BP - Trong đời sống văn hóa tinh thần của người S’tiêng, trống không chỉ là nhạc cụ truyền thống đơn thuần mà còn được xem như một vật linh thiêng biểu tượng cho sức mạnh cố kết cộng đồng. Từng hồi trống vang lên, hòa quyện với tiếng cồng, chiêng trầm hùng kết hợp những điệu múa uyển chuyển linh hoạt trong không gian các lễ hội truyền thống như thúc giục lòng người, tạo sự hưng phấn, niềm vui, thôi thúc sự sinh sôi, nảy nở, mùa màng tốt tươi, thóc lúa đầy kho, con cháu đầy nhà. Ngoài ra, trống còn dùng để đuổi chim và các loại động vật phá hoại mùa màng trong sản xuất nông nghiệp.
Già làng Điểu Nắng, người giữ hồn tiếng trống - Ảnh tư liệu
Người S’tiêng thường sử dụng trống cái và trống cổ bồng (guar). Việc chế tác trống thường do người con trai đảm nhận. Điều này phù hợp với quan niệm, đánh giá về vai trò của người đàn ông và phụ nữ trong xã hội truyền thống của người S’tiêng, đàn ông phải biết đan lát, săn bắt, làm nghề mộc, nhạc cụ; phụ nữ giỏi dệt vải...
Để làm được một chiếc trống có âm điệu hay, trầm bổng, người đàn ông S’tiêng phải tính toán, cân nhắc chi tiết, tỉ mỉ từ công đoạn chọn nguyên liệu làm tang trống đến cách căng mặt trống. Đối với trống cái thường chọn những cây gỗ gòn già trên rừng, sau đó phơi khô đục bỏ lõi. Tùy từng kích thước, hình dáng to, nhỏ, người chế tạo tính toán độ dày, mỏng khác nhau để không ảnh hưởng đến âm thanh khi đánh. Tiếp theo căng mặt trống cái, người chế tác thường chọn những con trâu có tuổi thọ thích hợp để lấy da. Da trâu được xử lý bằng cách ép thẳng, giãn đều nhau tạo sự co giãn và được đóng cố định với tang trống bằng các chốt làm từ lồ ô già. Trống cái thường là trung tâm của dàn nhạc dùng để giữ nhịp cho các nhạc cụ trong lễ mừng sinh nhật, lễ đặt tên, đám cưới hay những lễ hội hòa tấu với cồng, chiêng và đàn, sáo.
Trống cổ bồng thường được làm bằng gỗ mít, gỗ dổi to, có kích thước từ 50-60cm. Mặt trống được làm bằng da kỳ đà. Khi biểu diễn nghệ nhân ở tư thế ngồi, dùng một tay giữ trống, tay còn lại vỗ vào mặt trống theo từng nhịp điệu. Ở tư thế di chuyển, trống được đeo vào vai, thường nam giới khỏe mạnh biểu diễn nhạc cụ này. Trống cổ bồng được biểu diễn chủ yếu trong lễ cúng Bà Bóng.
Hiện nay, chỉ còn một vài sóc có nghệ nhân biết chơi nhạc cụ này, tiêu biểu sóc Vườn Bưởi, xã Lộc Thiện và ấp 54, xã Lộc An cùng ở huyện Lộc Ninh; xã An Khương, huyện Hớn Quản. Đây chính là thách thức lớn trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa và là sợi dây vững chắc kết nối giữa các thành viên trong gia đình, dòng tộc, bon sóc vùng đồng bào S’tiêng. Từ đó chúng ta hiểu sâu hơn về đời sống sinh hoạt văn hóa tinh thần, tín ngưỡng, tôn giáo của người S’tiêng.
Đình Tâm
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065