Điều 12 trong Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi là những quy định về sở hữu đất đai. Theo đó, Khoản 1 của điều này có nội dung như sau: 1. Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu. Theo ý kiến của cá nhân tôi thì quy định như trên là là chưa phù hợp, chưa chính xác về mặt ngữ nghĩa và chưa bao hàm được trách nhiệm quản lý đát đai của nhà nước và nghĩa vụ của người dân trong việc sử dụng đất. Vì vậy, tôi đề nghị ở khoản này cần bổ sung từ “của” vào ngay sau cụm từ “sở hữu”. Đồng thời, bỏ cụm từ “đại diện chủ sở hữu” và thay vào đó bằng nội dung sau: …do Nhà nước thống nhất quản lý. Mọi người dân khi sử dụng đất phải đăng ký và thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật. Như vậy, Khoản 1, Điều 12 sẽ được viết lại như sau: Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý. Mọi người dân khi sử dụng đất phải đăng ký và thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật.
Điều 17 trong Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi là những quy định về việc Nhà nước định giá đất. Điều này có hai khoản, với nội dung như sau: 1. Quy định nguyên tắc, phương pháp định giá đất. 2. Ban hành khung giá đất, bảng giá đất và quyết định giá đất cụ thể. Theo tôi, nếu quy định như trên thì rất chung chung, không cụ thể nên rất khó thực hiện. Vì vậy, tôi đề xuất là Nhà nước chỉ nên định giá đất để tính thuế hoặc cho thuê hay định giá thu tiền sử dụng đất khi tổ chức, cá nhân được giao đất hoặc chuyển mục đích sử dụng đất còn khi nhà nước trưng mua đất hay có sự chuyển nhượng đất đai giữa các hộ cá nhân được phép theo quy định của pháp luật nên để tuân theo quy luật cung cầu của thị trường.
Vì, thứ nhất là trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có quy định rằng đất đai là sở hữu toàn dân, Nhà nước đại diện cho chủ sở hữu. Điếu này có nghĩa là Nhà nước thay mặt người dân thực hiện các quyền về quản lý và sử dụng đất nhằm bảo đảm đúng luật pháp, đúng mục đích, có hiệu quả và bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất. Tuy nhiện, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, Nhà nước cần có cơ chế điều hòa các lợi ích của Nhà nước, của tập thể và của người dân, nhưng trọng tâm là lợi ích của người dân. Mặt khác, dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã khẳng định Nhà nước bảo hộ quyền sử dụng đất như quyền tài sản (trong đó có các quyền cho, tặng, chuyển nhượng và định giá, đặc biệt là quyền định giá). Đồng thời, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 cũng đã đề cao quyền công dân. Do đó, Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi cũng cần bảo đảm các quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất, nhất là trong khâu định giá đất khi Nhà nước trưng mua, trưng dụng đất. Cụ thể trong Luật Đất đai sửa đổi 2013: không sử dụng cụm từ “thu hồi đất” thay bằng cụm từ “trưng mua hay trưng dụng đất” đối với người sử dụng đất hợp pháp.
Ở Điều 125 trong Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi là những quy định về hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân. Điều này có hai khoản, với nội dung cụ thể như sau: 1. Hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân không quá mười (10) lần hạn mức giao đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân đối với mỗi loại đất quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 124 của luật này. 2. Chính phủ quy định hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân phù hợp với điều kiện cụ thể theo từng vùng và từng thời kỳ. Như vậy, mặc dù tại Điều 125 của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã quy định “Hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình cá nhân không quá mười (10) lần hạn mức giao đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân quy định tại Điều 124 của dự thảo luật này”, song quy định trên đã nhanh chóng bị lạc hậu, vì hiện nay, ở khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước đã và đang xuất hiện nhiều trang trại có diện tích rất lớn từ 500ha trở lên. Do đó,việc nâng hạn mức giao đất nông nghiệp sẽ bảo đảm tốt hơn quyền lợi của hộ gia đình nông dân khi họ chuyển nhượng hoặc góp vốn vào một doanh nghiệp trong nông nghiệp, nông thôn, đồng thời thúc đẩy nhanh hơn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Bên cạnh đó, để phù hợp với trình độ phát triển của sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn ở nước ta hiện nay, theo tôi thì trong dự thảo luật nên điều chỉnh hạn mức giao đất nông nghiệp lên cao hơn, có thể gấp 2 đến 3 lần so với quy định hiện hành. Bởi lẽ, thực tiễn những năm gần đây cho thấy, hạn mức giao đất nông nghiệp thấp đã hạn chế tới sự hình thành các vùng nguyên liệu chuyên canh, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp, nông thôn.
Trọng Đức
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065