Lễ hội miếu Bà Rá (TX. Phước Long) diễn ra thường niên vào đầu tháng 3 âm lịch. Tham gia lễ hội miếu Bà, nhân dân Phước Long và khách hành hương khắp nơi có thể hòa mình trong nền văn hóa dân gian, tín ngưỡng thờ Bà, thờ Mẹ để cầu phước, cầu lộc và cầu sự bình an từ xa xưa truyền lại.
TƯNG BỪNG LỄ HỘI MIẾU BÀ
Có mặt tại Phước Long vào những ngày đầu tháng 3, không khí nhộn nhịp hơn hẳn những ngày thường bởi các gian hàng lưu niệm mọc lên quanh khu vực miếu Bà. Dòng xe từ các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh đua nhau trả khách hành hương nơi cửa miếu. Từng dòng người kéo nhau về trẩy hội. Với lòng thành kính, khách hành hương nối nhau mang theo đèn, nhang, hoa trái, phẩm vật dâng cúng Bà. Không khí ngày hội vừa náo nhiệt, vừa thiêng liêng. “Đi hội thì đông mới vui, còn lễ Bà phải thành kính, đó là tâm lý chung của mọi người”, bà Lâm Thị Hòa An ở phường Tân Xuân (TX. Đồng Xoài) chia sẻ.
Đông đảo khách hành hương về dự hội miếu Bà
Lễ hội năm nay không có các trò mê tín, dị đoan. Du khách không bị hàng rong chèo kéo, ép giá. Phần lễ và hội diễn ra khá nhịp nhàng, uyển chuyển. Nghi thức tế, lễ trang nghiêm của các đoàn tế 3 miền Bắc - Trung - Nam cho du khách thấy được nét đặc trưng trong văn hóa thờ cúng của các vùng, miền. Phần hội có sự góp vui của các nghệ sỹ cải lương, với những bài ca về tình mẹ ngọt ngào sâu lắng, tăng thêm ý nghĩa của ngày hội: Kính cha mẹ, thờ cúng ông bà, tổ tiên, hướng về nguồn cội, gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống. Đặc biệt, tiết mục hát chầu văn, hầu giá đồng của các đoàn tế lễ miền Bắc thu hút sự tham gia của rất nhiều người dự hội.
Đến với lễ hội núi Bà Rá, tự mình thắp nén nhang thơm, chắp tay lễ Bà, lễ Mẹ, du khách hành hương như gần lại bên nhau trong bữa cơm chay đạm bạc. Những câu chuyện nhẹ nhàng về sự linh thiêng của Bà, lòng từ bi của Mẹ khiến lòng người thanh thản, bao phiền muộn âu lo thường ngày như lắng xuống. Bà Nguyễn Thị Mai (Bình Dương) chia sẻ: Lễ hội miếu Bà năm nào cũng vui. Tôi tới đây để cúng Bà, cầu Bà ban cho sức khỏe, sự may mắn. Đây cũng là dịp để những người ở được ngắm cảnh sắc thiên nhiên và cuộc sống ở Phước Long ngày nay.
Không chỉ thu hút sự tham gia của khách hành hương các tỉnh giáp ranh Bình Phước, lễ hội miếu Bà còn thu hút các đoàn du khách đến từ các tỉnh phía Bắc. “Nghe nói miếu Bà linh thiêng, nhiều lần Bà hiển linh giúp dân, với lòng thành kính, chúng rôi rất vui khi được vào đây, chiêm bái trước tượng Bà”, chị Vũ Thị Huê (Hải Dương) cho biết.
NHỚ TÍN NGƯỠNG THỜ MẪU XƯA
Từ xa xưa, phong tục thờ Bà, thờ Mẫu gắn liền với cư dân nông nghiệp Việt Nam. Mỗi dân tộc đã xây dựng cho mình một nữ thần để phụng thờ. Nếu người Việt thờ Mẫu Liễu Hạnh, người Chăm thờ Nữ thần Thiên Y A Na thì người Hoa thờ Bà Thiên Hậu... Đây là những bà mẹ xứ sở, những nữ thần bảo hộ cho dân tộc phát triển trường tồn với thời gian.
Phía Bắc có đền thờ Mẫu Liễu Hạnh ở Nam Định, Thánh Mẫu Thượng Ngàn ở Tuyên Quang, Mẫu Thoải ở Thanh Hóa... tồn tại với lịch sử lâu đời. Phía Nam nhiều đình, miếu thờ nữ thần cũng được người dân xây dựng, nhang khói như đền Bà Thiên Hậu ở thành phố Hồ Chí Minh, Bà Chúa Xứ ở Châu Đốc (An Giang). Mỗi miếu, điện thờ hay phủ thờ đều gắn liền với những câu chuyện lịch sử hay huyền thoại khác nhau.
Gần gũi nhất với Bình Phước là núi Bà Đen (Tây Ninh). Tại núi Bà Đen, huyền tích xưa còn lưu truyền về câu chuyện: Ở thế kỷ XVIII, bà Lý Thị Thiên Hương có nước da bánh mật, đảm đang, tài giỏi võ nghệ, thường giúp dân chống lại cường hào ác bá. Một hôm, bà Thiên Hương lên núi Một viếng chùa, lễ Phật, rơi vào vòng vây của bọn cường hào. Bà chống trả quyết liệt nhưng không thành. Để bảo toàn danh tiết, bà đã nhảy xuống núi tự vẫn. Hồn bà Thiên Hương hiển linh và được nhân dân lập miếu thờ. Khi quân Tây Sơn đánh đuổi, Nguyễn Ánh đi ngang miếu thờ được bà hiển linh chỉ đường ẩn nấp, thoát khỏi sự truy sát. Ghi nhớ ơn bà, lúc lên ngôi, Nguyễn Ánh phong bà là Linh Sơn Thánh Mẫu, cho đúc tượng Bà bằng đồng và lệnh cho nhân dân phụng thờ. Từ đó, người dân quen gọi núi Một là núi Bà Đen.
Bình Phước có núi Bà Rá được người dân tôn là một trong ba ngọn núi thần ở Nam bộ. Đồng bào Xêtiêng gọi với cái tên thành kính núi thần Yang Yumbara. Đồng bào Khơme gọi là núi Chân Phật. Miếu Bà Rá ngày nay được xây dựng từ năm 1958. Kiến trúc và ban thờ là sự kết hợp giữa tín ngưỡng thờ Mẫu (Tam tòa thánh mẫu dưới hậu đền) ở Bắc bộ và thờ Bà (Chánh điện) ở Nam bộ mà thành. Thờ Bà, thờ Mẫu trong miếu Bà Rá là biểu hiện của sự giao thoa văn hóa các dân tộc, các vùng miền trên đất Bình Phước, nơi hội tụ của 41 dân tộc anh em.
Dù cách thờ tự, tên gọi có khác nhau, song đối với đồng bào các dân tộc Việt Nam, tín ngưỡng thờ Mẫu, thờ Bà chính là nét văn hóa đặc sắc được người dân Bình Phước phát huy, gìn giữ.
Tường Linh
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065