Đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris năm 1973.
Trong không khí thắng lợi sục sôi của Cách mạng Tháng Tám, Sắc lệnh thành lập Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 28-8-1945, đã khai sinh nền ngoại giao Việt Nam hiện đại. Trên chặng đường 75 năm, ngành ngoại giao luôn đồng hành cùng dân tộc, cùng các mặt trận quốc phòng - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội phục vụ đắc lực công cuộc phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Việc Bộ Ngoại giao ra đời cùng sự hình thành các cơ cấu đầu tiên của chính quyền cách mạng Việt Nam và được đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho thấy, ngay từ những ngày đầu lập nước, Đảng và Bác Hồ đặc biệt coi trọng vai trò của đối ngoại, với tư cách “vũ khí quan trọng” để bảo vệ lợi ích dân tộc. Đó là vinh dự lớn lao và là động lực để ngành ngoại giao đóng góp cho sứ mệnh cách mạng của dân tộc, với những thành tựu nổi bật trong đấu tranh ngoại giao, xây dựng quan hệ đối ngoại và thúc đẩy tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước.
Từ những ngày đầu lập nước nhiều gian khó, ngoại giao trở thành mũi chủ công ứng phó hoàn cảnh “thù trong, giặc ngoài”. Thực hiện sách lược kéo dài thời gian hòa bình quý giá để tích lũy thế và lực, thể hiện qua những văn kiện lịch sử như Hiệp định Sơ bộ ngày 6-3-1946, Tạm ước ngày 14-9-1946, ngoại giao đã góp phần quan trọng bảo vệ thành công chính quyền cách mạng non trẻ, củng cố lực lượng để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến trường kỳ. Trong thời khắc vận nước “nghìn cân treo sợi tóc”, các quyết sách đối ngoại táo bạo và đúng đắn đã thể hiện tầm vóc của nền ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh.
Trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, ngoại giao Việt Nam trở thành một mặt trận quan trọng, có ý nghĩa chiến lược, phối hợp chặt chẽ với hai mặt trận chính trị và quân sự tạo nên sức mạnh tổng hợp, đưa cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc đến thắng lợi. Đấu tranh trên bàn đàm phán, ngoại giao vừa phát huy được thế mạnh cục diện chiến trường, vừa góp phần làm sáng tỏ tính chính nghĩa của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và thống nhất đất nước, tạo tiền đề thuận lợi cho các mặt trận chính trị và quân sự. Ngoại giao làm cầu nối với nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới, qua đó tập hợp mặt trận quốc tế rộng rãi ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam. Thắng lợi vang dội của ngoại giao thời kỳ kháng chiến ghi những mốc son trong lịch sử dân tộc, với các Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, Hiệp định Pa-ri năm 1973, cùng các mặt trận chính trị và quân sự làm nên chiến thắng lịch sử mùa xuân năm 1975, bảo vệ nền độc lập và thống nhất đất nước.
Thời kỳ hòa bình, kiến thiết đất nước, nhất là trong công cuộc đổi mới, phát triển và hội nhập, ngoại giao càng cho thấy vai trò, đóng góp quan trọng. Công tác ngoại giao đã góp phần phá thế bao vây, cấm vận bằng vận động, thiết lập quan hệ và tham gia các thể chế quốc tế, đồng thời chủ động triển khai đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ quốc tế, duy trì môi trường hòa bình và tận dụng sự ủng hộ và hợp tác quốc tế, phục vụ sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia và giữ vững môi trường hòa bình để phát triển đất nước. Từ thế bị bao vây về kinh tế, cô lập về chính trị, chỉ có quan hệ ngoại giao với một số ít quốc gia, đến nay Việt Nam đã thiết lập quan hệ với 185 trong số 193 nước thành viên Liên hợp quốc, trong đó có nhiều mối quan hệ đối tác chiến lược và toàn diện với các nước, gồm cả năm Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và là thành viên của hơn 70 tổ chức khu vực và quốc tế, đóng góp tích cực trong ASEAN, Liên hợp quốc, chủ động và tích cực tham gia các cơ chế hợp tác, nâng tầm vị thế đất nước.
Công tác ngoại giao kiên trì nhiệm vụ bảo vệ, giữ vững chủ quyền quốc gia, tạo dựng môi trường hòa bình và hợp tác, nổi bật là đàm phán và ký kết các hiệp định phân định biên giới, góp phần quản lý đường biên giới hòa bình, hữu nghị. Với các mối quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư với 230 thị trường ở tất cả các châu lục, tham gia hơn 500 hiệp định song phương và đa phương trong nhiều lĩnh vực, công tác ngoại giao kinh tế phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Cùng các hiệp định về thương mại tự do và bảo hộ đầu tư với Liên hiệp châu Âu (EU), Việt Nam là một trong số ít nước tham gia tất cả các thỏa thuận kinh tế quan trọng ở khu vực, như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), qua đó khẳng định vai trò, sự chủ động, tích cực tại các diễn đàn đa phương, liên kết kinh tế khu vực và quốc tế. Ngoại giao văn hóa tích cực đã góp phần quảng bá di sản dân tộc, văn hóa truyền thống với bạn bè quốc tế...
Các mối quan hệ đối ngoại rộng khắp, bình đẳng, hữu nghị và hợp tác cùng phát triển, cùng môi trường hòa bình, ổn định và nỗ lực hội nhập toàn diện tạo cho đất nước một vị thế quốc tế vững vàng và thuận lợi. Trong thành tựu chung, công tác đối ngoại, trên tất cả các kênh đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, đã góp phần đưa Việt Nam đóng vai trò ngày càng quan trọng ở khu vực, tiếp tục là bạn, là đối tác tin cậy, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Với sự tin tưởng, quốc tế giao phó cho Việt Nam nhiều trọng trách và Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc, như vai trò chủ tịch luân phiên, chủ trì các sự kiện cấp cao của ASEAN, APEC, hay đảm nhiệm vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và các quốc gia gắn kết, phụ thuộc lẫn nhau nhiều hơn, hội nhập quốc tế là lựa chọn tất yếu. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu hướng chính, song tình hình quốc tế chuyển biến nhanh và khó lường, cạnh tranh chiến lược gia tăng, kinh tế khó khăn hơn và thách thức an ninh phi truyền thống cũng phức tạp hơn. Ngoại giao Việt Nam tiếp tục bám sát dòng chảy thời đại, phát huy sức mạnh tổng hợp của dân tộc, giữ vững chủ quyền quốc gia, môi trường hòa bình và ổn định để phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065