Bí thư Xã đoàn Bù Gia Mập Hà Văn Toản (bên trái) thăm vườn tiêu cho năng suất cao của đoàn viên Điểu Bảy
Giúp dân trong lĩnh vực tư pháp
Tốt nghiệp Trường đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh, anh Nguyễn Khắc Liêm tham gia Dự án “Đội trí thức trẻ tình nguyện phát triển nông thôn, miền núi tỉnh Bình Phước” giai đoạn 2005-2007 do Tỉnh đoàn Bình Phước tiếp nhận dự án của Trung ương Đoàn. Anh Liêm kể lại: “Ngày 6-10-2005, Tỉnh đoàn tổ chức lễ giao quân về các xã của huyện Phước Long (cũ), mỗi xã giao 1 phân đội gồm 4 người, tôi là Đội trưởng Đội trí thức trẻ tình nguyện tại xã Bù Gia Mập. Hồi ấy, dân cư ở đây còn ít, giao thông cách trở, có khi đội phải đi bộ vài ngày mới đến được các sóc xa trung tâm. Chỉ 2 tháng sau, 2 người trong đội không chịu nổi những cơn sốt rét cùng vô vàn khó khăn nên đã trở về quê”.
Xã Bù Gia Mập có 74% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Trước đây, khi làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thủ tục thừa kế, sang tên đổi chủ... đồng bào DTTS mới làm giấy khai sinh, chứng minh nhân dân cho con. Mỗi người thường có 3-4 tên do phát âm khó nghe, người ghi sai lệch và đồng bào không biết chữ để đọc lại. 2 năm thực hiện dự án, anh Liêm chủ yếu hỗ trợ tư pháp và công an. Không phải người địa phương, việc vận động người dân làm giấy khai sinh cho con để được hưởng bảo hiểm y tế và làm các loại giấy tờ khác rất khó. Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, không ngại khổ, thấy gia đình nào khó khăn anh Liêm đều đến giúp đỡ. Từ lợp lại nhà dân bị tốc mái, làm nhà mới, đến giúp đưa người bệnh đi bệnh viện... Lâu dần, người dân nơi đây xem anh như người trong gia đình. Anh tranh thủ lúc làm rẫy và các việc chung của thôn để vận động đồng bào làm các loại giấy tờ cần thiết. Để tránh sai sót, khi làm thêm giấy tờ, anh Liêm thường yêu cầu bà con xuất trình những giấy đã làm trước đó, nếu một người sử dụng nhiều tên vì ghi sai do phát âm thì sửa lại cho trùng khớp.
Gắn bó với phong trào đoàn
Tốt nghiệp trung cấp thanh vận, Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa, năm 2006, anh Hà Văn Toản đăng ký bổ sung Đội trí thức trẻ tình nguyện ở xã Bù Gia Mập. Anh Toản kể lại: Trước đây, thanh niên DTTS lo làm kinh tế, rất ít người tham gia các hoạt động phong trào. Lập gia đình sớm và bỏ sinh hoạt đoàn ngay sau đám cưới cũng là trở ngại lớn trong việc tập hợp thanh niên ở Bù Gia Mập. Để củng cố hoạt động đoàn, anh gần gũi, động viên thanh niên tham gia các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao... Dần dần, thanh niên đến với tổ chức đoàn nhiều hơn. Thanh niên trong xã không còn bỏ việc vườn rẫy tụ tập ăn nhậu như trước, thay vào đó là các đội bóng đá, bóng chuyền, văn nghệ tập luyện mỗi chiều, rèn luyện sức khỏe để lao động sản xuất. Đến nay, toàn xã có 14 chi đoàn với 185 đoàn viên, trong đó 154 đoàn viên DTTS.
11 năm gắn bó với công tác đoàn, Bí thư Xã đoàn Bù Gia Mập Hà Văn Toản luôn trăn trở, tìm giải pháp tuyên truyền, giáo dục, vận động đoàn viên thanh niên chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giáo dục lý tưởng, lòng yêu nước và cảnh giác trước âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Từ đó, các phong trào xung kích của đoàn viên thanh niên xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân được duy trì thường xuyên, hoạt động hiệu quả. Toàn xã hiện có 8 đội thanh niên xung kích ở 8 thôn và 1 đội dân quân tự vệ với 49 đoàn viên tham gia đã phát huy được vai trò bảo vệ và giữ gìn trật tự thôn. Thanh niên xung kích phối hợp với Công an xã trong việc truy bắt tội phạm, bảo vệ hiện trường và giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn.
Anh Toản cùng Ban chấp hành Xã đoàn thường xuyên lồng ghép tuyên truyền và vận động đoàn viên thanh niên thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, lao động để thoát nghèo và bỏ các tập tục lạc hậu, vươn lên làm giàu chính đáng. Mỗi chi đoàn đều phát động thi đua lao động sản xuất giỏi, các thành viên giúp nhau về vốn, con giống, kỹ thuật, ngày công để làm kinh tế. Năm 2015, Xã đoàn đã tổ chức cho 6 thanh niên đi học tập mô hình trồng điều ghép ở xã Long Hà (Phú Riềng). Ban chấp hành Xã đoàn luôn chú trọng nhân rộng cách làm kinh tế giỏi của thanh niên để các thành viên học tập, chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, trồng tiêu, cà phê, cải tạo vườn điều già...
“Trái ngọt” vùng biên
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ của Đội trí thức trẻ tình nguyện, đề xuất giải pháp giúp xã vượt qua khó khăn trong lĩnh vực mình phụ trách, anh Liêm và anh Toản đã tình nguyện ở lại xã tiếp tục công tác. Năm 2008, anh Liêm là cán bộ tư pháp, hộ tịch của xã nhưng vẫn không ngừng học hỏi, nâng cao kiến thức để làm tốt công việc được giao. Anh Liêm lập gia đình với chị Điểu Thị Thảo (dân tộc Mơnông). Cũng trong năm 2008, anh Toản được bầu làm Bí thư Xã đoàn Bù Gia Mập và cưới vợ là chị Điểu Thị Bơi (dân tộc Mơnông). Sống cùng vợ ở thôn Bù La, anh Liêm vui vẻ nói: Nước về ruộng, chồng theo vợ. Nếu không gần gũi, sống chan hòa cùng người dân nơi đây, không thể lấy được vợ dân tộc Mơnông. Ngày cưới, vợ tôi không thách cưới, chúng tôi làm gương để tuyên truyền đồng bào DTTS bỏ các tập tục lạc hậu trong kết hôn, xây dựng gia đình êm ấm, hạnh phúc”.
Tuyết Ly
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065