TỪ GIAN KHÓ ĐẾN THÀNH CÔNG
Là một trong 28 cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên (CB, CS, CNV) đầu tiên của trung đoàn hành quân từ Gia Lai về Bình Phước nhận nhiệm vụ, đại úy Trần Văn Biên, Đội trưởng đội 3 chia sẻ: Thời gian đầu về vùng đất mới vô cùng vất vả. Cơ sở vật chất chưa có, anh em phải ở nhờ nhà dân để vừa ổn định tổ chức vừa sắp xếp công việc. Lúc đó, Thiện Hưng (Bù Đốp) là một xã điểm nóng về an ninh trật tự, không có điện, đường giao thông chỉ là những đường mòn nhỏ, lầy lội. Tuy vậy, chúng tôi vẫn kiên trì bám địa bàn, tìm hiểu đời sống, phong tục tập quán để vừa học hỏi vừa giúp người dân, tạo mối quan hệ gắn kết giữa đơn vị với địa phương. Khó khăn nhất là số lao động hiểu biết về cây cao su rất ít, nhất là số lao động người dân tộc thiểu số (DTTS). Chúng tôi phải cùng ăn, cùng ở và cầm tay chỉ việc, bà con mới dần quen việc.
Công nhân đội 3 trong giờ giao mủ
Đến nay, trung đoàn đã giao khoán chăm sóc, khai thác 1.200 ha cao su cho 431 hộ dân, trong đó có 217 hộ đồng bào DTTS; giải quyết việc làm, đào tạo nghề khai thác mủ cho trên 1.000 lao động và tạo việc làm ổn định cho 1.255 người. Người lao động chủ động trồng xen các loại cây ngắn ngày, chăn nuôi, tăng gia sản xuất nâng cao thu nhập, đời sống, mức thu nhập bình quân 6-6,5 triệu đồng/người/tháng. Bệnh xá quân dân y với quy mô 12 giường bệnh bảo đảm khám chữa bệnh ở tuyến cơ sở; làm tốt công tác vệ sinh phòng dịch, khám chữa bệnh bảo hiểm y tế và chăm sóc sức khỏe CB, CS và nhân dân trong vùng dự án.
Đội 1 có số CB, CS, CNV và người lao động (NLĐ) đông nhất -177 người và diện tích vườn cây lớn nhất - 365 ha. Hầu hết các gia đình trong đội đều có mức sống khá, giàu. Riêng 55 hộ đồng bào Xêtiêng đã xóa được nghèo khi nhận khoán vườn cây và có nhiều hộ vươn lên khá giả.
Chủ nhiệm chính trị Trung đoàn Vũ Văn Định cho biết: Trung đoàn đã chủ động lồng ghép các mục tiêu của khu kinh tế - quốc phòng với phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Trong đó, chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng cùng các chương trình dự án xóa đói giảm nghèo, sắp xếp ổn định dân cư tại chỗ và lao động từ các tỉnh phía Bắc vào. Đơn vị còn tuyên truyền vận động người dân, nhất là đồng bào DTTS hiểu rõ mục đích dự án, tự nguyện bàn giao đất để đơn vị thực hiện nhiệm vụ. Chúng tôi còn vận động người dân nhận khoán trồng, chăm sóc, khai thác vườn cây lâu dài với đơn vị và hướng dẫn, tập huấn đồng bào kỹ thuật trồng, chăm sóc, khai thác cao su, trồng xen các loại cây lương thực để bảo đảm cuộc sống.
THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN VÙNG BIÊN
15 năm qua, đơn vị đã làm mới trên 30km đường giao thông nội vùng, đường liên thôn, liên xã, cầu cống; 20km đường điện, cầu cống nối liền giữa các đội sản xuất và các thôn, ấp trong vùng dự án. Trung đoàn còn quy hoạch, sắp xếp ổn định 11 cụm dân cư dọc biên giới; bố trí đất ở, đất sản xuất cho 450 hộ gia đình CB, CNV và NLĐ, hộ dân xâm canh, hộ đồng bào không có đất ở; xây dựng 7 nhà trẻ, 1 nhà sinh hoạt cộng đồng, 4 phòng học tặng địa phương; làm 73 căn nhà tình nghĩa, tình thương, trị giá trên 3 tỷ đồng tặng nhân dân vùng dự án... Thực hiện phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, từ nguồn đóng góp của CB, CS, CNV và NLĐ, trung đoàn đã xây tặng 2 căn nhà đại đoàn kết cho 2 hộ ở xã Thiện Hưng trị giá 80 triệu đồng và ủng hộ vật chất làm nhà văn hóa, trị giá trên 30 triệu đồng.
Tháng 5-1999, 28 CB, CS, CNV đầu tiên của Trung đoàn 717 (Binh đoàn 16) hành quân từ Binh đoàn 15 về thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn 8 xã thuộc 2 huyện Lộc Ninh và Bù Đốp. Trung đoàn đã khai hoang và trồng được 2.487 ha cao su. Từ năm 2007 đến nay, trung đoàn đưa vào khai thác 2.225 ha với sản lượng mủ quy khô trung bình đạt 1,3 tấn/ha. Lợi nhuận từ năm 2009-2013 đạt bình quân gần 21 tỷ đồng/năm. Nhà máy chế biến mủ với công suất 5.000 tấn mủ cốm/năm đã tạo việc làm và tiêu thụ sản phẩm cho nhân dân trong vùng dự án.
|
Ông Điểu Phong ở khu định cư ấp Tân Phong, xã Tân Thành (Bù Đốp) cho biết: “Gia đình tôi là một trong 15 hộ phải di dời để lấy đất xây dựng lòng hồ thủy điện Cần Đơn. Năm 2001, chúng tôi được trung đoàn đưa về đây và được hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, xây dựng nhà ở, dạy nghề và nhận vào làm công nhân cạo mủ. Hiện vợ chồng tôi đều là thợ cạo của đội 3 với mức thu 5-6 triệu đồng/tháng/người, chưa tính thu nhập từ kinh tế hộ. Chúng tôi chỉ mong được gắn bó lâu dài với đơn vị”.
Khu định cư ấp Bù Tam, xã Hưng Phước (Bù Đốp) hiện có 24 hộ đồng bào Xêtiêng và Khơme sinh sống. Đây là những đối tượng phải di dời để xây dựng vùng dự án của trung đoàn. Mỗi hộ được cấp gần 600m2 đất và xây dựng nhà ở, đồng thời được nhận từ 1 đến 2 lao động vào làm công nhân. Hiện đời sống đồng bào trong khu đã ổn định.
Từ thực tiễn công việc, thiếu tá Vũ Văn Định cho rằng: Muốn thực hiện tốt nhiệm vụ phải gắn kết với cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng trên địa bàn đóng quân. Đồng thời xây dựng các khu dân cư thành khu vực phòng thủ vững chắc, không để kẻ địch lợi dụng gây rối; nắm chắc tình hình, ngăn chặn kịp thời âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch... Đội ngũ cán bộ, đảng viên phải “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” trước nhiệm vụ được giao.
Lâm Phương
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065