Đúng thời khắc quân và dân trong tỉnh tưng bừng kỷ niệm 15 năm tái lập, mùa Xuân đã gõ cửa từng nhà mang đến biết bao nhiêu niềm vui, niềm hy vọng mới. Trong cái không khí se lạnh của tháng Chạp, chúng tôi đến trường Cao đẳng Công nghiệp Cao su Bình Phước. Năm 2011 vừa qua là một năm có nhiều niềm vui, nhiều sự thành công với ngôi trường này khi 5/6 sản phẩm tham dự hội thi sáng tạo khoa học - kỹ thuật tỉnh lần I đã đoạt giải cao.
TẠO THƯƠNG HIỆU
Trường Cao đẳng Công nghiệp Cao su Bình Phước được thành lập từ năm 1978, mang tên trường đào tạo công nhân cơ khí. Khi đó, trường chỉ có 60 học sinh học nghề lái máy. Sau hơn 30 năm xây dựng và phát triển, đến nay trường đã đào tạo được 15.646 học sinh có tay nghề cao trong nhiều ngành nghề. Trường không chỉ cung cấp nguồn cán bộ, công nhân cho Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam mà còn hỗ trợ nhân lực có trình độ chuyên môn cho các cơ quan, đơn vị trong tỉnh.
Thầy Nguyễn Thế Quân đang hướng dẫn sinh viên thực hiện các thí nghiệm
Là ngôi trường duy nhất của cả nước đào tạo nhân lực cho ngành cao su, bên cạnh dạy nghề, trường đã đưa công tác nghiên cứu khoa học vào nhiệm vụ trọng tâm. Thạc sĩ Lâm Quốc Trình, Phó hiệu trưởng, Phó chủ tịch hội đồng nghiên cứu khoa học nhà trường, cho biết: “Nhiều năm trở lại đây, trường luôn là một trong những đơn vị đi đầu trong hoạt động nghiên cứu khoa học so với các trường cao đẳng trong toàn quốc. Với phương châm “Biến quá trình đào tạo thành tự đào tạo”, trường đã khẳng định được vai trò là trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học quan trọng của ngành cao su trong nước”.
Để đẩy mạnh hơn nữa công tác nghiên cứu khoa học, năm 2010, trường đã thành lập phòng nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế. Ngay khi có quyết định thành lập, phòng nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế đã xây dựng quy chế của hội đồng khoa học. Thành viên của hội đồng khoa học bao gồm hiệu trưởng, các phó phòng, trưởng khoa bộ môn của các trường đại học lớn trong cả nước và lãnh đạo của nhiều doanh nghiệp. Vào đầu năm học, giáo viên có thể căn cứ vào chương trình đào tạo mà đề xuất các đề tài nghiên cứu.
Nếu đề xuất được hội đồng khoa học thông qua, toàn bộ kinh phí nghiên cứu của giáo viên sẽ được nhà trường hỗ trợ. Không chỉ giảng viên, sinh viên của trường cũng được định hướng tham gia nghiên cứu các đề tài khoa học ngay khi mới vào học. Đối với đề tài của sinh viên, trường sẽ hỗ trợ một phần kinh phí. Nhằm tạo thuận lợi nhất cho việc nghiên cứu khoa học, trường luôn trang bị đầy đủ các thiết bị, hóa chất cần thiết và người nghiên cứu được sử dụng miễn phí.
Cũng theo thạc sĩ Lâm Quốc Trình, hoạt động nghiên cứu khoa học được trường đầu tư cơ sở vật chất rất đầy đủ đã tạo sân chơi và định hướng cho giáo viên, sinh viên trong suốt quá trình giảng dạy, học tập. Qua đó, giúp giáo viên, sinh viên chủ động làm quen với tư duy sáng tạo độc lập, tự chủ trong nghiên cứu khoa học, bảo đảm chất lượng đào tạo toàn diện. Đây cũng chính là môi trường tốt để phát hiện những nhân tài khoa học và có hướng bồi đắp kịp thời. Hiện nay, nhiều giảng viên trẻ, sinh viên giỏi của trường đã có những đề tài khoa học được ứng dụng rộng rãi trong cả nước.
Từ sự quan tâm, đầu tư đúng mức và dám nghĩ, dám làm của ban giám hiệu mà trường Cao đẳng Công nghiệp Cao su đã tạo cho mình một thương hiệu riêng, có vị thế, uy tín cả trong và ngoài ngành.
NƠI BIẾN Ý TƯỞNG THÀNH SẢN PHẨM
Trường Cao đẳng Công nghiệp Cao su Bình Phước hiện đang đào tạo 4 ngành hệ cao đẳng (khoa học cây trồng, công nghệ hóa, kế toán, công nghệ điện - điện tử) và 8 ngành hệ trung cấp, liên kết các trường đại học ở Thành phố Hồ Chí Minh để mở các lớp đại học hệ vừa làm vừa học, phù hợp cho mọi đối tượng có nhu cầu học tập. Ngoài ra, trường còn liên kết với tổ chức IIG để sinh viên học và thi chứng chỉ quốc tế TOEFT và TOEIC. Từ năm 2007, nhà trường đã đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học đi đôi với giảng dạy. Nhiều đề tài đã được áp dụng vào thực tế đạt hiệu quả cao. Trong hội thi Sáng tạo khoa học - kỹ thuật tỉnh lần I do UBND tỉnh tổ chức, 5 đề tài do giáo viên, sinh viên của trường nghiên cứu đạt các giải cao và vừa được trao giải vào đầu tháng 12-2011 gồm: 1 giải nhất (sản phẩm điều chế sản phẩm White spirit từ nguyên liệu dầu thải, do tác giả Gv. Nguyễn Thế Quân làm chủ nhiệm), 3 giải nhì (Bộ tiết kiệm điện thông minh dùng cho máy lạnh và Điều hòa không khí của tác giả Gv. Nguyễn Hữu Ninh; Điều chế dung dịch phát hiện nhanh kim loại trong nước do tác giả Ths. Trương Thị Hồng làm chủ nhiệm; Điều chế keo dán gỗ bằng xốp phế thải, nhóm tác giả Gv. Hoàng Hải Hiền - Sv. Trần Đình Đại) và 1 giải ba (Tự động điều chỉnh hệ thống điện chiếu sáng khuôn viên, tác giả Gv. Hà Văn Đạo). Kết quả đó thêm một lần khẳng định “thương hiệu” trường Cao đẳng Công nghiệp Cao su trên địa bàn tỉnh.
“Đừng để những ý tưởng của mình mãi nằm trên giấy. Phải luôn tư duy để sáng tạo ra những sản phẩm mà xã hội thật sự cần. Nhà trường luôn khuyến khích và hỗ trợ những ai đem ý tưởng hay của mình ra giúp ích cho xã hội”. Đó là điều mà từ khi thành lập đến nay, ban giám hiệu nhà trường luôn nhắc nhở giáo viên và sinh viên của trường. Điều đó đã giúp cho giáo viên, sinh viên mạnh dạn đề xuất những ý tưởng của mình. Chỉ tính riêng năm 2010, đã có 11 đề tài khoa học, sáng kiến kinh nghiệm của giáo viên, sinh viên được nhà trường đầu tư nghiên cứu. Trong đó, 5 sản phẩm của trường được ban giám khảo hội thi Sáng tạo khoa học - kỹ thuật tỉnh Bình Phước đánh giá rất tốt về tính ứng dụng cao và 1 đề tài được Tập đoàn công nghiệp cao su ứng dụng vào sản xuất.
Một trong những điển hình trong phong trào nghiên cứu khoa học ở trường là thầy Nguyễn Thế Quân (1981), hiện là giảng viên bộ môn Công nghệ hóa tại trường. Trong hội thi sáng tạo kỹ thuật vừa qua, đề tài “Điều chế sản phẩm White spirit từ nguyên liệu dầu thải ở các công ty chế biến mủ cao su” do thầy Quân nghiên cứu đã đoạt giải nhất trong lĩnh vực môi trường. Với phương thức thu gom dầu thải có chất White Spirit từ các công ty chế biến mủ cao su, thầy Quân đã tái chế thành công dung môi độc hại này thành sản phẩm hữu ích, tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng cho các nhà máy chế biến cao su và có thể đưa vào sử dụng trong nhiều mục đích khác nhau.
Em Trần Đình Đại, sinh viên năm 3, khoa Công nghệ hóa cũng là sinh viên có nhiều đam mê sáng tạo. Em là tác giả của sản phẩm “Keo dán gỗ kỵ nước từ xốp phế thải”, được ban giám khảo hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh đánh giá cao và đã được chọn tham dự hội thi sáng tạo kỹ thuật cấp trung ương. Với sản phẩm này, tháng 10 vừa qua em là gương mặt đại diện cho đoàn viên thanh niên toàn tỉnh tham dự Festival “Tuổi trẻ sáng tạo, bảo vệ môi trường” do Trung ương Đoàn tổ chức. Thạc sĩ Hoàng Hải Hiền, giảng viên của trường, người trực tiếp hướng dẫn cho em Đại, nói: “Từ ý tưởng ban đầu do em Đại đưa ra, tôi đã định hướng và theo sát em cho đến ngày hoàn thành sản phẩm. Ở đây giáo viên và ban giám hiệu nhà trường luôn tạo điều kiện đầy đủ cho những sinh viên như Đại được nghiên cứu, sáng tạo”.
Nói về sự thành công của trường, thạc sĩ Lâm Quốc Trình khẳng định: Nền tảng thành công của trường đã được xây dựng và phát triển qua nhiều thế hệ. Nhà trường luôn biết cách phát huy sức sáng tạo của giáo viên, sinh viên, tạo điều kiện để giáo viên, sinh viên nắm bắt cơ hội cho riêng mình. Điều mà không phải nơi nào cũng làm được. Trong thời gian tới, trường vẫn tiếp tục khuyến khích giáo viên, sinh viên tham gia nghiên cứu các đề tài cấp tỉnh, cấp trung ương.
Bảo Ngọc
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065