Ngày 7-5-1965, 6400 lính Mỹ và 24 xe tăng thuộc Lữ đoàn Hải quân viễn chinh số 9 đổ bộ lên xã Kỳ Liên, Kỳ Hà (nay là xã Tam Nghĩa và Tam Quang, huyện Núi Thành), triển khai xây dựng căn cứ liên hợp Chu Lai, làm bàn đạp tiến công các cơ sở cách mạng ở miền Nam.
Lữ đoàn 9 Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ đổ bộ vào Chu Lai ngày 7-5-1965 |
Để bảo vệ cho căn cứ Chu Lai, chúng sử dụng 1 đại đội chốt ở điểm cao Núi Thành. Tại đây quân Mỹ có khoảng 140 tên, trang bị chủ yếu là súng Đại liên M60, súng Ga rân M2 và lựu đạn M26. Chúng chia thành 3 cụm chốt có trận địa cối 81mm và trận địa DKZ. Ngoài ra, còn sẵn sàng được sự yểm trợ của pháo binh, xe tăng và máy bay ở các cứ điểm xung quanh.
Đứng trước đối tượng tác chiến mới, có ưu thế về hỏa lực và trình độ tác chiến, đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm tư của quân và dân miền Nam, cũng như sự lo lắng của bạn bè quốc tế đối với cách mạng Việt Nam. Nhiều câu hỏi đặt ra: Ta có dám đánh Mỹ không? Đánh có thắng được Mỹ không? Đánh bằng cách nào?...
Trước những trăn trở trên, ngay trong Hội nghị đặc biệt Ban Chấp hành Trung ương Ðảng lần thứ 11 (khóa III), ngày 27-3-1965, đề ra quyết tâm chính trị "Ghìm Mỹ trên chiến trường miền Nam, đánh bại ý chí xâm lược của Mỹ" ([1]). Với quyết tâm đánh Mỹ, tại Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam lần thứ nhất, họp tại Lò Gò - Tây Ninh đầu tháng 5-1965, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (lúc đó là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Cục miền Nam) xác định trước đại hội: “Đánh, đánh mạnh, chỉ có đánh, quyết chiến với giặc Mỹ sẽ tìm ra cách đánh thắng Mỹ ” ([2]). Với tinh thần đó, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 đã chỉ thị cho các lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Nam “Phải đánh tiêu diệt một đơn vị Mỹ để hạ uy thế quân Mỹ ngay từ đầu, tìm hiểu cách đánh của chúng, rút kinh nghiệm đánh Mỹ cho ta và cổ vũ khí thế đánh Mỹ trong toàn khu. Mục tiêu do tỉnh chọn, đơn vị đánh do tỉnh lựa, đánh theo trình độ, trang bị và khả năng của tỉnh…” ([3]).
Khi nhận được chỉ thị của Khu ủy và quân khu, Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam đưa ra quyết tâm “Chưa giải phóng miền Nam, ta còn phải chiến đấu, chiến tranh kiểu gì cũng đánh, đối tượng nào cũng đánh... Chúng ta có nhiệm vụ đánh Mỹ xâm lược đến cùng, để đóng góp kinh nghiệm cho toàn miền và góp phần đánh bại ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ” ([4]).
Quá trình trinh sát, nghiên cứu nắm chắc các quy luật hoạt động của quân Mỹ, Ban Chỉ huy tỉnh đội Quảng Nam quyết định: Chọn mục tiêu là lực lượng Mỹ đóng ở Núi Thành và sử dụng Đại đội 2, Tiểu đoàn 70 tăng cường Phân đội đặc công V16 tiến công mục tiêu này. Sau thời gian ngắn gấp rút huấn luyện bổ sung và làm công tác chuẩn bị. Ngày 26-5, đơn vị thực hành tiến công Núi Thành: 23giờ 30 ngày 25-5, các mũi đã đưa lực lượng lót sát bên trong hàng rào, nơi cách xa địch nhất là 3m gần nhất là 1m, tất cả sẵn sàng chờ lệnh. Đến 0 giờ 30 phút ngày 26-5, sau khi chờ 30 phút không nghe tiếng súng phát lệnh ở cầu An Tân theo hiệp đồng, Ðại đội trưởng Võ Thành Năm lệnh cho Trần Ngọc Ảnh- mũi trưởng ở hướng chủ yếu đồng loạt đánh thủ pháo vào các ụ súng ở tuyến hào 1; sau đó, các mũi nổ súng đánh vào tuyến hào 1 và 2 ở hướng bắc- đông bắc và tây- tây nam Đồi 50; sau 15 phút chiến đấu ta đã làm chủ hai tuyến hào này, tiêu diệt một số địch, bộ phận còn lại rút lên tuyến hào 3 sử dụng hỏa lực đại liên, M79 ngăn chặn. 0 giờ 45 phút khi mũi chủ yếu xốc lại đội hình thì ở mũi thứ yếu mũi trưởng Nguyễn Đức Thông chỉ huy phát triển nhanh sang chi viện cho mũi chủ yếu. Sau 20 phút hiệp đồng chiến đấu lần lượt đánh chiếm các mục tiêu, làm chủ Đồi 50.
Tượng đài chiến thắng Núi Thành- Quảng Nam
|
Lúc đó ở mỏm đồi 49 sau tiếng thủ pháo lệnh, bộ đội đồng loạt xung phong, dùng lựu đạn, thủ pháo, đánh chiếm được tầng công sự thứ hai ở vòng ngoài, gặp một khẩu đại liên địch bắn tạt ngang đội hình. Ba đồng chí làm nhiệm vụ đột kích bị thương. Ðồng chí mũi trưởng đã kịp thời điều tổ dự bị lên cùng anh em còn lại, mở thêm một hướng đột kích khác từ tây bắc đánh thọc thẳng vào trong, cắt đội hình địch, diệt khẩu đại liên, phát triển đánh chiếm tiêu diệt toàn bộ quân địch, làm chủ trận địa. Riêng mỏm phụ phía Bắc đồi 50, ta đã diệt gọn quân Mỹ ngay từ những phút đầu. Sau 30 phút chiến đấu, diệt gọn đại đội Mỹ đóng trên Núi Thành, ta đã hoàn toàn làm chủ trận địa.
Thắng lợi ở Núi Thành đã khiến vành đai bảo vệ sân bay hỗ trợ chiến thuật Chu Lai của địch bị uy hiếp nghiêm trọng, gây tâm lý hoang mang lo lắng cho lính viễn chinh Hoa Kỳ ngay trong những ngày đầu đặt chân đến Việt Nam.
Mặc dù trận tập kích Núi Thành chưa phải là trận đánh lớn, ta chỉ tiêu diệt gọn một đại đội Mỹ, song ý nghĩa chính trị, quân sự vô cùng to lớn. Đây được xem như một mốc son lịch sử khẳng định sự thất bại bước đầu của quân viễn chinh Mỹ, đồng thời chứng tỏ sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của Quân ủy Trung ương, Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 5, tỉnh đội Quảng Nam trong việc chỉ đạo tác chiến. Qua đó ta đã trả lời cho thế giới rằng Việt Nam dám đánh và đánh thắng Mỹ.
Chiến thắng Núi Thành là trận thắng Mỹ đầu tiên bằng lực lượng bộ đội địa phương tỉnh Quảng Nam. Thắng lợi đó càng khẳng định: Quân Giải phóng miền Nam dám đánh và đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Đồng thời, đem lại bài học quý giá về cách đánh Mỹ, khoét sâu điểm yếu cốt tử của Quân đội Mỹ là ỷ lại vào sự chi viện của xe tăng, pháo binh, không quân. Trong trận Núi Thành, ta đã vận dụng cách đánh tập kích, sử dụng lực lượng bộ binh kết hợp với đặc công bí mật khắc phục vật cản, tiếp cận, áp sát mục tiêu hình thành thế bao vây, đánh gần diệt địch; khi Núi Thành bị tiến công các trận địa pháo binh, xe tăng và lực lượng không quân Mỹ đóng quanh căn cứ Chu Lai đã không thể chi viện, hỗ trợ. Chính vì vậy, chỉ trong vòng chưa đầy 30 phút, đại đội thủy quân lục chiến tinh nhuệ đầu tiên của Hoa Kỳ, với quân số gấp đôi đã bị tiêu diệt. Đó là “Bám thắt lưng địch mà đánh” không phân tuyến để địch lợi dụng chi viện bằng sức mạnh hỏa lực của xe tăng, pháo binh và máy bay vốn là lợi thế sở trường của Quân đội Mỹ.
Nguồn QĐND
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065