-Ông có nhận định, đánh giá gì về kinh tế Việt Nam trong năm 2014?
Giáo sư-tiến sỹ Vương Đình Huệ: Qua theo dõi, năm 2014, chúng tôi thấy có một số hiện tượng khá lý thú: các đánh giá của các chuyên gia kinh tế trong nước và báo chí trong nước; của các tổ chức quốc tế là các đối tác phát triển của Việt Nam và của các cơ quan thông tấn báo chí nước ngoài đều nhìn nhận, đánh giá về kinh tế Việt Nam 2014 khá thống nhất, không có mâu thuẫn, tuy mức độ liều lượng có thể khác nhau một chút.
Những điểm tích cực và điểm sáng, theo chúng tôi, cần nhấn mạnh mấy điểm như sau, đó là kinh tế vĩ mô ổn định hơn 2013. Lạm phát thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu của Quốc hội. Trong nhiệm kỳ này, từ 2011 cho tới nay, đây là năm đầu tiên chỉ tiêu tăng trưởng đạt vượt kế hoạch, dự kiến là 5,8% hoặc hơn 5,8% một chút. Thị trường tài chính tiền tệ có ổn định hơn. Quá trình tái cơ cấu nền kinh tế đã đạt được những tiến bộ đáng kể.
Năm 2014, chúng ta đã đẩy mạnh cổ phần hóa và thoái vốn, nhất là sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 15, đó là một điểm nhấn, điểm mấu chốt để giúp cho quá trình cổ phần hóa và thoái vốn được nhanh chóng, bắt nguồn từ đề xuất giữa kỳ, khi kiểm điểm đánh giá hai năm rưỡi thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, trong đó có đề nghị của Ban Kinh tế Trung ương là cần thực hiện nguyên tắc thoái vốn theo giá thị trường. Quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước sẽ giúp phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn, đồng thời thúc đẩy khu vực tư nhân phát triển.
Đối với tái cơ cấu ngân hàng, chúng ta cũng đẩy lùi được nguy cơ đổ vỡ hệ thống, ổn định được thanh khoản, tích cực hỗ trợ vốn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Xử lý nợ xấu cũng đạt được kết quả bước đầu.
Về tái cơ cấu đầu tư công, chúng ta đang triển khai đúng hướng, giảm dần được phân tán, dàn trải, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư tăng lên. Hiệu quả sử dụng vốn tăng lên.
Đấy là những điểm sáng cơ bản của bức tranh kinh tế xã hội nước ta năm 2014. Các hãng đánh giá tín nhiệm trong năm vừa rồi có nâng xếp hạng tín nhiệm đối với Việt Nam, Moody’s nâng xếp hạng tín nghiệm Việt Nam từ mức B2 lên B1 cùng với đánh giá triển vọng và ổn định. Fitch Ratings đã nâng tín nhiệm nợ, nội tệ và ngoại tệ dài hạn của Việt Nam từ mức B+ lên BB- và kèm theo triển vọng tích cực.
Tuy nhiên, những khó khăn thách thức đối với kinh tế của 2014 sẽ tiếp tục diễn ra trong 2015. Qua tổng hợp chúng tôi thấy có một số vấn đề sau: Thứ nhất, một số cân đối vĩ mô còn khó khăn, thiếu vững chắc. Thứ hai, tốc độ tăng trưởng chưa cân xứng với tiềm năng, do nhu cầu nội địa phục hồi chậm. Thứ ba, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn.
Khó khăn thách thức nữa là nợ công cao, áp lực trả nợ ngân sách lớn; nợ xấu còn cao và xử lý nợ xấu còn chậm. Diễn biến giá dầu thế giới giảm sâu và kéo dài có thể sang cả năm 2015, bên cạnh việc tạo hiệu ứng lan tỏa kinh tế khi giá dầu giảm cần phải tính toán chi tiết cấp độ ảnh hưởng để có phương án bù đắp nguồn thu đi đôi với rà soát, kiểm soát chi tiêu. Đây là điểm mà chúng ta phải thận trọng, không thể chủ quan.
-Xin ông cho biết những kết quả nổi bật mà Ban Kinh tế Trung ương đã triển khai trong năm 2014 để thực hiện chức năng là cơ quan tham mưu của Ban Chấp hành Trung ương về các chủ trương, chính sách lớn thuộc lĩnh vực kinh tế?
Giáo sư-tiến sỹ Vương Đình Huệ: Thực hiện chức năng là cơ quan tham mưu của Ban Chấp hành Trung ương mà trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư về các chủ trương, chính sách lớn thuộc lĩnh vực kinh tế-xã hội, trong năm vừa qua, Ban Kinh tế Trung ương tập trung vào 5 việc lớn, đến giờ đã cơ bản hoàn thành.
Thứ nhất, tập trung cho tổng kết 30 năm đổi mới về lĩnh vực kinh tế bao gồm hai vấn đề về công nghiệp hóa-hiện đại hóa và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Việc này, Ban Kinh tế Trung ương đã huy động ba bộ (Kế hoạch Đầu tư, Tài chính, Công Thương), ba trường đại học (Đại học kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học kinh tế quốc dân và Đại học kinh tế của Đại học Quốc gia Hà Nội) tham gia tổng kết. Quá trình tổng kết này đã hoàn thành và được đánh giá cao.
Thứ hai, Ban Kinh tế Trung ương là cơ quan được Bộ Chính trị giao chủ trì sơ kết về Nghị quyết Trung ương 6 (Khóa X) về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong thời gian rất ngắn, được sự phối hợp của 18 bộ, ngành, các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương, Ban đã tiến hành khảo sát, tổng hợp, tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm và đã hoàn thành sơ kết đúng thời hạn. Tháng 9/2014, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận 103 tiếp tục thực hiện Nghị quyết này.
Thứ ba, tập trung xây dựng báo cáo tổng thể về tình hình và kết quả tái cơ cấu nền kinh tế và gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng giai đoạn 2011-2014, đề xuất chính sách đối với Việt Nam trong giai đoạn tới. Việc này cũng góp phần quan trọng trong quá trình xây dựng Văn kiện Đại hội XII của Đảng.
Thứ tư, tập trung nghiên cứu các luận cứ khoa học và thực tiễn để đề xuất xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2016-2020. Hoạt động này, Ban cũng phối hợp với rất nhiều các cơ quan khác nhau, trong đó có cả cơ quan nghiên cứu của Úc để xây dựng. Riêng kịch bản tăng trưởng, Ban đã giao cho ba đơn vị có hệ thống phân tích, đánh giá rất tổng quát để đưa ra ba nghiên cứu độc lập, chắt lọc làm sao đó mà chọn tốc độ tăng trưởng GDP trong 5 năm tới cho phù hợp.
Thứ năm, tập trung tham mưu cho Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị vai trò là thành viên của Tiểu ban Văn kiện và Tiểu ban kinh tế-xã hội của Đại hội Đảng lần thứ XII.
Đó là việc lớn, ngoài ra, Ban Kinh tế Trung ương đã tham gia hướng dẫn, kiểm tra giám sát các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, cơ chế chính sách lớn và các chương trình phát triển kinh tế xã hội, thẩm định các báo cáo, đề án kinh tế xã hội trước khi trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương.
-Ông có nhận định gì về tình hình và xu hướng phát triển kinh tế-xã hội trong năm 2015. Những nhiệm vụ công tác trong tâm của Ban trong năm tới là gì?
Giáo sư-tiến sỹ Vương Đình Huệ: Chúng tôi nhận định, năm 2015, xu hướng phục hồi kinh tế thế giới tiếp tục sẽ diễn ra, tuy một số nước gặp khó khăn tạm thời.
Năm 2015 là năm cuối nhiệm kỳ, toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị có nỗ lực về đích với mục tiêu đạt kết quả khả quan nhất; là năm sẽ triển khai nhiều hiệp định tự do thương mại. Các sự kiện về hội nhập quốc tế sẽ tạo ra động lực quan trọng đối với tăng trưởng thương mại và đầu tư, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.
Năm 2015 là năm sẽ có nhiều bộ luật, đạo luật liên quan đến kinh doanh, đến môi trường đầu tư được ban hành và có hiệu lực: Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Luật Đầu tư sửa đổi, Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp và một loạt các luật khác; Luật kinh doanh bất động sản, Luật nhà ở, Luật dạy nghề v.v…
Hàng hoạt các luật có liên quan tới thể chế kinh tế thị trường có hiệu lực, các bộ luật này tiếp cận theo hướng tích cực, hiện đại tạo ra môi trường kinh doanh thông thoáng. Tôi nghĩ điều này sẽ tạo ra sức sống mới cho nền kinh tế. Vấn đề còn lại là tổ chức thực hiện, chương trình hành động, tổ chức chỉ đạo quyết liệt để tạo sự chuyển biến tích cực, rõ rệt trong năm 2015.
Năm 2015, Ban Kinh tế Trung ương có hai việc phải tiếp tục triển khai: Thứ nhất là tiếp tục công việc nghiên cứu, tham mưu, đề xuất để tiếp tục hoàn thiện các Văn kiện trình Đại hội Đảng lần thứ XII. Nhiệm vụ thứ hai, Ban Kinh tế Trung ương phải dành quỹ thời gian để tham gia góp ý, thẩm định các báo cáo chính trị của Đại hội Đảng, các tỉnh ủy, thành ủy theo phân công của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Bên cạnh đó, Ban sẽ tập trung nghiên cứu một số vấn đề lớn để tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Như chúng ta đã biết, thể chế hiện nay mới quy định những vấn đề nguyên tắc cho môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư và cho phát triển các loại doanh nghiệp. Do vậy, Ban Kinh tế Trung ương coi năm 2015 là năm doanh nghiệp.
Một trong những chủ đề chính Ban sẽ tập trung nghiên cứu các thể chế, các chính sách để phát triển các loại hình doanh nghiệp từ FDI cho đến doanh nghiệp nhà nước; đi sâu nghiên cứu mô hình tổ chức của cơ quan quản lý chuyên trách đại diện chủ sở hữu của doanh nghiệp nhà nước; nghiên cứu các thể chế, các chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và các doanh nghiệp khởi nghiệp…với mục đích làm sôi động và năng động hơn nền kinh tế.
Ban cũng nghiên cứu những vấn đề định hướng chính sách cho những doanh nghiệp xã hội, xây dựng những thể chế phù hợp cho doanh nghiệp xã hội vừa được quy định trong Luật doanh nghiệp (sửa đổi). Đối với những đơn vị sự nghiệp công, Ban sẽ vẫn tiếp tục nghiên cứu những vấn đề liên quan đến giá, phí, vấn đề chuyển từ phí thành giá; cơ chế tổ chức hoạt động của đơn vị sự nghiệp công trong cải cách, đổi mới.
Một nội dung nữa Ban Kinh tế Trung ương cũng hết sức tập trung, đó là vấn đề thể chế chính sách cho việc phát triển và nâng cao hiệu quả của kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác, nhất là trong nông nghiệp. Đó là những vấn đề liên quan đến một loạt chùm chính sách có liên quan đến doanh nghiệp, rồi cả những vấn đề cải cách thể chế để tăng cường cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh cho doanh nghiệp phát triển.
Ban Kinh tế Trung ương đang tập trung nghiên cứu vấn đề phân công, phân cấp, phân quyền Trung ương, địa phương; các nguyên tắc căn bản để định hướng hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội Trung ương, địa phương; các nguyên tắc, các quan điểm định hướng và giải pháp cho việc phát triển kinh tế vùng, tăng cường liên kết vùng.
Ban Kinh tế Trung ương cũng tập trung nghiên cứu những định hướng chính sách chiến lược cho vấn đề thu hút, quản lý, sử dụng ODA trong giai đoạn mới. Về công nghiệp, Ban đặt trọng tâm nghiên cứu về chính sách công nghiệp quốc gia và thương hiệu công nghiệp quốc gia. Ngoài ra, Ban tập trung thực hiện các đề án lớn về chiến lược phát triển kinh tế, chính sách về biên mậu, thương mại biên giới; nghiên cứu những chính sách thể chế phát triển du lịch với tư cách là ngành kinh tế mũi nhọn…
Nguồn TTXVN
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065