Dự án thành phố cảng Colombo có khoản vay 1,4 tỷ USD từ Trung Quốc
Thiếu minh bạch
Đối với nhiều nước, hàng tỷ USD từ Trung Quốc là một đóng góp đáng hoan nghênh nhằm giúp nhiều khu vực kém phát triển ở châu Á và châu Phi mở rộng cơ sở hạ tầng. Đối với các nước, những khoản vay từ Bắc Kinh đã khiến một nửa thế giới phải phụ thuộc vào Bắc Kinh về kinh tế và chính trị. Một số người đã mô tả tình huống này là “sự lệ thuộc vì nợ”. Trong khi đó, một nhóm thượng nghị sĩ Mỹ đã viết một lá thư gửi Ngoại trưởng Mike Pompeo vào mùa hè năm 2018 để cảnh báo về việc Trung Quốc đang “nỗ lực biến vốn thành vũ khí”.
Đáng nói, gần như không có mấy thông tin về các khoản vay này. Tài sản của Trung Quốc ở nước ngoài hiện trị giá 6.000 tỷ USD, nhưng ngoài chính phủ ở Bắc Kinh, không ai biết gì nhiều về việc số tiền đó sẽ được đầu tư vào đâu và đi kèm những điều kiện, rủi ro gì. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết vì Trung Quốc không cung cấp toàn bộ sổ sách kế toán cho các tổ chức quốc tế như WB và IMF nên các khoản vay này thiếu sự minh bạch cần thiết.
Tuy nhiên, nghiên cứu do nhóm học giả Đức và Mỹ dưới sự dẫn dắt của giáo sư Đại học Harvard Carmen Reinhart đã giúp có một bức tranh rõ ràng hơn. Christoph Trebesch, đồng tác giả của nghiên cứu đến từ Viện Nghiên cứu kinh tế thế giới tại Kiel (Đức), cho biết những thông tin về thời hạn cho vay, lãi suất, mục đích và tài sản thế chấp của gần 5.000 khoản cho vay và thanh toán viện trợ của Trung Quốc đối với 152 quốc gia đến từ gần chục cơ sở dữ liệu được biên soạn với sự giúp đỡ của các tổ chức viện trợ, các ngân hàng và Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA).
Nguy cơ vỡ nợ
Trung Quốc có xu hướng áp đặt thời hạn ngắn và lãi suất cao cho các khoản vay. Để đảm bảo các khoản cho vay sẽ được thanh toán, các hợp đồng cho vay quy định Bắc Kinh có một số quyền, chẳng hạn như quyền tiếp cận nguồn thực phẩm, nguyên liệu thô hoặc lợi nhuận của các công ty thuộc sở hữu nhà nước ở các nước tiếp nhận.
Ngoài ra, hơn 75% các khoản cho vay dưới dạng viện trợ trực tiếp được cung cấp trong những năm gần đây đều đến từ 2 thể chế tài chính do nhà nước điều hành: Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc và Ngân hàng Phát triển Trung Quốc. Điều đó có nghĩa là chính phủ được báo cáo thường xuyên về mọi giai đoạn của các dự án viện trợ và khi khủng hoảng xảy ra với các nước cho vay, Trung Quốc vẫn có lợi thế để giành lấy tài sản thế chấp trước các chủ nợ khác. Nghiên cứu lưu ý rằng Trung Quốc đã xây dựng một hình thức viện trợ phát triển mới, trong đó các khoản cho vay cấp nhà nước được cung cấp tùy theo các điều kiện thương mại. Điều đó có thể dẫn đến các cuộc xung đột tồi tệ khi các dự án không được tiến hành theo kế hoạch. Như tại Sri Lanka, Trung Quốc có quyền kiểm soát một cảng biển sau khi chính phủ nước này gặp khó khăn trong việc trả nợ. Tại Ecuador, Bắc Kinh nắm giữ 80% doanh thu từ dầu mỏ của nước này để bù đắp cho những phí tổn có liên quan đến một dự án xây đập khổng lồ...
Vì Bắc Kinh có xu hướng tính lãi suất cao, nên nhiều nước mới nổi và đang phát triển phải thực hiện “nghĩa vụ trả nợ gia tăng thường niên”. Điều đó có nghĩa là các khoản thanh toán lãi suất của họ tiếp tục tăng, làm gia tăng nguy cơ vỡ nợ.
Các tác giả của nghiên cứu này lưu ý rằng tình hình hiện nay gợi nhớ đến thời điểm cuối những năm 1970, khi các ngân hàng lớn từ Mỹ, châu Âu và Nhật Bản cung cấp các khoản cho vay trị giá hàng tỷ USD cho các nước Mỹ Latinh và châu Phi vốn giàu hàng hóa. Khi giá của nhiều nguyên liệu thô sụt giảm, các nước như Mexico không thể trả nợ được nữa, và phần lớn các nước đang phát triển đều rơi vào một cuộc khủng hoảng nợ khiến họ bị chững lại trong nhiều năm. Tình hình hiện nay gần như không có gì khác biệt.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065