Từ làm thuê
Theo mặt bằng chung của tỉnh, Bù Đốp vẫn là huyện biên giới nghèo. Toàn huyện hiện có 9.994 hộ dân, 2.356 hộ là đồng bào DTTS, trong đó 1.195 hộ nghèo, 1.167 hộ cận nghèo. Riêng đồng bào DTTS có 403 hộ nghèo và 321 hộ cận nghèo. Vì thế, tập trung phát triển kinh tế cho đồng bào DTTS luôn được Đảng, Nhà nước và lãnh đạo các cấp, hệ thống chính trị trong tỉnh đặc biệt quan tâm.
Trong số những chính sách góp phần thay đổi diện mạo vùng đồng bào DTTS ở Bù Đốp phải kể đến việc thu hút công nhân DTTS ở Trung đoàn 717. Nhiều hộ từ chỉ biết làm thuê, cơm không đủ no, áo không đủ ấm, ở trong những căn nhà tranh tre tạm bợ giờ đã làm chủ cuộc sống với “cơm no, áo ấm”, đời sống văn hóa tinh thần phong phú hơn.
Trung đoàn 717, Bình đoàn 16 tặng nhà “Mái ấm công đoàn - nghĩa tình đồng đội” cho gia đình anh Điểu Mi
Anh Điểu Khắc Hổ (1986) làm công nhân Trung đoàn 717 nay tròn 10 năm. Hiện anh đã lập gia đình, được ở nhà xây, thu nhập ổn định. Anh kể: “Cũng như nhiều người S’tiêng ở xã Thiện Hưng (Bù Đốp) trước đây, tôi chỉ biết vào rừng đốn củi, bẻ măng bán hoặc đi làm thuê nên cuộc sống rất bấp bênh. Hầu hết đồng bào DTTS khi đó đều nghèo, chỉ ở nhà tranh tre thôi. Nhưng từ khi được vào làm công nhân hoặc nhận khoán chăm sóc vườn cây đa số họ đã thoát nghèo. Vào làm công nhân, tôi còn hạnh phúc khi cùng Điểu Thị Chinh nên duyên vợ chồng, thu nhập bình quân hơn 10 triệu đồng mỗi tháng. Chúng tôi đã xây được nhà, cùng lo cho các con ăn học. Trung đoàn đẩy mạnh phong trào học tập và làm theo Bác, vợ chồng tôi đã biết cách tiết kiệm hợp lý để phát triển kinh tế. Học và làm theo Bác, tôi còn hiểu phải tích cực bảo vệ rừng”.
Đến làm chủ cuộc sống
Ngượng nghịu kéo tay áo lau mồ hôi trên má, Điểu Thị Mai Liên (1991) cười: “Mỗi lần kể về việc mình được vào Trung đoàn 717 làm việc và từng ngày thay đổi cuộc sống em đều không nén được xúc động. Em từng phải đi làm thuê, bữa đói bữa no, lại không được ai chỉ dạy nên tính cách rất ngang ngược. Những góp ý về việc làm chưa đúng em lại càng phản ứng mạnh. Nhưng nhiều chị vẫn quan tâm, kiên trì chỉ cho em thấy điều hay lẽ phải. Các chị lồng ghép câu chuyện về Bác vào việc giáo dục nhẹ nhàng nên dần dần em đã hiểu ra. Giờ thì em rất quý các chị đồng nghiệp trong tổ sản xuất và xem như ruột thịt. Em thật may mắn khi được vào làm công nhân ở đây”.
Cán bộ Trung đoàn 717 hướng dẫn đồng bào dân tộc thiểu số cách chăm sóc tiêu
Được vay vốn từ quỹ “Góp vốn xoay vòng” của Hội Phụ nữ Trung đoàn 717 để phát triển kinh tế gia đình nên ngoài giờ làm trên lô cao su, Mai Liên có điều kiện chăm sóc 6 sào tiêu để tăng thêm thu nhập. Cũng như anh Hổ, Mai Liên đã gặp được “một nửa” của mình ở đây và cùng nhau vun vén hạnh phúc. Giờ Mai Liên và chàng trai người Kinh Trần Ngọc Phong (1989) đã có thể yên tâm gửi 2 con cho ông bà ngoại chăm sóc để chú tâm làm việc và tăng gia sản xuất...
Mai Liên cho biết thêm: “Chúng em còn học Bác về tinh thần đoàn kết. Khi công nhân nào bệnh thì chị em khác “choàng” giúp việc. Nhờ đó, chúng em luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của đội sản xuất, tình nghĩa chị em càng khăng khít, gắn bó hơn”.
Và những dự định tươi sáng
Anh Lâm Quốc Hoàng (1977), đảng viên người DTTS đầu tiên ở Đội sản xuất 1, Trung đoàn 717, vừa được tín nhiệm bầu giữ chức Đội phó đội 1. Là người gắn bó với vườn cây từ những ngày đầu, giờ có cuộc sống ấm no và là đảng viên anh Hoàng càng tích cực, gương mẫu hơn.
Anh Hoàng nói: “Trình độ của đa số công nhân DTTS thấp nên việc lựa chọn người giới thiệu đứng vào hàng ngũ của Đảng không dễ. Tuy nhiên, với trách nhiệm của mình, tôi luôn theo dõi, động viên công nhân, gương mẫu học tập và làm theo phong cách, đạo đức của Bác. Nhiều quần chúng ưu tú như các chị Lợi, Huyền, Mai Liên, Lành, anh Hổ... đang được đội theo dõi để giới thiệu học lớp cảm tình Đảng, tạo nguồn cho Đảng”.
Đến nay, 410 công nhân và gia đình nhận khoán ở trung đoàn đều có mức sống trung bình trở lên, không có hộ nghèo. Thu nhập bình quân hơn 5 triệu đồng/tháng/người và cuối năm còn được thưởng từ 1 đến 4, 5 tháng lương nên trong công nhân DTTS đã xuất hiện nhiều hộ khá, giàu, tiêu biểu như anh Lâm Quốc Hoàng; các chị Điểu Thị Huyền, Lâm Thị Ngọc Lợi, Điểu Thị Nhện... Ngày hôm nay, lãnh đạo Trung đoàn 717 tặng 100 con dê cho hộ công nhân DTTS tại đơn vị, tạo điều kiện tăng thu nhập. |
Khi đời sống dần khá, 100% con em công nhân đều được đến trường. Không ít trong số đó có thành tích học tập xuất sắc nhiều năm được Trung đoàn 717 biểu dương như hộ các chị Điểu Thị Lực, Điểu Thị Đình, Điểu Thị Le... Số con em đạt thành tích học sinh tiên tiến không thể kể hết... Em Điểu Thị Thúy, lớp 7A1, Trường THCS Bù Đốp cũng như nhiều bạn khác thường tranh thủ phụ mẹ trút mủ cao su. Thúy giãi bày, việc đi làm phụ mẹ không ảnh hưởng đến việc học. Năm nào em cũng đạt học sinh tiên tiến. Em được cô giáo dạy giúp đỡ cha mẹ tùy theo sức của mình. Nếu bận học không phụ mẹ trên lô cao su thì Thúy lại tranh thủ cắt lá cây cho 4 con dê ăn...
Anh Phan Tiến Sỹ, Đội trưởng đội sản xuất 1 nhận xét: “Những năm đầu, công nhân DTTS theo phong tục tập quán lạc hậu, lối sống tự do nên chấp hành nội quy kém, quản lý họ còn khó khăn. Nhưng bản chất của người DTTS chất phác, chịu khó nên cán bộ thường khéo léo lồng ghép vào những mẩu chuyện kể về học và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách của Bác trong các cuộc họp để công nhân dễ hiểu, dễ thực hiện. Nội dung học Bác cũng gần gũi như tình đoàn kết, tính gương mẫu, quản lý tốt sản phẩm vườn cây, bảo vệ tài sản trong đơn vị. Bên cạnh đó là thực hiện tốt các chính sách phát triển kinh tế, an sinh xã hội, nhiều hộ nghèo được tặng bò, dê giống... nên từng bước tác động, nâng cao nhận thức trong công nhân. Hiện đời sống đổi thay, tạo được niềm tin nên công nhân DTTS làm việc rất tích cực, chấp hành kỷ luật tốt”.
Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực và mang lại kết quả từ vật chất đến tinh thần vô cùng to lớn, việc học và làm theo Bác ở Trung đoàn 717 đã, đang đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho công nhân DTTS, góp phần củng cố tình đoàn kết quân dân.
Ngọc Tú
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065