BP - Những năm Đại đế Mông Cổ cầm quân chinh phạt khắp nơi trên thế giới, các dân tộc khác phải quy phục dưới vó ngựa quân xâm lược. Nhưng khi quân Mông Cổ tấn công vào Đại Việt ba lần đều bị đánh tan tác không còn mảnh giáp. Trong ba lần đó thì hai lần quân dân Đại Việt dưới sự lãnh đạo, chỉ huy tài ba của Trần Quốc Tuấn đã đánh cho quân phương Bắc phải kinh hồn bạt vía. Các dân tộc, nhiều quốc gia khác nhân cơ hội đó thoát được nạn nô dịch của quân Nguyên - Mông. Ngoài tài năng quân sự, Trần Quốc Tuấn còn là nhà chính trị kiệt xuất, nhà văn lớn của dân tộc. Những tác phẩm văn học quân sự, nghệ thuật quân sự đã trở thành kim chỉ nam cho nhiều thế hệ tướng lĩnh trên thế giới.
Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn sinh ra trong gia đình thuộc dòng dõi nhà Trần và được dạy dỗ để thành một người “đọc thông hiểu rộng, có tài văn võ”. Trong cuộc chiến chống quân Mông Cổ lần thứ nhất, vai trò của Trần Quốc Tuấn chưa thực sự nổi bật. Khi vua Trần phong chức Quốc công Tiết chế (Tổng Tư lệnh quân đội) để chống lại cuộc xâm lược của quân Nguyên - Mông lần thứ 2 vào năm 1283 thì tài năng quân sự của ông mới thực bộc lộ. Để đối phó với vó ngựa quân Mông Cổ, một đế quốc hùng mạnh bậc nhất thế giới lúc bấy giờ, ông tổ chức duyệt quân ở bến Đông Bộ Đầu và viết bài Hịch tướng sĩ nổi tiếng, sau đó chia quân đóng giữ nơi hiểm yếu. Đầu năm 1285, hơn 50 vạn quân Nguyên - Mông ào ạt tiến công vào phía Bắc và đường biển vùng Thanh Hóa - Nghệ An. Trước thế giặc mạnh, Trần Hưng Đạo đã rút lui chiến thuật và thực hiện kế vườn không nhà trống. Tháng 5-1285, Trần Hưng Đạo thực hiện cuộc tổng phản công với những trận quyết chiến như Hàm Tử, Chương Dương, Tây Kết, Vạn Kiếp... buộc quân Nguyên - Mông phải tháo chạy về nước. Cuối năm 1287, nhà Nguyên hoãn cuộc chiến tranh xâm lược để dốc toàn lực đánh chiếm Đại Việt lần thứ ba. Khi quân Nguyên - Mông phạm vào cửa ải, Trần Hưng Đạo chia quân chủ động tấn công và tiêu diệt đoàn thuyền lương địch ở Vân Đồn; bố trí lực lượng tiêu diệt toàn bộ binh thuyền của tướng giặc là Ô Mã Nhi ở cửa sông Bạch Đằng. Tướng giặc là Thoát Hoan nghe tin đội quân thủy đã vỡ tan, quân lương bị đánh chìm, khắp nơi đều bị tấn công dữ dội liền chui vào ống đồng trốn về nước, từ bỏ dã tâm thôn tính Đại Việt.
Sau những chiến công vang dội này, Trần Hưng Đạo được phong tước Hưng Đạo đại vương. Sau đó, ông lui về ở Vạn Kiếp, là nơi ông được phong ấp (nay thuộc xã Hưng Đạo, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương). Nhân dân kính trọng lập đền thờ sống ông ở Vạn Kiếp. Năm 1300, lúc ông đang lâm bệnh nặng, vua Trần Anh Tông tới thăm và hỏi về kế sách chống ngăn “giặc phương Bắc”. Ông nói: “Khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước”. Trần Hưng Đạo mất ngày 20-9 cùng năm. Sau khi ông mất, vua Trần phong tặng ông là Thái sư Thượng Phụ Thượng Quốc công Nhân Vũ Hưng Đạo Đại vương. Ông được nhân dân tôn vinh là “Đức Thánh Trần” và lập đền thờ ở nhiều nơi trong cả nước. Còn người phương Bắc suy tôn ông là “An Nam Hưng Đạo vương” mà không dám gọi thẳng tên.
Giới khoa học quân sự tôn vinh ông là “thiên tài quân sự có tầm chiến lược và tầm ảnh hưởng lớn đến thời đại”. Tài năng của ông được chứng minh qua sự lãnh đạo quân đội đã anh dũng vượt qua vô vàn khó khăn và hiểm nguy, ba lần đánh tan đạo quân Nguyên - Mông xâm lược hùng mạnh, giành thắng lợi lẫy lừng. Ông đã linh hoạt sử dụng binh pháp “biết đợi thời, biết thừa thế tiến thoái”, kết hợp tài tình sức mạnh giữa quân triều đình và hương binh, trọng người tài, tạo ra những trận đánh mang tính quyết định toàn cục. Đặc biệt, Trần Hưng Đạo đã xây dựng nền móng cho học thuyết chiến tranh nhân dân, khơi thông sức mạnh của nhân dân. Chính những sách lược quân sự này mà không ít tướng lĩnh trên thế giới đã áp dụng thành công trong nghệ thuật điều binh khiển tướng nhiều thế kỷ sau. Riêng binh pháp của Trần Hưng Đạo là một di sản quý giá cho dân tộc Việt Nam trong đấu tranh bảo vệ đất nước và xây dựng Tổ quốc.
Tấn Phong
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065