Hình ảnh xe và máy móc của Trung Quốc đang xây dựng trên đảo Gạc Ma - Ảnh internet
Nếu so sánh các bức ảnh chụp nguyên trạng trên biển Đông trong những năm qua, chúng ta cũng thấy rõ xu hướng đang bị thay đổi. Riêng trong năm 2014 đã có sự thay đổi mang tính đột biến và nguyên trạng đã không còn nữa. Đầu năm 2014, những gì được gọi là “nhân tạo” ở bãi đá Gạc Ma, chỉ là một công sự nhà nổi bằng bê tông nhỏ, ở trên đặt một cơ sở thông tin liên lạc, một đơn vị đồn trú và một bến tàu. Nhưng đến thời điểm này, nhà nổi đó đã được bao quanh bởi một hòn đảo nhân tạo có diện tích khoảng 100.000m2 và chỗ rộng nhất lên tới gần 400m. Xung quanh hòn đảo nhân tạo này, Trung Quốc đã xây dựng một đê chắn sóng bằng bê tông. Ngoài ra, còn có bến cảng cho tàu hàng, tàu quân sự và tàu container ở phía tây bắc. Một tòa nhà lớn được nhìn thấy ở phía Tây Nam cùng với các cơ sở khác, bao gồm nhà máy lọc nước biển thành nước ngọt, một nhà máy trộn bê tông và một bãi chứa nhiên liệu. Không chỉ ở bãi đá Gạc Ma, Trung Quốc còn xây dựng trái phép trên 5 bãi ngầm khác nhau ở quần đảo Trường Sa. Họ không ngừng mở rộng diện tích đảo đá Chữ Thập. Loạt ảnh chụp từ vệ tinh đăng trên trang website Digital Globe ngày 16-10-2014 cho thấy diện tích đảo đá Chữ Thập đã lớn hơn rất nhiều so thời điểm cuối tháng 9-2014. Trung Quốc gấp rút xây dựng công trình nhân tạo trên đảo này từ đầu năm 2014, gồm đường băng, sân bay... và dự đoán diện tích đảo đá Chữ Thập sẽ còn mở rộng khoảng 2 lần nữa cho tới khi hoàn tất các công trình.
Thật ra, ngay từ khi chiếm các đảo của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa, Trung Quốc đã tôn tạo, đưa phương tiện ra xây đồn bốt, biến các đảo thành căn cứ quân sự của họ. Ai cũng biết Gạc Ma là địa điểm hiểm yếu, có giá trị chiến lược. Nó rất gần bờ biển và căn cứ quân sự của Việt Nam, gần đường biển mà tàu thuyền Việt Nam vẫn đi để ra Trường Sa. Nếu xây dựng sân bay ở Gạc Ma, Trung Quốc sẽ có một tàu sân bay cố định. Họ đang từng bước hiện thực hóa việc mở rộng các vùng biển bằng việc biến các đảo không có đời sống kinh tế thành có đời sống kinh tế; biến các bãi cạn thành các đảo nổi, mở rộng các căn cứ quân sự. Với âm mưu mở rộng đường cơ sở để mở rộng vùng biển, họ sẽ tạo vùng chồng lấn, biến những vùng không có tranh chấp thành vùng có tranh chấp...
Hoạt động xây dựng trái phép của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng các đảo ở biển Đông là liều lĩnh, trắng trợn và đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC). Chúng ta cần nhớ rằng, tham vọng độc chiếm biển Đông của Trung Quốc đã có từ lâu rồi. Họ cố tình cải tạo các đảo ngầm để từ đó thực hiện yêu sách “đường lưỡi bò” của mình, dù yêu sách này không nằm trong bất cứ nguyên tắc, luật lệ nào. Đây là âm mưu, tính toán lâu dài của Trung Quốc và chắc chắn họ sẽ tìm mọi cách để hiện thực hóa điều này. Đó là nhận định, cũng là sự lo ngại của các nước trong khu vực.
Đức Hồng (tổng hợp)
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065