Từ khi đất nước tiến hành công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, đã xuất hiện nhiều tác giả, tác phẩm văn học có giá trị tư tưởng, nghệ thuật cao được ra đời từ những vấn đề bức xúc của đời sống xã hội, những góc khuất trong suy nghĩ và thân phận con người. Đặc biệt, có nhiều tác phẩm đề cập trực diện về sự suy thoái, xuống cấp của đạo đức xã hội, nhân cách con người, có tác dụng cảnh báo ý thức đấu tranh, đẩy lùi cái ác, vun đắp cái thiện, như các tác phẩm: “Mảnh đất lắm người nhiều ma” của Nguyễn Khắc Trường, “Bến không chồng” của Dương Hướng, “Góc trời Tây có cơn mưa đá” của Cao Duy Sơn, “Số phận không định trước” của Nguyễn Khắc Phê, “Mưa đỏ” của Chu Lai,...
Các nghệ sĩ đoàn ca múa nhạc tổng hợp tỉnh biểu diễn nghệ thuật chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ X thành công tốt đẹp - Ảnh: K.B
Cùng với văn học, các tác phẩm nghệ thuật, sân khấu, điện ảnh, truyền hình, âm nhạc, mỹ thuật, múa... cũng đã có nhiều tìm tòi sáng tạo, góp thêm tiếng nói cổ vũ công chúng hướng tới những giá trị đạo đức mới, góp phần tích cực xây dựng nhân cách con người Việt Nam thời kỳ mới, hướng tới chân - thiện - mỹ. Những năm gần đây, khi tình hình biển Đông biến động phức tạp thì Hội Nhà văn Việt Nam đã phát động cuộc thi sáng tác thơ, ca khúc “Đây biển Việt Nam” và đã thu hút lực lượng văn nghệ sĩ lớn nhất từ trước tới nay tham gia, với gần 1.500 tác giả. Sau một giai đoạn mà chất sử thi, chất anh hùng ca lắng xuống thì đến cuộc thi này đã thổi bùng lên ngọn lửa yêu nước mạnh mẽ, cổ vũ ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.
Bên cạnh những thành tựu đạt được thì đời sống văn học, nghệ thuật của nước ta thời gian qua có nhiều biểu hiện rất đáng quan tâm. Đó là không ít tác phẩm mờ nhạt, non yếu về chất lượng tư tưởng và nghệ thuật; thậm chí có những cuốn tự truyện chỉ là sự phơi bày thói ăn chơi sa đọa của một số cá nhân cũng được xuất bản và tổ chức lễ ra mắt với những màn PR rầm rộ. Thậm chí đã xuất hiện những tác phẩm xuyên tạc, làm sai lệch bản chất đổi mới, phủ nhận quá khứ, gây ra phản ứng trong dư luận. Không ít tác giả vì quá say mê với các chủ đề “hot”, như bạo lực, tình dục, bản năng mà quên đi chức năng giáo dục và dự báo của văn học. Một số chương trình sân khấu, ca, múa, nhạc “thị trường” làm hoen ố thuần phong mỹ tục của văn hóa, nhân cách, đạo đức Việt Nam, gây sự bất bình trong công chúng. Và không phải hoàn toàn vô tình, có cả những tình tiết cố ý tạo nên “sự cố” trong hoạt động nghệ thuật với mục đích chính trị, như tối 30-4-2017, một quán bar ở phường Cửa Nam, TP. Hà Nội để vũ công mặc áo hở hang in hình cờ đỏ sao vàng nhảy nhót phản cảm.. Gần đây nhất, tối 8-10, các vũ công nam, nữ với trang phục hở hang, được cách điệu một cách thô thiển từ trang phục của các tu sĩ đạo Công giáo nhảy nhót trong một quán bar tại quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội đã gây bức xúc dư luận vì nhạo báng đức tin của người Công giáo...
Với văn nghệ sĩ, sáng tạo là quá trình “gạn đục khơi trong”, là tôn trọng các giá trị văn hóa thiêng liêng của dân tộc, của những nhân vật lịch sử đã nằm lòng trong các thế hệ người Việt Nam. Thế nhưng thời gian gần đây, lại xuất hiện một số tác phẩm “giải thiêng lịch sử”, phủ nhận giá trị các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc; chế giễu, xúc phạm một số vị anh hùng dân tộc vốn được nhân dân ta tôn kính, ngưỡng mộ. Gần đây nhất là hoạt động của nhóm Văn đoàn Độc lập với các bài viết, clip được phát tán trên mạng xã hội phủ nhận tính hiện thực của nhân vật anh hùng Lê Văn Tám, Võ Thị Sáu.
Khi chúng ta chấp nhận nền kinh tế thị trường là phải chấp nhận những mặt trái, tiêu cực của nó. Không thể phủ nhận cuộc sống hôm nay có nhiều biểu hiện tiêu cực, đáng lên án. Thế nhưng tác phẩm văn học, nghệ thuật khi khai thác những mặt trái của đạo đức xã hội là phải góp phần khơi gợi, thức tỉnh con người tránh xa cái ác, cái xấu để nuôi dưỡng, nâng đỡ, bồi đắp cái thiện vốn có trong cuộc sống chứ không phải để chán nản, tiêu cực. Văn học, nghệ thuật cần đấu tranh không khoan nhượng với thói hư, tật xấu của con người. Tuy nhiên khi viết về mặt trái của xã hội, của nhân cách con người thì không chỉ là nơi để văn nghệ sĩ trút bỏ ẩn ức của mình mà phải giúp công chúng vượt qua nó bằng niềm tin sâu sắc vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống và hướng tới tương lai tươi sáng.
Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) phần nói về văn học, nghệ thuật có nội dung: “Hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam, tạo môi trường và điều kiện để phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật; đề cao tinh thần yêu nước; tự hào dân tộc, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân mình, với gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước”. Đây thật sự là sứ mệnh, là trọng trách cao cả của văn nghệ sĩ với tư cách là người chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng - văn hóa trong giai đoạn hiện nay.
Thảo Nguyên
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065