinh tham quan trong thời gian học ngoại khóa. Đặc biệt, một số trường tổ chức dạy tiếng dân tộc cho giáo viên và học sinh như: Trường phổ thông DTNT THCS: Bình Long, Bù Gia Mập, Đồng Phú và phổ thông DTNT tỉnh dạy tiếng S’tiêng; Trường phổ thông DTNT THCS Lộc Ninh dạy tiếng Khơme; Trường phổ thông DTNT THCS Điểu Ong dạy tiếng S’tiêng và Mơnông. Thứ 2 hằng tuần, các trường đều yêu cầu học sinh mặc sắc phục dân tộc và thường xuyên tổ chức các hội thi văn nghệ để học sinh được trình diễn nhạc cụ và các tiết mục văn nghệ mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc mình.
Thùy Hương
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065