Là quần thể di tích thắng cảnh quốc gia, Ghềnh Ráng nổi tiếng với bãi tắm Hoàng Hậu, mộ thi sĩ Hàn Mặc Tử, Ghềnh Ráng Tiên Sa. Theo người thợ chụp ảnh, ở chân núi có ghềnh vươn ra biển, ý nghĩa là cố lên. Ngày xưa, người dân ở Quy Nhơn đi đánh cá bằng thuyền buồm và thường đến vị trí này chờ khi có gió mới bắt đầu giương buồm ra khơi. Ghềnh Ráng có bãi đá như những quả trứng nằm trên bãi biển, là nơi trú thân của thần tiên. Theo tích xưa, một gia đình nông dân nghèo sinh được cô con gái có vẻ đẹp chim sa cá lặn. Cô có tình yêu trong sáng với chàng trai trong làng. Nhưng tên quan huyện háo sắc mê mẩn vì sắc đẹp của cô và muốn lấy cô làm vợ nên bắt chàng trai đi lính ở nơi biên ải xa xôi. Để ép buộc, tên quan huyện còn bắt cô gái trong vòng 1 tháng phải nộp 10kg yến sào, nếu không đúng hẹn phải làm vợ ông ta. Chung thủy với người yêu, cô gái quyết chí ra biển tìm đủ số yến quan huyện giao; còn chàng trai không phục âm mưu của tên quan huyện nên đã trốn về quyết tâm thay cô gái đi tìm yến. Thời hạn nộp yến đã đến, nhưng không thấy chàng trai về cô gái sợ bỏ trốn đến Ghềnh Ráng, ẩn vào núi Vũng Chùa. Biết chuyện, quan huyện cho lính đuổi theo, đến đây bỗng trời nổi cơn giông tố, sấm chớp đùng đùng, mưa bay mù mịt và quả núi bỗng nhiên nứt ra một khe lớn, cô gái chạy vụt vào đó và biến mất. Trời quang, mây tạnh, khe núi biến thành một dòng suối mát, uốn lượn quanh sườn núi như một dải lụa nối trời với đất. Người dân gọi đó là suối Tiên.
Du khách đọc thơ Hàn Mặc Tử ở lều thơ của nghệ sĩ Dzũ Kha trên đường lên mộ Hàn Mặc Tử
Chàng trai sau khi tìm đủ số yến trở về chuộc lại người yêu, nhưng trên đường từ đảo vào đất liền cũng gặp giông bão, làm cuốn trôi hết tổ yến, còn chàng đuối sức ngất xỉu, được sóng biển đánh dạt vào Ghềnh Ráng. Tỉnh lại, đang ngơ ngác chưa hiểu mình trôi dạt về đâu, thì chàng trai thấy bóng người yêu lúc ẩn lúc hiện nên vừa gọi, vừa chạy theo cho đến khi hai người cùng biến mất. Từ đó, người dân trong vùng gọi nơi này là Ghềnh Ráng - Tiên Sa.
Với cảnh đẹp đắm say lòng người, những lần cùng vua Bảo Đại đi kinh lý các tỉnh miền Trung, Nam Phương hoàng hậu thường chọn nơi đây làm bãi tắm cho riêng mình. Năm 1927, vua cho xây dựng một tòa biệt thự cùng những công trình phục vụ cuộc sống đế vương trong những lần đi kinh lý để thưởng ngoạn cảnh đẹp ở Bình Định. Tên gọi bãi tắm Hoàng Hậu bắt nguồn từ đây.
Nhưng những điều đó cũng chưa thể làm nên một Ghềnh Ráng nổi tiếng, thu hút du khách nếu không gắn liền với tài danh của thi sĩ Hàn Mặc Tử và bút lửa Dzũ Kha - Trương Vũ Kha, người hằng ngày khắc thơ Hàn Mặc Tử, kể về Hàn Mặc Tử cho du khách nghe. Dù ngày nắng hay ngày mưa vẫn không vắng bóng ông ở chòi thơ đối diện dốc Mộng Cầm trên đường lên mộ Hàn Mặc Tử.
Như những bậc thi sĩ tài danh khác, Hàn Mặc Tử đã dự đoán được cái chết cô đơn của mình: Một mai kia ở bên khe nước ngọc/ Với sao sương anh nằm chết như trăng/ Không nhìn thấy nàng tiên mô đến khóc/ Đến hôn anh và rửa vết thương tâm (Duyên kỳ ngộ). Nhưng ông lại không đoán được, có một Dzũ Kha sinh ra để dành cho thơ Hàn Mặc Tử và chung thủy với ông. Có thể, ông ra đi trong đau đớn và cô đơn, nhưng ông không hề cô độc bởi thơ ông đã có “hậu duệ” truyền bá, nâng niu giữ gìn. Ông là nhà thơ duy nhất được tổ chức sinh nhật và làm đám giỗ hằng năm từ hơn 20 năm nay do một người mến mộ ông và yêu thơ ông, đó là Dzũ Kha. Những áng thơ bất hủ mà ông để lại cho đời, những gì ông chưa làm được đã có Dzũ Kha thay ông thực hiện.
“Lúc đầu ba thích làm thơ, sau đó yêu thơ Hàn Mặc Tử và dành gần như tất cả thời gian nghiên cứu về cuộc đời thi sĩ này. Làm bao nhiêu tiền, ba đều đầu tư vào sưu tầm tài liệu, thơ, in sách, tổ chức sinh nhật, làm giỗ hằng năm cho thi sĩ này. Công trình vườn đá ghi thơ Hàn Mặc Tử được ba đầu tư năm 2006. Ba nói, chỉ cho em đi học để biết chữ chứ phải theo nghề của ba và em đã học được 7 năm. Tác phẩm của em khắc được du khách khen dù chưa xuất sắc như ba” - em Trương Minh Trang, con gái của ông Trương Vũ Kha nói.
Hàn Mặc Tử qua đời khi còn quá trẻ, lúc nhà thơ mới 28 tuổi. Mộ ông được xây trên một gò cao ở Ghềnh Ráng, lưng dựa vào núi, mặt quay ra biển, là điểm đến trang trọng mà mỗi du khách đến đây đều dừng chân tưởng nhớ. Và, cũng không thể bỏ qua chòi thơ của nghệ sĩ Dzũ Kha, nơi tạo điểm nhấn làm cho Ghềnh Ráng thêm lãng mạn, thi vị. Tôi gọi đó là trái tim của Ghềnh Ráng, bởi chòi thơ không chỉ sưởi ấm thêm cho ngôi mộ lạnh lẽo của thi sĩ tài hoa bạc mệnh mà còn làm ấm lòng lữ khách mỗi lần đến đây, tiếp sức cho bút lửa Dzũ Kha viết tiếp những hoài bão mà Hàn Mặc Tử chưa kịp hoàn thành.
Ngọc Bích
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065