Không là thiên đường?
Sau khi hoàn tất các thủ tục xuất nhập cảnh tại cửa khẩu Bavet- Mộc Bài (Tây Ninh) đoàn chúng tôi đón thêm một vị khách quý, anh Sok Da Ra (48 tuổi) hướng dẫn viên du lịch người Campuchia. Nhờ có Sok Da Ra, mà chúng tôi đã mở rộng thêm tầm mắt của mình và hiểu thêm về con người, đất nước chùa Tháp.
Sok Da Ra (đeo thẻ) nói về đất nước Campuchia
Trước khi xuất hành chúng tôi cố hình dung về một đất nước rợp bóng cây xanh với những khu rừng già thâm u chạy dài tới chân trời. Thế nhưng, từ khi xe lăn bánh vào đất bạn, chúng tôi lướt qua những khu dân cư nghèo nàn, những cánh đồng cháy khô, những đoạn đường bụi mù mịt. Hai bên đường, những bóng cây Thốt nốt trơ trọi dưới cái nắng như thiêu đốt mà Sok Da Ra nói tiếng Việt rất rành anh cho biết: “Người dân Campuchia sinh hoạt tại chùa là chính. Nhà ở làm theo kiểu nhà sàn và chỉ để ngủ vào ban đêm. Vườn của người dân chỉ có cây xoài, dừa là chính hoặc bỏ không vì mùa khô thiếu nước”. Sok Da Ra cho hay, đất nước Campuchia bắt đầu thực hiện nền kinh tế thị trường từ những năm 1990. Tuy nhiên, hoạt động kinh tế của bạn chủ yếu là sản xuất nông nghiệp với các sản phẩm chủ yếu là lúa, ngô, đậu các loại. Theo thống kê, ở Campuchia hiện có hơn 75 % số dân sống bằng nghề nông. Thế nhưng lúa chỉ gieo trồng mỗi năm được một vụ vào mùa mưa và kéo dài trong 6 tháng. Tháng 3 hàng năm là kết thúc vụ thu hoạch, rồi đất bỏ hoang. Cho nên, cứ đến mùa khô, chỉ có đàn bà, trẻ em và người già ở lại thôn skor, còn đám thanh niên trái tráng vào trung tâm tỉnh lỵ làm thuê từ mờ sáng. Chiều tối khắp các ngã đường, người dân du bám trên mui, thùng và hai bên thành xe ô tô các loại trở về nhà.
Những cánh đồng cháy khô quạch, hoang hóa vì nắng hạn
Hiện Campuchia có khoảng 3 triệu ha đất trồng lúa, năng suất bình quân đạt gần 3 tấn/ha. Thế nhưng trong năm 2015 bạn xuất khẩu hơn 7 triệu tấn gạo! Anh Sok Da Ra cho hay: “Khác với người Việt, sau khi thu hoạch thi dự trữ để dùng, còn chúng tôi thu hoạch xong là bán hết. Khi cần thì ra chợ mua. Từ năm 2000 đến nay khi xuất khẩu được gạo ra nước ngoài. Tuy nhiên, cuộc sống của người dân vẫn còn nhiều khó khăn do chưa áp dụng khoa học vào sản xuất, đặc biệt là không có hệ thống thủy lợi. Sok Da Ra nói: “Do sông MeKong bị xây 9 đập ở thượng nguồn nên Campuchia bị ảnh hưởng rất nặng nề vì thiếu nước. Vì vậy, ở Campuchia nông nghiệp chỉ độc canh cây lúa một vụ không trồng được rau xanh và cây ăn trái như Việt Nam mà phải nhập khẩu là chính.
Đã có Luật giao thông
Trên đường đi, chúng tôi thấy nhiều chốt cảnh sát tại các khu dân cư, ngã ba, ngã tư đường. Sok Da Ra nói: “Đây là Quốc lộ nên cảnh sát phải gác nhằm đảm bảo giao thông. Việc đặt chốt gác là cụ thể hóa Luật giao thông đường bộ có hiệu lực đầu năm 2016”.
Trước đây tình trạng giao thông ở Campuchia rất lộn xộn. Ô tô không cần biển số, không cần kính chiếu hậu, không cần biết tay lái thuận hay nghịch, thân xe còn nguyên hay bị móp méo nếu còn chạy được là cứ lưu thông. Xe máy cũng vậy, việc chở ba chở bốn không đội nón bảo hiểm là chuyện bình thường. Tai nạn giao thông ở Campuchia làm thiệt hạn gần 400 triệu USD mỗi năm. Vì vậy, Chính phủ đã thành lập UBATGT quốc gia và sang Việt Nam học tập về soạn thảo Bộ luật giao thông đường bộ, áp dụng từ đầu năm 2016.
Người Việt ở Campuchia
Chưa có thống kê nào nói về số lượng người Việt hiện sinh sống và làm ăn ở nước bạn, nhưng theo Sok Da Ra thì Campuchia hiện có 16 triệu dân và người Việt ước khoảng 5% số dân của bạn.
Trong hành trình, chúng tôi gặp rất nhiều người Việt đang làm ăn buôn bán ở Campuchia. Anh Huyền (quê An Giang) bán hàng rong, đồ lưu niệm tại Angco Vat ngại nói về mình, chỉ rao: “Mua hàng ủng hộ đồng hương đi bà con ơi” đã thu hút nhiều khách du lịch người Việt đến bắt chuyện. Chị Luyến từ Đồng Tháp sang Phnompenh bán vé số. Cứ sáng chủ nhật chị đón xe đi đường tắt về thị xã Hồng Ngự lấy vé số các tỉnh Nam bộ ở đại lý sang Phnompenh bán giá 12.000 đồng/tờ. Theo Sok Da Ra, trước đây người Việt sang định cư tại Campuchia để hành nghề đánh cá trên các sông hồ và kinh doanh buôn bán ở các chợ là chính. Vài năm trở lại đây lỷ lệ lao động Việt Nam sang làm ăn đủ mọi ngành nghề, từ nghề mộc, xây dựng, hớt tóc, kinh doanh khách sạn, sửa chữa cơ khí… ngày một nhiều.
Sok Da Ra nói: “Thợ Việt Nam rất lành nghề và khéo tay. Cùng một sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ, người Việt cần ít thời gian để hoàn thành và rất tinh xảo nên bán rất được giá. Thợ cắt tóc Việt Nam cũng khéo tay nên rất đông khách. Thợ xây dựng cũng vậy, công lao động của thợ người Việt là 15 đôla ngày, còn thợ Campuchia chỉ được 7-9 đôla”.
Những công trình tình nghĩa trên đất bạn
Suốt hành trình, mỗi lần nói đến sự hồi sinh của đất nước mình thì Sok Da Ra không quên cảm ơn công lao của quân tình nguyện Việt Nam. Anh nói: “Nếu không có sự hy sinh to lớn của quân tình nguyện và nhân dân Việt Nam thì không có đất nước Campuchia hôm nay. Nhân dân Campuchia xem quân tình nguyện Việt Nam là quân đội của nhà Phật”.
Một góc khu dân cư bên quốc lộ 1 từ cửa khẩu Bavet đi Phnompenh của bạn
Vì vậy, sau khi đi thăm Hoàng cung, Sok Da Ra đưa chúng tôi đi thăm đài Độc lập, dâng hương tại Đài tưởng niệm liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam tại Phnompenh. Sok Da Ra cho hay, rất khó để nói hết công lao của nhân dân Việt Nam đã cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng Polpot. Sau khi chúng tôi bắt tay vào xây dựng lại đất nước thì Việt Nam cùng bạn bè khắp nơi đã tích cực hỗ trợ giúp đỡ. Hiện trên đất nước Campuchia có rất nhiều công trình phục vụ dân sinh như đường giao thông, cầu, trường học mà nhân dân Việt Nam giúp đỡ xây dựng nên. Ngay tại thủ đô Phnompenh, bệnh viện Chợ Rẫy- Phnompenh đi hoạt động là công sức của ngành y tế Việt Nam giúp chúng tôi từ trang thiết bị đến con người. Ở đây, bác sĩ, chuyên gia hàng đầu từ bệnh viện Chợ Rẫy, Thành phố Hồ Chí Minh sang khám và chữa bệnh cho người dân chúng tôi..
Nghe Sok Da Ra nói về những công trình tình nghĩa trên đất bạn, chúng tôi chợt nhớ, trong những năm qua dù còn nhiều khó khăn của một tỉnh nghèo mới tái lập lại là vùng sâu, vùng xa nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Phước đã nhường cơm xẻ áo dành hàng trăm tỷ đồng giúp bạn. Đó là những đường điện, đường giao thông từ Hoa Lư đi Sanual (Kratíe), cầu, đường tỉnh lộ 7, tỉnh Kongpongcham, cùng hàng triệu cây điều giống và hàng trăm tấn lương thực, thuốc men giúp bạn… Đó là những nghĩa cử cao đẹp của Bình Phước và cả nước trong qúa trình giúp bạn hồi sinh.
Tấn Phong
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065