BP - Cây sâm bố chính (hay còn gọi là sâm Phú Yên, sâm khu Năm...) hiện được nhiều người dân trong cả nước trồng với diện tích lớn. Đây là cây dược liệu quý, mang lại giá trị kinh tế cao. Loại cây này phân bố khắp các tỉnh, thành trên cả nước, chủ yếu ở các tỉnh miền Trung. Tại Bình Phước, sâm bố chính đã, đang được nhiều đoàn viên thanh niên trồng và hướng đến thành lập hợp tác xã. Đây là loại cây hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp thanh niên tạo dựng mô hình phát triển kinh tế mới để vươn lên lập thân, lập nghiệp trong thời gian tới.
THÀNH CÔNG BƯỚC ĐẦU
Sâm bố chính là cây dược liệu quý có khả năng phòng và điều trị được rất nhiều bệnh như suy nhược cơ thể, ho, viêm phế quản, nóng sốt. Bên cạnh tác dụng chữa bệnh, cây còn có thể làm cảnh để trang trí sân vườn. Loại cây này dễ trồng, dễ chăm sóc nên được khá nhiều người dân trồng tại nhà. Ở Bình Phước, sâm bố chính được trồng vài năm trở lại đây với quy mô nhỏ nhưng hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, mô hình trồng sâm bố chính đang được nhiều đoàn viên thanh niên trên địa bàn tỉnh nhân rộng.
Anh Nông Văn Cường, Bí thư Chi đoàn ấp 2, xã Đồng Tiến (Đồng Phú) cho biết: “Tôi biết cây sâm bố chính qua những người bạn. Các bạn tôi ở huyện Đồng Phú, Chơn Thành, mỗi người trồng khoảng 2 ha và cho hiệu quả kinh tế cao. Năm 2018, tôi đầu tư hơn 20 triệu đồng làm hệ thống tưới nước tự động và mua giống, phân bón để trồng thử 1.500m2 sâm bố chính. Được bạn hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc nên vườn sâm phát triển tốt. Vừa qua, vườn sâm đã cho thu hoạch gần 1,5 tấn củ, bán giá từ 80-120 ngàn đồng/kg. Trừ chi phí sản xuất, tôi thu hơn 100 triệu đồng”.
Huyện đoàn Đồng Phú tổ chức cho đoàn viên, thanh niên tham quan học tập mô hình trồng sâm bố chính của anh Nông Văn Cường, Bí thư Chi đoàn ấp 2, xã Đồng Tiến
Để cây phát triển và cho năng suất cao, người trồng cần chú ý khâu xử lý đất. Đất trồng cây sâm bố chính cần đảm bảo độ tơi xốp, đủ sáng, độ ẩm trung bình. Để làm được điều này, người trồng phải cày đất phơi ải trong vòng 15 ngày. Sau đó, cày lại một lượt và rắc vôi bột phơi tiếp 15 ngày để khử vi khuẩn gây hại trong đất. Sau khi đất tơi xốp, rải phân chuồng ủ hoai mục trộn đều với đất rồi lên luống để xuống giống. Anh Cường chia sẻ, để hạt giống nảy mầm đạt tỷ lệ cao cần ươm hạt thành hom sau đó đem trồng. Thời điểm ươm hạt vào khoảng tháng 10 hoặc tháng 11 hằng năm và trồng vào tháng 12 là hợp lý nhất. Nếu xuống giống trực tiếp thì cần ngâm nước ấm khoảng nửa ngày, sau đó trộn với tro bếp và cát mịn rồi gieo theo luống. Hiện chủ yếu mô hình trồng sâm trên địa bàn tỉnh đều áp dụng phương pháp xuống giống trực tiếp bằng hạt và tỷ lệ nảy mầm đạt trên 80%.
Sâm bố chính dễ trồng, không cần quá nhiều công chăm sóc. Tuy nhiên, cần chú ý đến các yếu tố như nguồn nước đảm bảo, tưới đủ ẩm trong thời gian mới trồng; làm cỏ sau bón thúc phân chuồng đã ủ hoai ở giai đoạn cây sắp đẻ nhánh; thường xuyên thăm vườn nhằm phát hiện các loại sâu ăn lá và côn trùng gây hại để có biện pháp xử lý kịp thời.
HƯỚNG TỚI THÀNH LẬP HỢP TÁC XÃ
Thành công sau đợt trồng sâm đầu tiên, anh Cường đã mạnh dạn chuyển giao khoa học, kỹ thuật cho những thanh niên có ý chí lập nghiệp, vươn lên phát triển kinh tế. Đoàn viên Nguyễn Văn Huy ở ấp An Hòa, xã Tân Tiến (Đồng Phú) được anh Cường chuyển giao trồng khoảng 1 sào sâm bố chính vào đầu năm 2019. Ông Nguyễn Văn Hồng (cha anh Huy) cho biết: “Gia đình có gần 2 sào đất mới trồng sầu riêng. Do cây sầu riêng chưa khép tán nên gia đình trồng xen các loại rau màu lấy ngắn nuôi dài. Vừa qua, Huy bàn với gia đình trồng sâm bố chính và chúng tôi đã trồng khoảng 1 sào xen canh trong vườn sầu riêng non. Hiện vườn sâm phát triển rất tốt, 12 tháng sau sẽ cho thu hoạch. 1 sào thu khoảng 1 tấn củ, bán với giá từ 80-120 ngàn đồng/kg thì hiệu quả kinh tế cao hơn so các loại cây khác. Nếu thành công, gia đình sẽ nhân rộng để tăng nguồn thu”.
Hiện anh Cường đã nhận chuyển giao trồng sâm bố chính cho 7 đoàn viên thanh niên trên địa bàn huyện Đồng Phú và Phú Riềng với diện tích khoảng 5 ha. Những đoàn viên được anh Cường chuyển giao trồng sâm sẽ được hỗ trợ kỹ thuật, đồng thời bao tiêu sản phẩm. Với thành công bước đầu từ mô hình này, hiện anh Cường và những người bạn đã làm hồ sơ đề nghị thành lập Hợp tác xã trồng sâm bố chính và một số cây dược liệu quý khác. Hiện nay, thủ tục đã hoàn tất đang chờ được thẩm định để thành lập hợp tác xã và đây là điều kiện tốt giúp những đoàn viên, thanh niên tham gia trồng sâm yên tâm về đầu ra sản phẩm.
Anh Vương Ngọc Toại, Phó bí thư Huyện đoàn Đồng Phú cho biết: “Trên địa bàn huyện có khoảng 15 mô hình phát triển kinh tế hiệu quả của đoàn viên, thanh niên. Trồng sâm bố chính là mô hình phát triển kinh tế mới trên địa bàn huyện, phù hợp với những trường hợp ít vốn, ít đất sản xuất. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình bằng cách tổ chức các buổi tham quan học hỏi kinh nghiệm trồng sâm bố chính cho những đoàn viên, thanh niên có ý chí vươn lên phát triển kinh tế”.
Thùy Hương
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065