Theo Sở Thông tin và Truyền thông, năm 2018, số hồ sơ dịch vụ công trực tuyến phát sinh còn thấp, chủ yếu tập trung ở một vài thủ tục hành chính của các sở: Giao thông vận tải, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư. Theo đó, tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính trực tuyến mức độ 3 đạt 1,38% trong khi chỉ tiêu Trung ương đưa ra là 40%; mức độ 4 là 2,75% trong khi chỉ tiêu Trung ương đưa ra là 30%.
Ông Nguyễn Minh Bình, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Thông tin và truyền thông phát biểu tại hội nghị
Nguyên nhân là do phần mềm cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh chưa đáp ứng nhu cầu, chưa hoàn thiện quy trình giải quyết hồ sơ điện tử của các cơ quan, đơn vị. Đặc biệt, dù đang trong quá trình xử lý văn bản dự thảo nhưng người nộp hồ sơ đã nhận được trong hồ sơ trực tuyến; giao diện làm việc đơn điệu, khó hiểu, phải cần đến sự hỗ trợ rất nhiều của bộ phận triển khai phần mềm trong quá trình xử lý hồ sơ. Từ đầu năm đến ngày 19-3-2019, Sở Giao thông vận tải có 2.697 hồ sơ, tuy nhiên trên phần mềm chỉ lưu thông tin 207 hồ sơ, 2.490 hồ sơ còn lại phải nhập lưu trên phần mềm của ngành dọc; Sở Kế hoạch và Đầu tư có 1.355 hồ sơ, phần mềm chỉ lưu thông tin 237 hồ sơ, 1.118 hồ sơ còn lại phải nhập lưu trên phần mềm của ngành dọc... Ngoài ra, do các cơ quan, đơn vị chưa xây dựng và áp dụng quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính theo tinh thần Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23-4-2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính; chưa áp dụng chữ ký số trong giải quyết công việc dẫn đến khó khăn trong triển khai dịch vụ công trực tuyến; công tác tuyên truyền chưa đạt yêu cầu...
Để sử dụng dịch vụ công trực tuyến, ông Nguyễn Minh Bình đề nghị, chuyên viên tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh; bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, xã phải là đầu mối tuyên truyền, phổ biến về lợi ích của dịch vụ công trực tuyến; trực tiếp hướng dẫn, tạo thói quen cho người dân sử dụng và phải kiểm tra, thiết lập trên phần mềm quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến trước khi công bố trên Cổng dịch vụ công của tỉnh để người dân thấy hiệu quả và thực hiện...
Cũng tại hội nghị, Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông (Sở Thông tin và Truyền thông) đã tập huấn cài đặt, sử dụng chữ ký số. Đơn vị cung cấp phần mềm hướng dẫn các đơn vị thực hiện trên từng phần mềm. Hội nghị cũng đã thảo luận và nêu lên một số khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện như: Tên các ngành đưa lên trục liên thông chưa thống nhất, cần ghi rõ để thuận lợi hơn cho văn thư khi gửi văn bản đi. Đặc biệt, Sở Thông tin và Truyền thông cần rà soát lại số cơ quan đã lên và chưa lên trục liên thông để các đơn vị biết, tránh thất thoát văn bản. Nhiều đơn vị đường truyền chưa đạt yêu cầu...
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Bình yêu cầu các cơ quan, đơn vị đồng loạt áp dụng chữ ký số; Viễn thông Bình Phước hỗ trợ các đơn vị nâng cấp đường truyền. Đặc biệt, các ngành chức năng, huyện, thị xã, thành phố xem lại hạ tầng công nghệ thông tin để có sự đầu tư đồng bộ, góp phần sử dụng phần mềm hiệu quả.
Minh Luận
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065