NDĐT- Với bộ tư liệu về lịch sử chủ quyền Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa hết sức phong phú, đa dạng, được sắp xếp khoa học và sinh động, Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam- Những bằng chứng lịch sử” đã để lại nhiều cảm xúc yêu mến và trân trọng với tất cả những ai đã đến thăm quan.
Âm vang sự thật lịch sử về Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam
Theo thống kê chưa đầy đủ từ ban tổ chức, tính đến hết sáng 14-7, Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu Hoàng Sa, Trường Sa đã thu hút hơn 550 lượt khách thăm quan trong nước và quốc tế, trong đó có 172 lượt khách thăm quan là người nước ngoài.
Cần kéo dài và trưng bày ở nhiều nơi
Hầu hết người xem đều mong muốn ban tổ chức kéo dài thời gian triển lãm để mọi người dân có cơ hội được tiếp xúc với các bằng chứng lịch sử giá trị về hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.
Có những bác lão thành Cách mạng, dù tuổi cao, sức yếu nhưng cũng cố gắng đến thăm triển lãm cùng con cháu, và để lại những dòng cảm xúc: “Triển lãm đã làm rất tốt, nhiều tư liệu quý. Việc tổ chức triển lãm trong thời điểm này là rất hợp lý với tình hình trong nước và quốc tế”.
Bác Phạm Trường Giang, năm nay 80 tuổi ghi lại tình cảm trong Sổ ghi cảm tưởng của Triển lãm: “Được nhìn tận mắt và đọc qua các tư liệu về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, tôi cảm thấy vô cùng xúc động bởi đất nước ta không những có đất liền hình cong chữ S, chữ S này là chữ sống, người Đại Việt ta phải sống và sống mãi để làm việc thiện gây nhân lành cho thế gian; song chúng ta lại có cả biển và đảo, đó là Trường Sa và Hoàng Sa và hàng trăm đảo khác, cha Trời, mẹ Đất và đã trao cho người Đại Việt…. cuộc triển lãm này tuy ngắn gọn song vô cùng ý nghĩa, đề nghị đem đi các tỉnh khắp cả nước để người dân hiểu và tăng thêm lòng yêu nước đối với Tổ quốc ta”.
Cũng có ý kiến kéo dài cuộc triển lãm tại Hà Nội và tổ chức ở nhiều nơi hơn, anh Thắng tại Đống Đa, Hà Nội và gia đình bày tỏ hy vọng “Các tư liệu quý giá này nên được số hóa, và đưa lên mạng để nhiều người biết hơn. Đồng thời, cần sản xuất các bộ phim tài liệu về các tư liệu lịch sử này để phát trên các kênh sóng truyền hình trung ương và địa phương, giúp những ai không có cơ hội tới thăm triển lãm, cũng được biết và cảm nhận những tư liệu lịch sử quý giá này”.
Bên cạnh đó, các bạn sinh viên trẻ như hai bạn Trần Văn Hiến và Nguyễn Văn Việt, sinh viên năm thứ hai tại Đại học Quốc gia Hà Nội, khi tới thăm triển lãm cũng chia sẻ: “Triển lãm vô cùng thú vị và bổ ích. Em mong muốn ban tổ chức thông báo về triển lãm này rộng rãi hơn nữa như là thông báo tới Đoàn trường để Đoàn trường phổ biến thông tin tới các lớp”.
Với số lượng khách tới thăm triển lãm đông đảo, trong đó có gần 1/3 là khách nước ngoài nhưng không phải ai cũng biết có Triển lãm này tại Bảo tàng, do đó, rất nhiều du khách mong muốn Ban tổ chức ghi thông báo ngay từ ngoài cổng Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam bằng hai ngôn ngữ Anh và Trung Quốc.
Cô Rachel, một du khách Mỹ nói: “Tôi không biết về cuộc triển lãm này, mà chỉ vô tình vào xem khi thăm quan bảo tàng. Triển lãm rất thú vị, sau đây tôi đã biết về quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Tôi sẽ nói với bạn bè tôi ở Mỹ về các quần đảo này”.
Còn ông Kato, một du khách Nhật Bản, cho hay khi ở Nhật Bản ông đã biết Hoàng Sa là của Việt Nam. Và cũng như cô Rachel,khi tới thăm bảo tàng, vào xem triển lãm này, ông đã “hiểu rõ hơn các chứng cứ lịch sử khẳng định quần đảo này là của Việt Nam, không phải của Trung Quốc. Tôi sẽ giới thiệu với bạn bè của tôi đang làm việc tại Hà Nội tới thăm triển lãm này”.
Tăng giá trị pháp lý
Đến xem triển lãm lần này tại Hà Nội, nhiều học giả không khỏi xúc động trước những tư liệu quý giá được trưng bày tại đây.
Tiến sĩ Mai Hồng, người đã hiến tặng bộ bản đồ từ thời Nhà Thanh của Trung Quốc, trong đó quan trọng nhất là tấm bản đồ 34 mảnh Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ, in năm 1904 (đang được trưng bày tại triển lãm) vui mừng nói: “Tôi đã có bản đồ của sáu đời vua Thanh làm, là của chính Trung Quốc làm, đã đầy đủ ý nghĩa lắm. Nhưng lần này tôi rất vui vì chúng ta còn có các bản đồ của các nước phương Tây làm. Như vậy là không chỉ có bản đồ của ta vẽ, của Trung Quốc vẽ, mà ngay cả chính phương Tây họ đã làm từ rất lâu rồi. Mà người phương Tây họ làm thì khách quan lắm, vì họ không có tranh chấp gì tại đây”.
Dưới góc độ là một chuyên gia pháp lý, có nhiều kinh nghiệm trong luật pháp quốc tế và thực tiễn giải quyết tranh chấp quốc tế, PGS.TS Nguyễn Bá Diễn, Giám đốc Trung tâm hàng hải quốc tế, Chủ tịch hội đồng biển và hải đảo, Chủ nhiệm bộ môn luật quốc tế, Khoa luật ĐH Quốc gia Hà Nội cho hay, hệ thống bản đồ khoa học, khách quan, do các nước thứ ba vẽ cũng được coi là một chứng cứ rất quan trọng trong việc chứng minh chủ quyền của một quốc gia đối với một vùng lãnh thổ nhất định hoặc để bác bỏ yêu sách chủ quyền của một quốc gia khác. “Trong thực tiễn giải quyết tranh chấp quốc tế, tòa án rất quan tâm những bản đồ của nước thứ ba (những nước không có tranh chấp), và các bản đồ này có giá trị rất lớn”, PGS.TS Diễn nhấn mạnh.
Do đó, dù chưa thể tập hợp được hết các bản đồ, tư liệu nhưng “triển lãm lần này là một bước đầu tiên có giá trị pháp lý đáng giá, càng khẳng định mạnh mẽ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”.
“ Bởi các bản đồ này do các nước phương Tây, là bên thứ ba hoàn toàn khách quan, không liên quan đến tranh chấp biển Đông đều khẳng định biên giới cực nam của Trung Quốc không quá đảo Hải Nam”, PGS.TS Nguyễn Bá Diễn nói.
Đáp ứng những mong muốn của du khách trong và ngoài nước, cũng như nhằm tăng cường quảng bá thông tin rộng rãi hơn, Cục trưởng Cục Thông tin Đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền trông Lê Văn Nghiêm cho biết, ban tổ chức đã quyết định kéo dài triển lãm đến hết tháng 7-2013 tiếp thu và hoàn thiện các ý kiến xác đáng mà du khách trong và ngoài nước đã đóng góp. Sau đó, cuộc triển lãm sẽ phục vụ công chúng tại Thành phố Hồ Chí Minh trong tháng 8.
Dòng lưu bút của thế hệ trẻ khi tới thăm triển lãm.
Hai bạn Trần Văn Hiến và Nguyễn Văn Việt tìm hiểu các hiện vật về Trường Sa và Hoàng Sa.
Bố con anh Thắng tại quận Đống Đa tới xem triển lãm.
Chị Rachel, đến từ Mỹ.
Bản đồ khí đốt và nhiên liệu của Cục nội địa Mỹ vẽ năm 1975 cho thấy cực nam của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam.
Bản đồ Trung Quốc trong cuốn Atlas Trung Quốc địa đồ năm 1908 cũng thể hiện cực nam Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam.
Bản dập mộc bản sách Đại Nam thực lục chỉnh biên, phản ánh việc vua Gia Long cho tái lập Đội Hoàng Sa vào năm Gia Long thứ 2 (1803).
(Theo Báo Nhân Dân)
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065