BP - Là ngôi trường đặc thù ở vùng biên giới, 18 năm qua, Trường phổ thông Dân tộc nội trú trung học cơ sở (DTNT THCS) Lộc Ninh là nơi ươm mầm, chắp cánh ước mơ cho nhiều thế hệ học sinh dân tộc thiểu số 2 huyện Lộc Ninh và Bù Đốp. Bằng sự nỗ lực của thầy và trò, tỷ lệ học sinh khá, giỏi tăng dần qua từng năm, nhiều năm liền trường không có học sinh bỏ học. Không chỉ học kiến thức, các em còn được phát triển năng khiếu, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.
ANH EM MỘT NHÀ
Chúng tôi về Trường phổ thông DTNT THCS Lộc Ninh khi thầy cô giáo đang tất bật mua sắm áo quần, đồ dùng học tập, tổng vệ sinh trường lớp để chuẩn bị đón các em trở lại trường bắt đầu năm học mới. Đưa tay vuốt nhẹ nhành lan vừa bung nở dưới nắng mai, cô Nguyễn Thị Hồng Thuận, giáo viên môn Địa lý hồ hởi khoe: “Đây là vườn lan học sinh tự đóng góp từ phong trào trồng cây xanh để tạo môi trường sạch đẹp. Từ vài giò lan ban đầu, hiện vườn lan đã lên tới vài trăm giò. Vườn lan luôn khoe sắc khiến khuôn viên trường như khoác áo mới. Các em còn trồng sả xung quanh trường để chống cỏ dại và có thêm nguồn thu hơn 3 triệu đồng/năm giúp đỡ các bạn có hoàn cảnh khó khăn. Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình là cách mà thầy cô giáo dục các em học và làm theo Bác”.
Các thầy cô giáo Trường DTNT Lộc Ninh được khen thưởng vì đạt thành tích xuất sắc trong giảng dạy
Được trợ cấp kinh phí học tập, bảo hiểm y tế, sách vở, dụng cụ học tập, áo quần đồng phục... là sự hỗ trợ để các em nỗ lực học tập tốt hơn. Minh chứng là tỷ lệ học sinh khá, giỏi tăng dần qua từng năm. Trường có 160 em ở 4 khối lớp từ 6-9. Kết thúc năm học 2014-2015, học sinh khá, giỏi của trường đạt 51,88%; lên lớp thẳng đạt 98,8%; 100% học sinh được xét công nhận tốt nghiệp THCS; 9 học sinh giỏi cấp huyện; 6 học sinh giỏi cấp tỉnh; 7 giáo viên giỏi cấp huyện; 36/39 giáo viên, công nhân viên đạt lao động tiên tiến; 11 sáng kiến kinh nghiệm cấp tỉnh.
“10 năm đứng lớp giảng dạy môn Lịch sử nhưng với tôi mỗi ngày là một trải nghiệm mới. Không chỉ truyền đạt kiến thức mà chúng tôi còn là một “nghệ sĩ nghiệp dư” phải biết hát, kể truyện, đọc thơ, vẽ tranh. Trong giảng dạy dùng giáo cụ trực quan như: Xem phim, hình ảnh tư liệu giúp các em dễ nhớ, dễ hiểu, hứng thú với những sự kiện lịch sử vốn được coi là khô cứng. Tôi mong từ những bài học lịch sử trên ghế nhà trường, học sinh sẽ hiểu thêm về truyền thống hào hùng của dân tộc, vun đắp tình cảm đẹp với quê hương, đất nước” - thầy Lê Chí Tuất, giáo viên môn Lịch sử chia sẻ.
PHÁT HUY ĐIỂM MẠNH TỪ GIÁ TRỊ TRUYỀN THỐNG
Ngoài học chính khóa, các em còn được học môn tự chọn nhằm giảm áp lực, thi viết thư, vẽ tranh về biển đảo, dạy kỹ năng sống, giáo dục giới tính... Điểm mạnh của học sinh người DTTS là phong trào thể thao, văn nghệ. Bên cạnh học kiến thức, trường còn trang bị một dàn nhạc ngũ âm, một bộ cồng chiêng để các em phát triển năng khiếu và gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Trường đã thành lập câu lạc bộ văn nghệ đi giao lưu, biểu diễn ở nhiều nơi và đã giành nhiều giải cao trong các kỳ Liên hoan văn hóa - thể thao các dân tộc thiểu số do huyện và tỉnh tổ chức. Ngoài thời gian đứng lớp, các thầy cô giáo còn học 2 buổi/tuần chữ Khơme, Xêtiêng để gần gũi, truyền đạt kiến thức cho các em dễ dàng hơn.
“Với chúng em, học giỏi, vâng lời thầy cô, cha mẹ, tích cực tham gia các hoạt động của trường, lớp là cách làm theo Bác thiết thực nhất” - Thị Xuyến, học sinh lớp 8 chia sẻ. Học và làm theo Bác còn từ phong trào thi đua thực hành tiết kiệm, nuôi heo đất, phụng dưỡng thường xuyên gia đình chính sách (Thị Áp ở xã Lộc Phú) 400 ngàn đồng/tháng; nhận chăm sóc, quét dọn Nghĩa trang liệt sĩ huyện; tổ chức đêm văn nghệ gây quỹ được 40 triệu đồng tặng học sinh, người nghèo ăn tết. Ban giám hiệu trường còn lồng ghép nội dung học và làm theo Bác trong các môn Lịch sử, Giáo dục công dân, Văn học và các buổi sinh hoạt đầu tuần. Thông qua các hoạt động thể thao, văn nghệ tạo điều kiện cho giáo viên, học sinh rèn luyện thân thể theo gương Bác. Đặc biệt, trong sinh hoạt chi bộ, chào cờ đầu tuần, trường phân công cán bộ, đảng viên kể những mẩu chuyện về Bác và rút ra bài học để thầy và trò cùng làm theo. Từ những thành tích đạt được, nhiều năm liền trường đạt danh hiệu tập thể lao động tiên tiến, xuất sắc, được UBND tỉnh tặng bằng khen.
Ngân Hà
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065