>> Chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa
Theo Tống sử, Tông Cảo là sứ giả nhà Tống được phái sang nước ta năm 990, đã báo cáo rằng khi họ đến “hải giới Giao Chỉ” thì vua Lê Đại Hành đã phái 9 chiến thuyền và 300 quân lên đón và dẫn họ đến địa điểm quy định. Trong cuốn Lĩnh ngoại đại đáp (1178), Chu Khứ Phi một viên quan nhà Tống ở Quảng Đông, Quảng Tây đã viết rằng: dòng nước Thiên Phân Giao là định giới giữa biển Giao Chỉ và biển Quỳnh - Liêm (tức vùng biển Quỳnh Châu, Liêm Châu của Trung Quốc). Như vậy là ngay từ thế kỷ thứ 10 và 12, sứ thần Trung Quốc và quan lại của Trung Quốc ngày ấy đã xác định rõ đâu là vùng biển Giao Chỉ (tức Việt Nam), đâu là vùng biển Trung Quốc.
Đảo Hoàng Sa là nơi đặt sở chỉ huy trên toàn quần đảo
Tiếp theo là hành động buộc sứ thần Trung Quốc phải thừa nhận “hải giới” của Việt Nam vào cuối thế kỷ thứ 10, khi nhà Lý thành lập trang Vân Đồn để quản lý vùng biển Đông Bắc. Cụ thể là vào năm 1171, 1172, vua Lý Anh Tông đích thân đi “tuần tra các hải đảo ngoài biển ở địa giới các phiên bang Nam, Bắc, tìm hiểu đường đi, vẽ bản đồ và ghi chép phong vật”. Sau đó, nhà Trần nâng trang Vân Đồn thành trấn Vân Đồn trực thuộc triều đình; nhà Lê đặt tuần kiểm ở các cửa biển để quản lý biển, thu thuế các tàu thuyền nước ngoài. Do vậy, chủ quyền Việt Nam trên các đảo vùng biển Đông Bắc được xác lập từ rất sớm.
từ thời chính quyền Sài Gòn - (Theo Hoangsa.org)
Trong khi Việt Nam thụ đắc hòa bình và quản lý liên tục Biển Đông trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thì suốt 22 thế kỷ, từ các đời Tần Thủy Hoàng, Hán Vũ Đế, Tống Thần Công, Minh Thành Tổ đến giữa thế kỷ thứ XX (1951), tài liệu chính sử Trung Quốc đã chưa bao giờ cho thấy chủ quyền của họ đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (mà họ gọi là Tây Sa và Nam Sa) trên Biển Đông của Việt Nam. Cho đến cuối thế kỷ XIX, tài liệu chính sử ghi chép lại cho thấy Trung Quốc vẫn không coi hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ của họ. Điều này được ghi nhận bởi các sự kiện liên quan đến 2 tàu La Bellona và Imeji Maru vận chuyển đồng dưới sự bảo hiểm của các công ty Anh quốc. Hai tàu này bị chìm trong khu vực quần đảo Hoàng Sa (Paracels), trong các năm 1895 và 1896. Các ngư dân Trung Quốc đã thu nhặt đồng từ xác tàu chìm và đem đi bán cho các thương nhân ở đảo Hải Nam. Các công ty bảo hiểm của hai con tàu đã phản đối với Chính phủ Trung Quốc, đòi Trung Quốc phải chịu trách nhiệm. Khâm sai Quảng Đông lúc đó đã trả lời Công sứ Anh tại Bắc Kinh rằng: “Paracels là những hòn đảo vô chủ…, về mặt hành chính chúng không nằm trong địa phận của quận huyện nào ở Hải Nam và cũng không có cơ quan đặc trách nào lo việc cảnh sát ở đó cả” (Eveil economique de l’Indochine, no.741). Trước những sự thật lịch sử hiển nhiên như vậy, Trung Quốc vẫn mạo nhận rằng họ đã chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa từ thế kỷ thứ XV trong chuyến đi thứ tư của Trịnh Hòa năm 1413. Tuy nhiên, trong các sách sử chính thức của Trung Quốc ghi chép về những chuyến hải hành phái bộ Trịnh Hòa không phải để chinh phục vùng Biển Đông (mà còn gọi là Biển Hoa Nam) nơi có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đoàn thuyền của phái bộ này chỉ đi ngang qua Biển Đông hướng về An Độ Dương, không hề ghé lại các đảo hay quần đảo nào của Việt Nam.
Đảo Trường Sa lớn trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam
Năm 1951, tại Hội nghị San Francisco (Hoa Kỳ) có một đề nghị bổ sung bản dự thảo Hòa ước yêu cầu trao trả cho Trung Quốc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nhưng Hội nghị đã có Nghị quyết bác bỏ đề nghị này với số phiếu áp đảo là 46 phiếu thuận, 3 phiếu chống, 1 phiếu trắng. Cũng tại Hội nghị này, Ngoại trưởng Trần Văn Hữu dẫn đầu phái đoàn Chính phủ Công hòa Việt Nam đã tuyên bố khẳng định chủ quyền lâu đời của người Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà không gặp phải sự phản đối hay bảo lưu của nước nào.
- (Theo Vietnam.vn)
Nắm 1956, khi Pháp rút khỏi Đông Dương, Trung Quốc đã bí mật chiếm đóng trái phép nhóm đảo phía Đông của quần đảo Hoàng Sa. Cùng năm đó Đài Loan chiếm đóng đảo Ba Đình thuộc quần đảo Trường Sa. Năm 1974, Trung Quốc dùng không quân, hải quân chiếm luôn phần phía Tây của quần đảo Hoàng Sa. Năm 1975, Hải quân Quân Đội Nhân Dân Việt Nam tiếp quản đầy đủ các đảo trên Biển Đông. Nhà nước Việt Nam thống nhất sau đó tiếp tục khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, ban hành nhiều văn bản hành chính nhà nước thành lập các huyện đảo Hoàng Sa và huyện đảo Trường Sa cũng như hoàn thiện việc quản lý hành chính trên các quần đảo này. Một sự thật hiển nhiên là cho đến năm 1988 chưa hề có bất cứ sự hiện diện nào của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa. Ngày 14-3-1988, Trung Quốc bắt đầu dùng vũ lực chiếm đóng trái phép một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Hiện nay, Trung Quốc nêu yêu sách chủ quyền và chiếm đóng toàn bộ quần đảo Hoàng Sa. Công ước Luật Biển 1982 quy định: mọi sự tùy tiện chiếm cứ của nước ngoài dù có bằng vũ lực hay không đều bất hợp pháp và vô hiệu lực. Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền lâu đời và liên tục của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Phát biểu trả lời báo chí ngày 25-7-2011, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định: “Chủ quyền biển đảo là thiêng liêng, bất khả xâm phạm… Cơ sở lịch sử pháp lý và quyền chiếm hữu khai thác, sử dụng về mặt thực tế là 3 mặt của vấn đề để xác định chủ quyền biển đảo”. Việt Nam quyết tâm bảo vệ vững chắc đột lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Đào Trung
(Tổng hợp từ nhiều nguồn tư liệu lịch sử)
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065