BP - Mới đây, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội thảo về xây dựng thương hiệu quốc gia gạo Việt Nam. Điều đáng buồn là hầu hết đại biểu dự hội thảo đều cho rằng, hiện nay chỉ vài phần trăm gạo Việt Nam xuất khẩu có thương hiệu, còn lại chủ yếu xuất thô, giá trị thấp. Do thiếu vắng thương hiệu nên việc xuất khẩu gạo của chúng ta ngày càng khó khăn hơn.
Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam hiện đứng thứ ba thế giới về xuất khẩu gạo, chỉ sau Ấn Độ và Thái Lan. Với 4,1 triệu ha đất trồng lúa, trong đó vùng đồng bằng sông Cửu Long chiếm khoảng 53% tổng diện tích lúa cả nước. Năm 2014, tổng sản lượng xuất khẩu đạt hơn 6,3 triệu tấn gạo, với giá trị 2,93 tỷ USD. Tuy nhiên thời gian gần đây, xuất khẩu gạo Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn do sự cạnh tranh quyết liệt của các nước như Thái Lan, Ấn Độ, Campuchia... Từ ngôi vị đứng thứ ba thế giới về xuất khẩu gạo, chúng ta đang đứng trước nguy cơ mất dần thị trường vào tay các nước khác. Lý do khiến cho gạo của Việt Nam lép vế trên thị trường là vì chưa có thương hiệu. Bên cạnh đó, chất lượng gạo không đồng đều, chủ yếu phân chia theo tỷ lệ tấm (thông dụng là 5%, 15%, 25%).
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, nhà quản lý trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung và ngoại thương nói riêng thì áp lực cạnh tranh đối với gạo Việt Nam không chỉ là vấn đề giá bán mà điều quan trọng hơn là phải nâng cao chất lượng và tạo được uy tín, lòng tin đối với khách hàng quốc tế. Muốn vậy, chúng ta phải xây dựng được thương hiệu quốc gia cho gạo Việt, điều mà nước láng giềng Thái Lan đã làm cách đây hơn nửa thế kỷ! Đó là vào năm 1959, Thái Lan chính thức công bố các giống lúa gạo nổi tiếng với tên gọi Thai Hom Mali Rice, đồng thời, nước này còn xây dựng bộ tiêu chuẩn chất lượng cho các loại gạo, thúc đẩy an toàn thực phẩm, tiếp thị, xúc tiến thương mại. Tất cả yêu cầu về tiêu đề thương hiệu; tiêu chí về độ tinh khiết; mã vạch; nguồn gốc bao bì; lôgô, màu sắc, nhận diện đều được thực hiện nghiêm ngặt, thống nhất và đồng bộ. Nhờ vậy đến nay, Thái Lan có hơn 250 thương hiệu quốc gia khác nhau cho các sản phẩm gạo với chất lượng từ trung bình đến cao cấp. Trong khi đó, tại Việt Nam, hiện vẫn chưa có một thương hiệu gạo quốc gia nào. Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 21-5-2015. Vì vậy, chúng ta phải chấp nhận chờ đợi và hy vọng về sự ra đời của các thương hiệu gạo Việt trong thời gian tới.
Theo ý kiến của các nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực nông nghiệp, muốn xây dựng được thương hiệu gạo cần giải quyết khâu chọn giống, phải xây dựng được bộ tiêu chuẩn, hệ thống đánh giá bộ tiêu chuẩn đó. Đặc biệt là phải thay đổi tập quán sản xuất của người dân là pha trộn các loại gạo với nhau khiến chất lượng kém đi. Trong khi ở Thái Lan người ta tập trung vào một số giống nhất định thì hiện nay Việt Nam chúng ta vẫn chưa chọn được giống nào. Đây là vấn đề đòi hỏi sự bắt tay vào cuộc nhanh chóng của “bốn nhà” (nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và nhà doanh nghiệp) nhằm sớm cho ra đời các thương hiệu gạo Việt đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Trong quá trình hội nhập và phát triển, nước ta là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế, tham gia nhiều hiệp định thương mại với các đối tác. Điều này là cơ hội để chúng ta mở rộng thị trường, phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Song, chúng ta phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt của các đối tác và nếu không có sự chuẩn bị kỹ thì dễ dàng nhận lấy những thất bại ngay trên sân nhà. Câu chuyện về xây dựng thương hiệu gạo của Thái Lan đáng để chúng ta học tập.
Chính Trực
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065