Trò chơi đi cầu khỉ trong buổi sinh hoạt hè của học sinh Trường THCS Tân Phú (Đồng Xoài) - Ảnh: S.H
Mở rộng đối tượng áp dụng luật
Luật Trẻ em cũng quy định “trẻ em là người dưới 16 tuổi”. Tuy nhiên, luật không giới hạn trẻ em chỉ là công dân Việt Nam, mà đối tượng áp dụng của luật được mở rộng và bao gồm cả trẻ em là người nước ngoài cư trú tại Việt Nam và trẻ em là người không quốc tịch cư trú tại Việt Nam. Đồng thời, Luật Trẻ em cũng bổ sung các nhóm mới như: Trẻ em bị tổn hại nghiêm trọng về thể chất và tinh thần do bị bạo lực; trẻ em bị bóc lột; trẻ em bị mua bán; trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo hoặc bệnh phải điều trị dài ngày thuộc hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo; trẻ em di cư, trẻ em lánh nạn, tị nạn chưa xác định được cha mẹ hoặc không có người chăm sóc.
Luật cũng quy định “Khi xây dựng chính sách, pháp luật tác động đến trẻ em, phải xem xét ý kiến của trẻ em và của các cơ quan, tổ chức có liên quan; bảo đảm lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quốc gia, ngành và địa phương”, đồng thời cụ thể hóa thành trách nhiệm của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Luật Trẻ em cũng bổ sung về các hành vi bị nghiêm cấm như tước đoạt quyền sống của trẻ em; cản trở trẻ em thực hiện quyền và bổn phận của mình; công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em; không thực hiện trách nhiệm hỗ trợ trẻ em có nguy cơ hoặc đang trong tình trạng nguy hiểm...
Quyền và bổn phận của trẻ em
Luật Trẻ em quy định 25 nhóm quyền của trẻ em như quyền sống; quyền bí mật đời sống riêng tư; quyền được sống chung với cha, mẹ; quyền được chăm sóc thay thế và nhận làm con nuôi; quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục, không bị bóc lột sức lao động, không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc, không bị mua, bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt; quyền được đảm bảo an sinh xã hội; quyền được tiếp cận thông tin và tham gia hoạt động xã hội; quyền của trẻ em không quốc tịch, trẻ em lánh nạn, tị nạn...
Chương V trong Luật Trẻ em là nội dung hoàn toàn mới và là sự thể chế hóa quy định tại Khoản 1, Điều 37 Hiến pháp năm 2013: “Trẻ em được tham gia vào các vấn đề về trẻ em”. Chương này quy định nội dung, phạm vi, hình thức trẻ em tham gia vào các vấn đề về trẻ em và biện pháp bảo đảm trong gia đình, nhà trường, cơ sở giáo dục khác và trong cộng đồng. Tại Khoản 1, Điều 74 quy định các vấn đề sau đây về trẻ em hoặc liên quan đến trẻ em phải có sự tham gia của trẻ em hoặc cơ quan, người đại diện trẻ em tùy theo độ tuổi của trẻ em: Xây dựng chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; triển khai các chương trình, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật; xây dựng và thực hiện quyết định, chương trình, hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; quyết định, hoạt động của nhà trường, cơ sở giáo dục, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em; áp dụng biện pháp, cách thức chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục, bảo vệ trẻ em của gia đình. Đồng thời, để cơ chế giám sát việc thực hiện quyền trẻ em theo ý kiến, nguyện vọng của trẻ em được hiệu quả, luật quy định rõ nhiệm vụ của tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em là Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
Trách nhiệm bảo vệ trẻ em
Luật Trẻ em quy định cụ thể các nội dung về các cấp độ bảo vệ trẻ em (phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp) và trách nhiệm thực hiện; cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em; chăm sóc thay thế; các biện pháp bảo vệ trẻ em trong quá trình tố tụng, xử lý vi phạm hành chính, phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng. Bên cạnh đó, các biện pháp phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp được quy định cụ thể, cùng với trách nhiệm thực hiện của các cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong việc bảo vệ trẻ em. Luật còn quy định các loại hình cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em ở cả ba cấp độ, không chỉ dừng lại ở việc can thiệp đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Tại Điều 53 của Luật Trẻ em quy định cụ thể trách nhiệm của người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã.
Quy định về chăm sóc thay thế nhằm đảm bảo trẻ em được sống trong môi trường gia đình và được chăm sóc thay thế khi bị mất môi trường gia đình hoặc không thể sống cùng cha đẻ, mẹ đẻ vì sự an toàn và lợi ích tốt nhất của trẻ em. Luật cũng quy định các biện pháp bảo vệ trẻ em trong quá trình tố tụng, xử lý vi phạm hành chính, phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng. Nội dung này được xây dựng trên cơ sở hệ thống hóa các nguyên tắc áp dụng đối với người chưa thành niên trong quá trình tố tụng và xử lý vi phạm hành chính được quy định tại các văn bản pháp luật hiện hành, đồng thời bổ sung các nguyên tắc được quy định tại Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em và các điều ước quốc tế về tư pháp đối với trẻ em mà Việt Nam là thành viên.
Đặc biệt, Điều 54 trong luật là nội dung hoàn toàn mới. Theo đó: Trẻ em khi tham gia môi trường mạng được cơ quan, tổ chức liên quan giáo dục và bảo vệ dưới mọi hình thức; cha, mẹ, giáo viên và người chăm sóc trẻ em có trách nhiệm giáo dục kiến thức, hướng dẫn kỹ năng để trẻ em biết tự bảo vệ mình khi tham gia môi trường mạng... Chính phủ quy định chi tiết hình thức, biện pháp bảo vệ để trẻ em không bị xâm hại tính mạng, danh dự, nhân phẩm và có hình thức xử lý thích đáng, kịp thời đối tượng xâm hại tính mạng, danh dự, nhân phẩm trẻ em trên môi trường mạng.
Trách nhiệm của tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình...
Một trong những điểm mới đáng lưu ý nữa là trong Luật Trẻ em là đã quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân và cơ sở giáo dục trong việc bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, bao gồm Quốc hội, HĐND các cấp, Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức đoàn thể, tổ chức xã hội, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức kinh tế... và đặc biệt quy định trách nhiệm của gia đình, cá nhân và các cơ sở giáo dục.
Cụ thể, tại Điều 79 của Luật Trẻ em có quy định như sau: Cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân có trách nhiệm thực hiện quyền trẻ em theo quy định pháp luật và phối hợp, trao đổi thông tin trong quá trình thực hiện. Cơ quan nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em trong quá trình thực hiện nhiệm vụ liên quan đến trẻ em. Đồng thời, Luật Trẻ em cũng đưa ra chế tài đối với những cá nhân, tổ chức không thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình đối với trẻ em: Hành vi không thực hiện, thực hiện không đầy đủ, không kịp thời, không phối hợp khi thực hiện các quyền trẻ em bị coi là hành vi thiếu trách nhiệm, bị xử lý theo quy định của pháp luật căn cứ vào mức độ gây hậu quả của hành vi đó.
N.V
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065