BPO - Trong không khí sôi nổi các hoạt động chào mừng 90 năm Báo chí cách mạng Việt Nam, ngày 18-6 tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội thảo quốc gia “90 năm Báo chí cách mạng Việt Nam: Truyền thống, bản lĩnh và trách nhiệm”. Các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Vũ Ngọc Hoàng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Bắc Son, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Thuận Hữu, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập báo Nhân dân, cùng nhiều nhà báo lão thành đã tới dự và phát biểu ý kiến tại hội thảo.
Phát huy truyền thống vẻ vang của báo chí cách mạng
Mở đầu bài phát biểu của mình, nhà báo lão thành Phan Quang khẳng định, báo chí cách mạng Việt Namđi từ không đến có. Với tầm nhìn xa và trí tuệ kiệt xuất, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tạo dựng Báo Thanh niên (1925), mở ra kỷ nguyên mới cho báo chí Việt Nam. Báo Thanh niên có vai trò và hiệu quả lớn. Những bài viết dưới hình thức báo chí đăng trên gần 90 số báo ra hầu như đều đặn hằng tuần, trong những điều kiện vô cùng gian nan, là cốt lõi nội dung tác phẩm “Đường Cách mệnh”, mà sứ mệnh được tác giả thể hiện trong Lời nói đầu: “Mục đích sách này là để nói cho đồng bào ta biết rõ: (1) Vì sao ta muốn sống thì phải cách mệnh. (2) Vì sao cách mệnh là việc chung của cả dân chúng chứ không phải việc của một hai người…”. Tác dụng của mỗi ấn phẩm báo chí cách mạng lưu hành bí mật, nửa công khai hoặc công khai thời kỳ ấy là như thế nào? Không có bất kỳ ai đủ sức đánh giá. Như một hệ thống nước ngầm có mạch lớn và mạch nhỏ, cũng có con suối trồi lên mặt đất một quãng ngắn, mỗi tờ một vẻ, một chức năng, một số phận, rốt cuộc cùng góp phần đào tạo cán bộ, củng cố tổ chức, thức tỉnh người dân, vạch mặt kẻ thù, làm thối ruỗng dần, lung lay tận gốc rễ chế độ thực dân, phong kiến, chờ ngọn sóng Tháng Tám 1945 trào lên lật nhào tất tật.
Phóng viên Trung tâm Phát thanh -Truyền hình Quân đội tác nghiệp tại Trường Sa
Bác Hồ nói: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng”. Lời Bác không chỉ đúng theo nghĩa bóng, người chiến sĩ lấy "cây bút, trang giấy là vũ khí”, mà chuẩn xác cả về nghĩa đen, hiển hiện trong kháng chiến chống đế quốc xâm lược và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Tổng cộng có hơn 500 nhà báo, liệt sĩ ngã xuống trên các chiến trường trong lúc đang tác nghiệp nhằm cứu nước, thực hành chân lý “không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Trên thế giới, không có quốc gia nào có nhiều người làm báo bỏ mình tại chiến trường nhiều đến vậy, kể cả những quốc gia đông dân nhất thế giới tham gia Chiến tranh thế giới thứ hai. Đó là khí phách báo chí cách mạng Việt Nam, là bản lĩnh người làm báo Việt Nam.
90 năm qua, báo chí cách mạng nước ta lớn mạnh không ngừng, góp phần trực tiếp và xứng đáng vào những thành công và thành tựu của đất nước trong bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, phát triển con người Việt Nam. Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son, trong quá trình gần 30 năm tiến hành đổi mới đất nước, báo chí nước ta có sự phát triển mạnh mẽ cả về nội dung và hình thức, từng bước đổi mới để thích ứng với xu thế phát triển công nghệ thông tin và truyền thông. Hiện nay, cả nước có 849 cơ quan báo in; 67 đài phát thanh, truyền hình; 98 báo, tạp chí điện tử và một hãng thông tấn quốc gia. Nguồn nhân lực báo chí trung bình hằng năm tăng khoảng 6,5%. Nếu năm 2009 chỉ có 31.000 người làm việc trong lĩnh vực báo chí, thì đến nay có khoảng 35.000 người, trong đó có gần 18.000 nhà báo đang công tác tại các cơ quan báo chí được cấp thẻ nhà báo. Với sự phát triển lớn mạnh ấy, báo chí nước ta đã có những đóng góp quan trọng vào thành quả chung của công cuộc đổi mới: Tích cực phát hiện, đấu tranh kiên quyết với các hành vi tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực và các tệ nạn xã hội; tham gia giám sát, phản biện chính sách, phát huy quyền làm chủ của người dân; đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc; đấu tranh phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; tích cực tuyên truyền có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội; bảo đảm an sinh xã hội… Báo chí đã trở thành lực lượng hùng hậu, thông tin nhanh nhạy, toàn diện về mọi mặt, mọi diễn biến của đời sống chính trị, kinh tế-xã hội trong nước và quốc tế; là diễn đàn thực sự tin cậy của nhân dân.
Nâng cao bản lĩnh và trách nhiệm người làm báo
Nhìn lại quá trình phát triển của báo chí cách mạng nước ta, nhất là trong thời kỳ đổi mới đã có những thành quả đáng mừng. Lực lượng báo chí ngày nay đã lớn mạnh cả về loại hình báo chí, cơ quan báo chí và đội ngũ những người làm báo. Tuy nhiên, tại hội thảo, các đại biểu, nhà báo lão thành cũng đã đề cập đến những nỗi lo. Lo là việc rèn luyện bản lĩnh chính trị và đạo đức nghề nghiệp, nhất là đối với lực lượng làm báo trẻ, vẫn còn nhiều hẫng hụt, chưa đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng và hiệu quả để báo chí cách mạng thực hiện tốt vai trò và trách nhiệm của mình trong tình hình mới. Nguyên nhân chính và căn bản, theo ý kiến của nhà báo lão thành Hữu Thọ, là việc kém rèn luyện, tu dưỡng của phóng viên và sự giám sát lỏng lẻo của các ban biên tập về hành vi đạo đức của những người viết báo, không chỉ là những người làm báo trẻ; trong đó, trách nhiệm của tổng biên tập các tờ báo là rất quan trọng. Ngoài ra, nhiều tờ báo hiện đang gặp khó khăn trong cân đối thu-chi, cho nên có báo đã tìm cách đưa tin giật gân, "câu khách" để bán báo, “câu” số người truy cập để có thêm quảng cáo… Các số phụ, các trang tin điện tử ồ ạt ra đời trong mấy năm vừa rồi, phải chăng là nguyên nhân của xu thế thương mại hóa báo chí? Bên cạnh nhiều nhà báo tài năng, tận tụy, khiêm tốn, xã hội cũng đang nói đến những hiện tượng tiêu cực trong ứng xử của một số người như: Thái độ trịch thượng, ngạo mạn trong giao tiếp; cố chấp, không bao giờ chịu nhận là sai, khi sai không nhận lỗi, không cải chính…
Thiếu tá Nguyễn Hòa, Phóng viên Báo Quân đội nhân dân Điện tử tác nghiệp tại Trường Sa
Trước nhiều hiện tượng liên quan đến vấn đề đạo đức người làm báo, nói rộng ra là văn hóa báo chí với những vấn đề không nhỏ, nhà báo Hữu Thọ đề xuất: Đại hội Hội Nhà báo sắp tới nên có thời gian thỏa đáng, từ đại hội cơ sở để bàn sâu sắc trên tinh thần tự phê bình và phê bình nghiêm khắc, theo tinh thần lời dạy của Bác Hồ-người thầy của báo chí cách mạng Việt Nam.
Trong tham luận gửi tới hội thảo có tựa đề “Nhà báo: Rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp”, nhà báo lão thành Hà Đăng nhấn mạnh, sự đóng góp của báo chí thể hiện trên nhiều mặt, trước hết ở lập trường chính trị, sự kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đối với người làm báo, đạo đức phải được đặt lên hàng đầu. Người làm báo hành nghề trung thực, khách quan, tôn trọng sự thật, tôn trọng quyền con người, bảo vệ bí mật quốc gia, thực hiện quyền tự do báo chí, tự do hành nghề trong khuôn khổ pháp luật; sống lành mạnh, giữ phẩm chất trong sáng, không lợi dụng nghề nghiệp để vụ lợi, xúc phạm nhân phẩm và lợi ích của người khác.
Đề cập tới chủ trương sắp xếp hệ thống báo chí nước ta theo hướng nâng cao chất lượng là chính, nhà báo Phan Quang đồng ý với chủ trương này, tuy nhiên ông cho hay, then chốt quyết định thành công và cũng là giải pháp song hành với sắp xếp là bồi dưỡng, phát huy bản lĩnh người làm báo, nâng cao năng lực thực chất, chủ động, tự tin chứ không phải a dua, học đòi mọi thứ được coi là thời thượng trên đời. Khẳng định chức năng cao quý của nghề báo, nâng cao trách nhiệm xã hội và đạo đức nghề nghiệp của mỗi người. “Báo chí cần có tiền, phải làm ra tiền, nhưng kiếm tiền không phải là mục đích của báo chí cách mạng”-nhà báo Phan Quang nhấn mạnh.
Nguồn QĐND
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065