TRÁI NGỌT
Sau 2 lần di dời từ cơ sở “ké” với Trường tiểu học Minh Tâm rồi đến điểm lẻ (2007-2009), tháng 9-2009, tại địa điểm mới ấp 2, xã Minh Tâm, trường được đầu tư xây dựng 4 phòng học và 1 phòng làm việc. Lúc đó trường chỉ có 6 phòng học, kể cả điểm lẻ. Năm học 2015-2016, vì số trẻ quá tải, trường phải ngăn đôi 2 phòng học để trở thành nơi học tập của 4 lớp nhóm trẻ mầm và chồi, tận dụng cả hành lang để sinh hoạt. Năm học 2016-2017, trường được đầu tư thêm 8 phòng học lầu với kinh phí trên 4 tỷ đồng. Tập thể trường đã nỗ lực vận động phụ huynh, các doanh nghiệp, trang trại đóng góp, hỗ trợ trang bị các công trình nhỏ như: rèm cửa, tivi, quạt... Đặc biệt những năm qua, trường còn xã hội hóa đóng góp xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị bằng tiền mặt, hiện vật hoặc công trình với tổng kinh phí 271,8 triệu đồng.
Trường hiện có 277 cháu/9 lớp, 18 giáo viên đứng lớp, trong đó 8 giáo viên hợp đồng. Số giáo viên trong trường tương đối ổn định trong khi một số trường giáo viên bỏ việc nhiều. “Xa quê, xa gia đình, nhờ “mái nhà thứ hai” tràn đầy yêu thương, sự quan tâm chia sẻ, cảm thông của ban giám hiệu, đồng nghiệp nên chúng em nỗ lực vượt qua khó khăn, gắn bó với nghề. Giáo viên mầm non quá vất vả, áp lực từ nhiều phía, nếu không có “chất keo gắn kết” ấy và lòng yêu nghề, mến trẻ thì sẽ khó gắn bó lâu dài với nghề” - cô Hoàng Thị Thùy, quê tỉnh Đắk Lắk, giáo viên Trường mầm non Minh Tâm xúc động nói.
“Tôi từng chứng kiến một giáo viên gấp rút giải quyết hậu quả một cháu ăn no bị ói ra vì sợ các cháu khác nhìn thấy sẽ ói theo hoặc giẫm phải bị té. Tôi thấy thật khó khi làm việc đó đối với trẻ không phải con mình. Giáo viên, kể cả chưa có gia đình, vẫn sẵn sàng đón nhận trẻ hằng ngày một cách thân thiện, tự nhiên. Thật sự rất cảm thông cho các cô” - chị Nguyễn Thị Dương, phụ huynh lớp lá 1 chia sẻ.
Nhờ làm tốt công tác tư tưởng, quan tâm thực hiện đầy đủ chế độ đã góp phần giúp giáo viên gắn bó với trường. Cô Phạm Thị Ngọc Hân, Hiệu trưởng trường nói: “Tuyển được giáo viên đã khó, giữ chân giáo viên còn khó hơn. Xây dựng mối đoàn kết nội bộ là quan trọng nhất, nhà yên xã hội mới ấm. Cơ sở vật chất thiếu có thể đi vận động, còn chế độ cho giáo viên phải ưu tiên. Ngày trường chuẩn bị lên chuẩn, đèn trên lớp học sáng suốt đêm. Có những giáo viên tối ôm con lên làm và ngủ lại trên lớp để chuẩn bị cho những việc gấp. Hay 20 giờ, chạy xe mười mấy cây số từ Minh Tâm về Tân Khai (Hớn Quản) chị em vẫn vui cười bởi tâm trạng thoải mái, phấn khởi. Ai cũng ý thức được, danh hiệu chuẩn là thành quả của tinh thần đoàn kết, cố gắng không ngừng nghỉ của tập thể nhà trường trong nhiều năm qua”.
Ở trường, hằng tháng giáo viên tham gia dự giờ, duy trì thao giảng tiết học tốt để nâng cao trình độ. Những tiết dự giờ không còn nặng nề mà tạo tâm thế thoải mái, những sai sót nhỏ được nhẹ nhàng nhắc nhở, sai sót cơ bản mới đánh giá. Năm học 2016-2017, trường có 100% trẻ cân nặng bình thường, 98% trẻ có chiều cao bình thường, suy dinh dưỡng thể thấp còi chiếm 3,4%. 100% trẻ 5 tuổi hoàn thành chương trình giáo dục mầm non. Năm học này, trường huy động được 99,3% trẻ 5 tuổi ra lớp.
VÀ NHỮNG BĂN KHOĂN
Trường mầm non Minh Tâm nói riêng, giáo dục mầm non Hớn Quản nói chung vẫn còn những trăn trở do “khát” giáo viên và đội ngũ cấp dưỡng. Bởi họ rất vất vả, vừa chăm sóc vừa giáo dục trẻ, ngày làm việc ở trường, đêm về soạn giáo án, thứ bảy, chủ nhật làm đồ dùng dạy học trong khi mức lương nhận được rất thấp. Cô Hân nói: “Theo quy định 2,2 cô/lớp mà hiện trường chỉ có 18 cô/9 lớp, tức vẫn thiếu 2 giáo viên nên khi các cô nghỉ đau ốm, thai sản thì trường gặp nhiều khó khăn, lúng túng trong đảm bảo giáo viên/lớp theo quy định. Một giáo viên có ý định làm việc tại trường nay đã đi làm công nhân, bởi lương giáo viên hợp đồng chưa bằng ½ lương công nhân”.
Cô Hân cho rằng, mức lương giáo viên hợp đồng và cấp dưỡng theo quy định quá thấp. Giáo viên hợp đồng có bằng trung cấp ở trường chỉ nhận được 2,164 triệu đồng (lương cơ bản nhân hệ số theo bằng cấp) sau khi trừ các loại bảo hiểm, công đoàn phí. Lương cấp dưỡng cũng chỉ được 1.0 nhân với lương cơ bản trong khi họ phải làm việc từ sáng đến chiều. Thực tế có một số trường, vì nhiều yếu tố, trong đó có nguyên nhân lương thấp, giáo viên và đội ngũ cấp dưỡng đã bỏ việc, ảnh hưởng đến giảng dạy cũng như thực hiện bán trú cho trẻ. Cụ thể, sau khi Mầm non Minh Tâm đạt chuẩn, 2 cấp dưỡng của trường đã bỏ việc. Để đảm bảo chất lượng bữa ăn cho trẻ, trường phải xoay xở để có cấp dưỡng phục vụ bán trú. Theo quy định với tổng 277 trẻ trường cần đến 6 cấp dưỡng nhưng hiện chỉ có 3 cấp dưỡng (theo chỉ tiêu được giao), vẫn thiếu 3 so nhu cầu.
Đến ngày 15-11-2017, toàn huyện Hớn Quản còn 12 trường không hợp đồng được giáo viên với tổng 52 người theo chỉ tiêu được giao, trong đó nhiều nhất là Mầm non Tân Hưng thiếu 14 giáo viên, Mầm non Thanh Sơn (Thanh An) thiếu 6 giáo viên. Bậc học mầm non Hớn Quản còn cần đến 21 nhân viên cấp dưỡng tương ứng với số trẻ theo yêu cầu và Trường mầm non Minh Tâm cần nhiều nhất.
Thanh Mai
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065