Các tàu hải quân Trung Quốc trong một cuộc tập trận.
Tập trận ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam
Trong một thông báo ngắn trên website, Cơ quan An toàn hàng hải Trung Quốc cho biết hoạt động trên sẽ diễn ra từ ngày 5 đến 11-7. Tọa độ của các cuộc tập trận bao hàm khu vực từ phía Đông đảo Hải Nam và bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Theo Reuters, trong thời gian trên, các tàu thuyền bị cấm đi vào vùng biển này - cơ quan an toàn hàng hải thông báo mà không nói rõ chi tiết. Cuộc tập trận sẽ diễn ra ngay trước khi PCA dự kiến công bố phán quyết quanh vụ việc Philippines kiện tuyên bố chủ quyền cái gọi là “đường 9 đoạn” của Trung Quốc ở biển Đông vào ngày 12-7.
Thời gian gần đây, Bắc Kinh thường xuyên tổ chức tập trận ở biển Đông như một cách tuyên bố ngầm chủ quyền của họ tại những khu vực tranh chấp với các nước láng giềng. Hồi tháng 5 vừa qua, Hạm đội Nam Hải thuộc hải quân Trung Quốc đã phối hợp với đơn vị quân đồn trú trái phép tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam để tổ chức một cuộc diễn tập thực binh phi pháp tại vùng biển này. Trang mạng Sina đưa tin, 6 tàu của Hạm đội Nam Hải cùng máy bay trực thăng đã tiến hành các khoa mục diễn tập như theo dõi, tiếp cận mục tiêu, cảnh cáo, tấn công và áp sát bắt giữ mục tiêu. Sina còn cho biết, biên đội tàu này sau khi kết thúc diễn tập ở Hoàng Sa còn tới quần đảo Trường Sa cũng thuộc chủ quyền Việt Nam để tổ chức các đợt diễn tập trái phép khác như: diễn tập chống ngầm, trinh sát và chống trinh sát, bảo vệ đảo…
Ngoài tập trận, Trung Quốc cũng cho biết nước này sẽ đưa một tàu hạng sang mới vào phục vụ cho các chuyến du lịch tới quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ ngày 15-7. Theo kế hoạch, mỗi tháng con tàu này thực hiện 4 - 6 chuyến du lịch trái phép tới quần đảo Hoàng Sa.
Hành động khiến tình hình biển Đông bất ổn
Trang mạng VOA mới đây đưa ra một số dự đoán về phán quyết của PCA và các khả năng mà Trung Quốc sẽ chọn để ứng phó như: Thứ nhất, chấp nhận chủ trương mơ hồ về “đường 9 đoạn” của Trung Quốc. Thứ hai, không thể phán đoán tất cả các đá nhô lên khỏi mặt nước khi thủy triều xuống, do vậy đều có thể được coi là “đảo”. Thứ ba, quyết định bãi cạn Scarborough và một số đá khác nhô lên khỏi mặt nước khi thủy triều xuống là đá, chứ không phải là đảo, nhưng một số cấu tạo địa chất khá lớn nhô lên khỏi mặt nước khi thủy triều xuống trong quần đảo Trường Sa là đảo. Quyết định này tuy không thể giải quyết hoàn toàn tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông, nhưng lại có thể đưa ra giới hạn rõ ràng hơn đối với các tranh chấp liên quan, đặt cơ sở giải quyết tranh chấp cho các thỏa thuận sau này. Cuối cùng là tất cả kết cấu địa chất ở biển Đông đều là đá, do vậy chỉ có quyền lãnh hải 12 hải lý. Điều này có nghĩa là các nước có thể tự do đánh bắt cá và khai thác ở biển Đông. Giới quan sát cho rằng khả năng PCA đưa ra phán quyết thứ 3 lớn hơn.
Gregory Poling - Giám đốc dự án Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á thuộc chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington, cho rằng, sau khi có kết quả của PCA công bố về biển Đông, Trung Quốc sẽ ứng phó bằng cách bắt đầu công trình bồi đắp đảo nhân tạo ở bãi cạn Scarborough - nơi duy nhất vẫn chưa được khai thác trong số 8 đảo, đá mà Trung Quốc chiếm ở biển Đông; Tuyên bố thiết lập “Vùng nhận dạng phòng không trên biển Đông”.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trong chuyến thăm Mông Cổ vào đầu tháng 6-2016 nói rằng, nếu Trung Quốc thật sự thiết lập Vùng nhận dạng phòng không ở biển Đông sẽ được coi là hành động khiêu khích và khiến tình hình biển Đông bất ổn. Ông Poling bày tỏ, cho dù không có vụ kiện thì việc Bắc Kinh bố trí máy bay chiến đấu ở quần đảo Trường Sa cũng chỉ là chuyện sớm muộn, nhưng rất có thể sẽ lấy vụ kiện biển Đông làm cái cớ để lập tức triển khai máy bay chiến đấu. Ông Kerry nói: “Mặc dù Bắc Kinh tuyên bố sẽ không quân sự hóa ở biển Đông, nhưng Trung Quốc đã xây kho chứa máy bay trên đá Chữ Thập, những nhà kho này đương nhiên không phải để trang trí”.
Nguồn SGGP
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065