Bà Rosalia Sciortino cho biết, nghệ thuật tranh kính bắt nguồn từ châu Âu, du nhập vào Indonesia đầu thế kỷ 20 cùng với người Hà Lan và phát triển cực thịnh tại đây trong những năm 30. Indonesia là đất nước có loại tranh kính phong phú nhất. Để tạo nên một tác phẩm trên kính, người ta vẽ ngược với quy trình thông thường, nét vẽ đầu tiên chính là nét cuối cùng của tranh trên giấy hay vải.
Tranh kính Indonesia lấy cảm hứng từ nhiều chủ đề trong cuộc sống hằng ngày, nghệ thuật dân gian, nghi lễ và lễ hội, Hồi giáo và lịch sử Indonesia, 2 sử thi Mahabharata, Ramayana và huyền thoại, với hình thức nhân vật gần với sân khấu rối và những anh hề. Có rất nhiều phong cách vẽ tranh kính khác nhau, tùy thuộc vào các vùng địa lý của Indonesia.
Ở Indonesia, một số cơ quan, đơn vị sở hữu một vài bức tranh kính nhưng chưa có trưng bày cụ thể. Tranh kính ngày càng ít đi, nghệ nhân vẽ tranh kính cũng ít hơn nên hiện nay một phần bộ sưu tập được trưng bày ở nước ngoài sẽ giúp công chúng hiểu hơn về loại hình nghệ thuật này.
Hiện tại trên thế giới còn nhiều nước có loại tranh kính như ở châu Âu, châu Phi, châu Á. Ở Việt Nam, tại một số tỉnh như Sóc Trăng, Bình Dương cũng có tranh kính nhưng chủ đề thường chỉ liên quan đến tôn giáo, thờ cúng tổ tiên.
Ông O’ong Maryono và bà Rosalia Sciortino sưu tầm những bức tranh kính đầu tiên năm 1986, tại Yogyakarta và năm 1989, tại Magelang, Trung Java. Phần lớn các bức tranh kính trong bộ sưu tập của gia đình được ông bà sưu tầm từ 1993 đến 2001 khi họ ở Indonesia, có dịp tới thăm nhiều làng mạc và tìm thấy nhiều bức tranh kính cổ. Năm 2006, gia đình ông O’ong Maryono và bà Rosalia Sciortino đã tặng Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam gần 70 bức tranh kính.
Bộ sưu tập trao tặng cho Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam được sắp xếp trưng bày theo 5 chủ đề gồm: lịch sử Java, Sử thi, các anh hề, Punakawan, hồi giáo ở Indonesia và cuộc sống thường ngày.
Những bức tranh với màu sắc tươi sáng phản ánh sinh động lịch sử, văn hóa và xã hội Indonesia. Những câu chuyện được thể hiện trong tranh còn cho thấy một số nét tương đồng với văn hóa Việt Nam thông qua các đề tài về truyện cổ tích, ca ngợi các nhân vật và anh hùng lịch sử, tính hài hước, châm biếm của các anh hề…
Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam Võ Quang Trọng nhấn mạnh: Trưng bày tranh kính Indonesia tiếp nối trưng bày về văn hóa các dân tộc ở Đông Nam Á nhằm mang đến cho công chúng hiểu biết đa dạng về những người bạn láng giềng trong khu vực, là đóng góp tích cực của Bảo tàng vào quá trình xây dựng Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN vào năm 2015. Việc tổ chức trưng bày tranh kính Indonesia tại Bảo tàng cũng thể hiện sự tôn vinh đối với những người hiến tặng các bộ sưu tập hiện vật.
Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đang tích cực hoàn tất các công việc chuyên môn để cuối năm 2015 tiếp tục trưng bày bộ sưu tập hiện vật Dân tộc học loại hình châu Á do giáo sư người Nhật Bản Kaneko Kazushige và bộ sưu tập Một số nền văn hóa thế giới do giáo sư quốc tịch Pháp Lê Thành Khôi hiến tặng.
Nguồn TTXVN
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065