Điều khiến Trần Lập, thủ lĩnh ban nhạc Bức Tường, thấy buồn và bị động nhất là nhiều nghệ sĩ đã bỏ âm nhạc để đi theo tiếng gọi của một việc làm chắc chắn hơn. Theo anh, họ bỏ âm nhạc không phải vì không đủ tài năng.
|
Bạn có thể không nhưng ngoài kia hẳn là có người đã từng thảng thốt, sao bây giờ lắm ca sĩ, nghệ sĩ thế chắc là do cái nghề này tuy tai tiếng nhưng hái ra tiền?
Thực tế thì thế nào, chúng ta cùng nhìn điều này thử xem.
Người tài bỏ... nhạc
Từ khi có các trường chính quy, các trung tâm đào tạo âm nhạc tại Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Huế… mỗi năm xã hội có thể được cung cấp vài chục ca sĩ, hàng trăm nghệ sĩ chơi nhạc khác nhau.
Trong vài chục năm qua, số lượng những nghệ sĩ được đào tạo mà thống kê ra thì sẽ giật mình đấy. Chưa đi sâu đến việc họ chơi dòng nhạc gì, chỉ biết rằng ca sĩ, nghệ sĩ ra đời cũng đã nhiều nhưng giờ còn được mấy ai?
Thời xưa, thời mà luôn đọng lại trong hoài niệm của khá nhiều người thì cái gì cũng có chất lượng. Các ca sĩ xưa được đào tạo chất lượng và không được thổi lên từ truyền hình thực tế, thi thố hay công nghệ lăng xê một sớm một chiều. Nay họ đâu cả rồi?
|
Xã hội vẫn còn đó những định kiến, những quan điểm cho rằng làm nghề âm nhạc không có tương lai. Làm những nghề nghiệp khác căn bản hơn, lâu dài hơn. Khoan hãy nói về tính đúng sai của quan điểm này nhưng chỉ với điều đó thôi đã đủ gây khó khăn cho những ai theo đuổi nó.
Phần đông nghệ sĩ đã theo nghề nhạc thật chật vật và bất ổn định. Tất nhiên rồi, khi chỉ nhìn vào nghèo khó, bất ổn cho tương lai, người lớn khó lòng muốn con em mình theo nghề. Và tụi trẻ, lứa “biết nghe lời người lớn” không còn đủ “dũng khí” để tin vào tương lai âm nhạc. Lứa bướng hơn khi đã trải nghiệm nhiều năm thì thật khó “quay đầu”.
Nếu như ta nhìn theo hướng tích cực theo môi trường nghệ thuật của các nước phương Tây hoặc những nước phát triển trong khu vực thì âm nhạc là một nghề nghiệp cao quý.
Những nghệ sĩ họ có thể sống đàng hoàng và thậm chí giàu sang và có địa vị bình đẳng với các ngành nghề khác. Vậy không có lý gì mà chỉ ở Việt Nam ta mặc nhiên công nhận quan niệm “ca hát chỉ là xướng ca vô loài” là luôn đúng.
Rồi sẽ tới lúc chúng ta sẽ có một nền âm nhạc tốt đẹp hơn, tôi tin vậy. Thế nhưng hiện tại chẳng mấy ai là không có lúc hoang mang đôi phần.
Những nghệ sĩ biến mất
Hiện nay, thu nhập từ âm nhạc của nghệ sĩ âm nhạc lại chia làm nhiều kiểu.
Cực ít người trong số hàng ngàn nghệ sĩ của chúng ta có thể thu nhập cao, sống mạnh sống giàu từ chuyên môn. Ví dụ là chơi guitar phải giàu có từ thu nhập chơi guitar; hát có thu nhập giàu có từ hát, kèn, trống, violon, piano, cello… có thu nhập đủ sống và nuôi gia đình. Theo tôi, đó là điều không tưởng ở thì hiện tại.
Bạn sẽ thắc mắc rằng trong số đó vẫn có kha khá người giàu có thu nhập từ nghệ thuật âm nhạc đấy chứ. Có thể sẽ còn nhiều bạn không tin nhưng những nghệ sĩ sống giàu có được bằng nghề nghiệp của mình vẫn đếm trên đầu ngón tay.
Sống ở đây có nghĩa là được ghi nhận cả tài năng lẫn thu nhập từ chuyên môn. Bỏ qua những nghệ sĩ mà gia đình đã giàu sẵn, vẫn có những người kiếm được nhiều tiền từ âm nhạc một cách chính đáng.
Người hát mà không có thu nhập ổn định từ hát, họ phải xoay việc khác. Vì một lý do nào đó, họ có phòng thu, họ sẽ trở thành người thu âm, họ sẽ có thu nhập đều hơn chẳng hạn. Có người chơi đàn không có thu nhập cao từ đàn, họ có thể thành MC, biên tập viên âm nhạc truyền hình và nhận “lương tháng của cơ quan”.
Có thể bạn sẽ nói rằng thế thì có sao đâu, miễn là họ làm nghệ thuật, có thu nhập tốt. Vâng, có tốt nhưng đó là cái tốt nhất thời của những người có điều kiện nhất định mà thôi.
Những nghệ sĩ còn lại thì sao? Nếu như mỗi nghệ sĩ không thể có thu nhập ổn định từ chuyên môn, họ phải cày ải nuôi thân bằng chuyên môn khác thì sao mà phát triển nghề nghiệp? Xã hội sẽ luôn luôn chỉ tồn tại những tài năng làng nhàng, nhàm tai mà thiếu đổi mới. Quan trọng nữa là không bì kịp với tốc độ phát triển của nước ngoài.
Đừng trách giới trẻ phần đông chỉ sính nhạc ngoại mà không mặn mà gì mấy với nhạc Việt. Đơn giản đó chỉ là sự chính đáng của con người về quyền lựa chọn mà thôi.
|
Lẽ ra định kiến chỉ là nhất thời và mơ hồ, thì trong xã hội ngày nay bỗng nhiên nó có vẻ “rất đúng”. Nó có vẻ “rất đúng” vì thu nhập âm nhạc rất thiếu ổn định, thị phi khôn lường và luôn bị coi thường.
|
Bạn sẽ dễ dàng nhận thấy có những ca sĩ đi xế hộp bạc tỉ, căn hộ bạc tỉ, đồ hiệu hàng ngàn đô. Thế nhưng bạn có thể sẽ ít nhìn thấy hàng ngàn ca sĩ khác đã biến mất khỏi giới nhạc để rồi lại trở thành những ai đó khác trong hơn 90 triệu dân mình.
Bạn sẽ luôn đọc thấy đạo đức, thái độ trơ trẽn và những hành vi sống rất tệ của một số ca sĩ siêu sao nào đó mỗi ngày. Nhưng bạn có biết vẫn còn hàng trăm ca sĩ, nghệ sĩ khác có trình độ học vấn, sống nhân hậu, giản dị và yêu nghệ thuật hết lòng.
Tôi không tin là giới ca sĩ, nghệ sĩ âm nhạc chỉ tồi tàn và bong bóng xà phòng như mấy tờ lá cải đơm đặt. Tôi biết bạn cũng vậy, không thể chỉ tin vào tiêu cực xấu xí, chỉ là chúng ta cần bình tĩnh mà nhìn vào điều tích cực chút thôi. Vẫn còn nguyên đó những giá trị tốt đẹp đấy.
Còn đó những người yêu nhạc
Tôi và không ít nghệ sĩ có hạng ở Việt Nam đã nhiều lần lác mắt và không tin vào tai mình. Nhiều dịp xem những ban nhạc, nghệ sĩ quanh Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia, Philippines và thậm chí cả Lào và Campuchia. Thấy họ có quá nhiều tài năng trình độ kỹ thuật âm nhạc cao hơn mình. Điều đó chỉ có được trong một môi trường âm nhạc biết nuôi dưỡng tài năng và tôn trọng nghệ thuật.
Bạn đừng chủ quan cho rằng chúng ta đã đủ coi trọng nghệ thuật và đã có quá nhiều tài năng âm nhạc tầm quốc tế nhé. Có nhưng rất ít. Trong vòng 1 phút, đố bạn kể ra được 10 cái tên tài năng âm nhạc của chúng ta được quốc tế thừa nhận. Trong một giờ đồng hồ, đố bạn kể tên ra được một con đường nào mà ở đó tên tuổi của các nghệ sĩ hàng đầu của Việt Nam được vinh danh.
|
Ở Việt Nam, có nhiều ban nhạc, nghệ sĩ chơi rock. Có thể tự hào mà nói ta không thiếu người chơi giỏi ở dòng này đâu. Thậm chí ta không thiếu người chơi rock ở Việt Nam có trình độ kỹ thuật ngang khu vực. Tại sao họ bỏ âm nhạc? Bởi thấy âm nhạc bấp bênh và chưa được coi trọng như những nghề khác.
Điều tự hào của giới rock là dân rock có đến trên 80% thành phần là trí thức. Thế nhưng, vô tình đó lại là một nét buồn khi tất cả số đó đã không chọn rock là một sự nghiệp. Không thể tin là nó không thể được coi là sự nghiệp mà chỉ là một trò chơi nhất thời.
Điều may mắn lại là điều trớ trêu trong suốt từng đấy năm đi diễn không ai trong ban nhạc Bức Tường bỏ hẳn nghề kiến trúc. Nếu bỏ hẳn, chúng tôi cũng chẳng có nổi đường lui. Chẳng hay ho gì khi đi diễn ca nhạc, thì lại phân tâm về chuyện rắc rối với khách hàng ở một công việc khác.
Trên thế giới, có nghệ sĩ nào có hàng chục ngàn người đang hò reo chờ ra diễn vẫn phải bốc điện thoại để nghe báo cáo hay lời phàn nàn vì những thứ chẳng liên quan gì tới âm nhạc? Thế nhưng, để mà toàn tâm toàn ý cho âm nhạc, thì lại khó vô cùng.
Tùng “bao”, một tài năng guitar từng chơi cho ban nhạc The Light, là một trong những tiến sĩ trẻ ngành hóa dầu. Có thể nói đây là tiến sĩ đầu tiên chơi nhạc rock. Cũng trong The Light, tài năng nhất nhì của mảnh đất này về guitar là Trần Ngọc Hà, hiện là tham tán thương mại tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Các thành viên Bức Tường là những kiến trúc sư và cả cán bộ cấp cao của Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch. Ca sĩ chính của ban nhạc Nuranium là một luật sư; ca sĩ chính của ban nhạc SmallFire là một nhà báo… Chẳng biết đất nước có cần thêm tiến sĩ, tham tán, kiến trúc sư và các cán bộ khác từ giới nhạc rock hay không nhưng giới âm nhạc của nước nhà luôn cần có tài năng đích thực.
Có điều, họ cần đảm bảo cho tương lai của họ, gia đình của họ. Tiếc là để được như vậy, họ đã cất rock vào trong tủ và đôi khi chỉ đưa ra phủi bụi một chút thôi... Trong phạm vi câu chuyện mà chúng ta đang nói ở đây thì nói sao cho đủ hết ý?
|
Đừng dè bỉu mà hãy làm gì đó
Được rồi, vậy nền âm nhạc hiện đại của chúng ta chỉ còn lại là những thị phi, những quả bong bóng xà phòng và những phanh phui nói xong thì để đấy? Tôi không tin. Nào thì tôi hay bạn hãy đừng chỉ vì than vãn và chán ngán môi trường tiều tụy mà không thử cùng nhau làm điều gì đó. Chí ít là hãy thử nghĩ khác rồi mọi chuyện sẽ khác.
Trong số hơn 90 triệu người dân, vẫn có hàng triệu người quan tâm tới âm nhạc. Vẫn còn hàng ngàn những nghệ sĩ tuy không nổi danh nhưng vẫn âm thầm hy sinh nhiều thứ khác để cống hiến cho nghệ thuật.
Có lẽ hãy thôi đi tranh luận thời xưa thời nay. Âm nhạc không địa vị, không tuổi tác và để hòa đồng những tâm hồn kia mà. Hãy thôi dè bỉu tính thị trường hay tính công nghệ, cuộc sống, thời cuộc đã khác nhiều rồi. Còn vô số những bạn trẻ đam mê và muốn đi theo con đường này bất chấp những rào cản, quan niệm và sự mịt mù phía trước.
Vẫn còn đó những cuộc tìm kiếm tài năng dù cho không ít người đã chán ngán chiêu trò, dàn xếp. Mọi thứ sẽ là thảm hại và thất bại hơn nếu như chỉ vì thế mà ta không làm, không tiếp tục tìm kiếm những giá trị ít ỏi mà thật lâu mới lóe lên.
(Theo TNO)
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065